Khi Hà Tĩnh triển khai mô hình VNEN
“Ở Hà Tĩnh hiện có 48% trường tiểu học thực hiện theo mô hình trường học mới (VNEN). Không tránh được có những dư luận trái chiều về VNEN vì đây là mô hình mới. Những phản biện này giúp cho ngành giáo dục rất nhiều. Kinh nghiệm của Hà Tĩnh trong việc triển khai mô hình VNEN đó là phải cá biệt hoá học sinh. Nếu ứng xử đồng loạt là thất bại”- bà Nguyễn Thị Hải Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết.
PV: Thưa bà, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương tích cực triển khai mô hình VNEN trong khi hiện vẫn còn dư luận trái chiều xung quanh mô hình này?
Bà Nguyễn Thị Hải Lý: Có thể phân ra 2 loại dư luận trái chiều. Một là họ phản ánh đúng sự thật về việc nơi này nơi kia thuực hiện không hiệu quả mô hình này. Khi đó, Sở chúng tôi phải vào cuộc tìm hiểu. Có khi họ phản ánh đúng đấy. Có xuống tận nơi mới thấy có khi Sở quán triệt như thế, chỉ đạo thế nhưng chỗ này chỗ kia vẫn có chỗ làm không đúng, làm sai dẫn đến bất cập trong chất lượng. Trách nhiệm của Sở là bám sát để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh. Thứ hai là do họ chưa hiểu bản chất, nội hàm của việc làm này. Họ chưa hiểu cũng là đúng thôi vì ngành nào có chuyên môn của ngành ấy. Khi đó ngành giáo dục phải tập trung tuyên truyền cho người ta hiểu. Đồng thời khi chính ngành giáo dục thực hiện thấy tốt, hiệu quả thì phải có bản lĩnh và tâm huyết để tiếp tục theo đuổi đến cùng.
Có khó khăn gì khi triển khai mô hình VNEN không thưa bà?
- Năm đầu tiên, chúng tôi chọn một trường có điểm trường lẻ, không phải là vùng sâu vùng xa theo tiêu chí đặt ra mà thuộc vùng nông thôn. Do đội ngũ chất lượng hạn chế mà mô hình này không dễ nên vận tốc ban đầu của việc triển khai mô hình VNEN ở Hà Tĩnh với một trường thí điểm coi như bằng 0. Một việc làm khó mà cho người năng lực không tốt thì hiệu quả làm sao được?
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy mô hình này tốt thật. Tốt cả về mặt lý thuyết và thực hành. Vì vậy, rút kinh nghiệm năm tiếp theo Hà Tĩnh chọn 11 trường của 11 huyện chưa triển khai thí điểm là những trường có điều kiện tốt nhất, ưu tiên đầu tiên là về chất lượng giáo viên. Sau đó mở rộng dần ra từng năm một.
Vì sao đến thời điểm này Hà Tĩnh vẫn chưa triển khai đồng loạt mô hình VNEN ở tất cả các trường tiểu học? Phải chăng là do nghi ngờ về chất lượng hiệu quả?
- Chúng tôi thận trọng trong triển khai hoàn toàn không phải do nghi ngờ về hiệu quả của mô hình. Bản thân tôi cho rằng hiện nay đây là giải pháp tối ưu nhất, là mô hình hiệu quả phù hợp với giai đoạn này của giáo dục tiểu học, THCS của Việt Nam. Hiệu quả ở đây là theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Chúng tôi không có sự áp đặt chung với các trường phải thực hiện theo mô hình VNEN. Có những trường không thực hiện 100% tất cả các yếu tố mà họ thấy có yếu tố nào hay, phù hợp với trường thì làm. Ví dụ như giáo dục cộng đồng hay tự quản của học sinh,… các trường cứ chọn lần lượt từng mục một để triển khai. Hoặc một trường chọn một lớp hay mấy lớp, khối nào là tuỳ trường, miễn là phù hợp.
