Mỹ - Thổ triển khai hệ thống phóng tên lửa sát biên giới Syria
Mỹ sẽ triển khai một hệ thống phóng tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ, tại vị trí sát biên giới với Syria, như một phần của chiến lược nhằm phong tỏa khu vực xung quanh thị trấn Manbij của nước này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26/4 cho hay.
Hệ thống tên lửa đa nòng (HIMARS) mà Mỹ, Thổ sắp triển khai sát biên giới Syria (Nguồn: Internet).
Tờ Haberturk dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, nói rằng hệ thống phóng tên lửa đa nòng cơ động cao (HIMARS) sẽ được triển khai trong tháng Năm tới đây, tại một vị trí gần khu vực thường xuyên bị hứng chịu các đợt nã rocket từ phía Syria ở Đông Nam nước này.
“Chúng tôi đã đạt thỏa thuận với phía Mỹ nhằm phong tỏa khu vực Manbij và chiến lược của chúng tôi là rõ ràng” - ông Cavusoglu nói với tờ Haberturk trong một cuộc phỏng vấn trên chuyến công du tới Riyadh.
Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, các hệ thống HIMARS sẽ được triển khai tới biên giới nước này vào tháng Năm nhằm sẵn sàng tấn công một cách hiệu quả các mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong liên minh chống lại tổ chức phiến quân IS mà Mỹ dẫn đầu, thời gian qua đã liên tục tăng cường các đợt không kích ở Syria sau khi xảy ra hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu trên lãnh thổ của họ mà đứng đằng sau được cho là IS.
Ngoài việc triển khai hệ thống phóng rocket, Ankara cũng cho phép các phi cơ chiến đấu Mỹ sử dụng căn cứ không quân ở miền Nam nước này để phục vụ cho các đợt không kích.
Trong các tuần gần đây, thị trấn Kilis nằm ở biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị nã rocket từ phía Syria, khiến cho quân đội nước này phải đáp trả bằng đạn pháo. Các đợt nã rocket từ vùng lãnh thổ mà IS đang kiểm soát vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 17 người thiệt mạng và 61 người bị thương kể từ ngày 18/1 đến nay. Sự việc đã làm dấy lên các cuộc biểu tình tại thị trấn vốn đã trở nên căng thẳng do lượng người di cư Syria tràn đến còn đông hơn cả người dân địa phương.
Ông Cavusoglu nói rằng hệ thống HIMARS sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đánh trúng các vị trí của phiến quân IS trong bán kính 90 km, trong khi đạn pháo của họ chỉ có tầm bắn hạn chế 40 km.
Mục đích của động thái trên là giành lại kiểm soát khu vực Manbij, một tuyến đường biên giới vốn được IS sử dụng để tuồn các chiến binh của chúng ra và vào Syria. Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập một vùng an toàn trên vệt lãnh thổ kéo dài từ Manbij đến đường biên giới nơi mà người di cư Syria đang tụ lại.
Ankara từ lâu đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải tạo nên các vùng an toàn ở Syria, quốc gia đã trải qua 5 năm chiến sự. Trong tuần, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nói rằng các vùng an toàn này là “điều quan trọng bậc nhất ngay cả trong các vòng đàm phán về lệnh ngừng bắn” ở Syria.
Tuy nhiên, chính quyền Washington lại phản đối ý tưởng của Ankara, nói rằng việc tạo nên các vùng an toàn này sẽ đòi hỏi phải thiết lập một vùng cấm bay, điều mà họ cho là sẽ dẫn tới khả năng đụng độ với các máy bay Nga đang hoạt động trên không phận Syria, cũng nhằm mục đích tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.
“Trên thực tế, rất khó để có thể đánh giá xem nó hoạt động ra sao” - Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong khi thực hiện chuyến thăm Đức hồi cuối tuần trước.
Nội các Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm đầu tuần đã tổ chức họp bàn để thảo luận về các biện pháp mới nhằm bảo vệ thị trấn biên giới Kilis của họ khỏi các đợt nã rocket, trong đó Thủ tướng Ahmet Davutoglu nói rằng Ankara sẽ tăng cường hiện diện quân sự của họ tại thị trấn này và triển khai thêm nhiều máy bay không người lái.
“Bằng việc triển khai thêm máy bay không người lái, biên giới sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn và các vụ tấn công sẽ được dự báo trước để ngăn chặn hiệu quả” - ông Davutolgu nói trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26/4 - “Chúng ta sẽ lập tức đáp trả những kẻ dám tấn công Thổ Nhĩ Kỳ”.