Định hướng nghề
Hiện nay, cả nước có 440 trường đại học, cao đẳng, 269 trường trung cấp nghề, hằng năm có thể đào tạo được hàng triệu học sinh, sinh viên. Song với việc hàng trăm ngàn sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường nhưng đang bị thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp, công ty rơi vào tình trạng “ thừa thầy”, “thiếu thợ”, không ít sinh viên phải giấu cất bằng đại học, đi học trung cấp, học nghề, làm công nhân, lao động phổ thông…
Ảnh minh họa.
Tình cảnh khốn khó về việc làm trên nhiều ngành nghề đã có những tác động, nhận thức, điều chỉnh tích cực đến đăng ký, lựa chọn nghề nghiệp tương lai của học sinh, phụ huynh.
Năm nay, theo thống kê bước đầu từ các địa phương, các trường cho thấy, số học sinh lớp 12 chọn cụm thi tốt nghiệp THPT chỉ với mục đích để tốt nghiệp THPT tăng 10% đến 15% so với năm ngoái. Điểm đáng chú ý khác của năm nay, Địa lý, môn xã hội, được học sinh cả nước lựa chọn nhiều, vượt xa các môn tự chọn còn lại. Theo lý giải của một số nhà giáo thì các em chọn môn thi Địa lý để thi tốt nghiệp, không hướng vào việc chọn nghề, khối thi ĐH,CĐ mà chủ yếu để lấy điểm, vì câu hỏi thường ngắn gọn, dễ học, dễ nhớ, vào phòng thi được sử dụng Atlat. Học sinh trung bình, chỉ cần nhìn vào đó, một chút suy nghĩ là có thể làm được bài tốt.
Mặt khác, vượt qua được “cửa ải” kỳ thi tốt nghiệp THPT, gần như tất cả các em đều có trường, lớp ngành nghề để học. Đây là lý do học sinh có sự dịch chuyển lựa chọn cụm thi, các môn thi, hướng vào mục tiêu cơ bản, trước mắt là tốt nghiệp THPT. Do đó, bước đầu có thể thấy cách thay đổi về phương thức tuyển sinh ĐH,CĐ đã có tác dụng tích cực đến việc học tập, thi cử của học sinh.
Nói như nhiều người thì tư duy học hành, thi cử đang biến đổi theo chiều hướng thực tế, bớt dần tâm lý thích làm thầy mà không chịu làm thợ. Các bậc phụ huynh cũng nhận thấy rằng tương lai của con em họ phụ thuộc vào năng lực thực sự chứ không phải là có tấm bằng để tiến thân.
Tuy nhiên, để việc phân luồng học sinh sau THCS và cả sau THPT thì không chỉ nhờ vào việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức mà phải thực sự có chính sách, chế độ lương bổng giúp người lao động sống được với nghề. Khi có đồng lương, cuộc sống ổn định, tốt lên, xã hội mở ra nhiều hướng phát triển, không có lao động nào bị bịt đường đi tới thăng tiến nghề nghiệp thì tư tưởng trọng bằng cấp, đua nhau đi học đại học, để làm “thầy”, làm “quan” tự nhiên sẽ mất đi.
Một việc nữa cũng cần lưu ý, đó là việc các trường nghề phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, xây dựng đội ngũ giáo viên tay nghề vững vàng. Nếu không, khi các em “rẽ ngang” vào học nghề lại chỉ thu được một mớ lý thuyết thì hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài đều không thể đạt được.