Bà đánh giá hiệu quả của mô hình VNEN so với chương trình hiện hành ra sao?
- Cách đây một tháng, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh tổ chức thi giáo viên giỏi của bậc tiểu học. Sở có tổ chức hội thảo mời đến cốt cán của các đơn vị với định hướng về việc thi thực hành của giáo viên theo quy định điều lệ 49 của Bộ. Trong đó một tiết dạy theo hình thức bốc thăm còn một tiết dạy tự chọn. Ở Hà Tĩnh thay tiết dạy tự chọn bằng giáo viên tự chọn một chủ đề phù hợp trong chương trình, khối lớp nào tuỳ họ để tổ chức một tiết hoạt động giáo dục. Những người dự hội thảo ban đầu không đồng tình, nhất là lãnh đạo các phòng GD cho rằng tiết hoạt động giáo dục này nên làm thí điểm. Nếu ngay bây giờ đưa vào thi thì sợ giáo viên làm không được, đi thi sợ bị điểm thấp. Tôi bảo không vấn đề gì. Thi ở đây với nhau làm sao phân được thứ tự là được. Lâu nay cứ chỉ đạo chung chung các trường rất khó làm. Có đưa vào thi thì mọi người mới tập trung. Vì tự trọng nghề nghiệp, mọi người mới đầu tư trí tuệ vào đây để ra sản phẩm những tiết hoạt động giáo dục của tiểu học hiệu quả.
Qua thực tế diễn ra ở các huyện, giám khảo đi chấm thi các tiết dạy của giáo viên mô hình VNEN rồi sang chấm ở các tiết dạy của giáo viên theo chương trình hiện hành nhưng theo hình thức tổ chức này thì thấy hiệu quả của mô hình VNEN hơn hẳn.
Cụ thể, giáo viên rất sáng tạo. Họ tổ chức tiệc sinh nhật cho các em học sinh trong lớp có sinh nhật vào tháng 3. Hoặc giáo viên dạy âm nhạc chọn chủ đề về dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh của quê hương. Học sinh rất hào hứng, rất thích. Giáo viên có vất vả hơn vì phải tìm tòi, sáng tạo nhưng khi thấy hiệu quả rõ ràng của mô hình VNEN đặt trong sự đối chứng với chương trình hiện hành thì rất thích. Một số huyện chủ động tiếp cận rồi đăng ký chuyển hẳn theo hình thức tổ chức mô hình VNEN.
Có ý kiến cho rằng mô hình VNEN chỉ phù hợp cho những học sinh giỏi còn học sinh yếu kém thì ngày càng kém đi? Quan điểm của bà thế nào?
- Có người lại nói với tôi rằng mô hình VNEN không giúp ích cho học sinh giỏi vì chuẩn kiến thức thấp hơn so với năng lực của các em. Tất cả những điều mọi người phản ánh đều có phần đúng nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Vì họ làm chưa đúng bản chất của vấn đề.
Chẳng hạn như góc học tập trong mô hình VNEN nếu không hiểu bản chất, không phát huy được hiệu quả của góc học tập thì chỉ là trang trí mà thôi. Phải hiểu đây là những bộ công cụ phục vụ cho việc dạy học. Phải tập huấn cho giáo viên trước thật kỹ.
Kinh nghiệm của Hà Tĩnh trong việc triển khai mô hình VNEN là gì, thưa bà?
- Làm gì cũng phải thận trọng và phải chọn lọc. Bất kỳ cái gì người ta đưa ra đều phải tìm hiểu tính mục đích của nó. Mô hình VNEN cũng có thể xảy ra nhiều tình huống khác nhau đòi hỏi giáo viên phải hiểu bản chất của vấn đề và được tập huấn kỹ lưỡng, nâng cao nghiệp vụ, hạn chế thấp nhất sai sót có thể xảy ra. Khi đã biết cách làm thì rất hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn bà!