Nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng: Sài Gòn đùm bọc những cánh chim thiên di

Việt Quỳnh (thực hiện) 27/04/2016 09:00

Chỉ sau 2 ngày ra mắt bạn đọc tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP HCM (24/4), cuốn sách “Sài Gòn đất lành chim đậu” của nhà thơ - nhà báo Phan Hoàng được tái bản. Sách dày 328 trang, dựng  lên chân dung 18 nhân vật trên nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã và đang cống hiến cho thành phố. Nhân dịp này PV Báo Đại Đoàn Kết  có cuộc trò chuyện với tác giả. 

Tác giả Phan Hoàng (ngoài cùng, bên trái) tại buổi ra mắt sách.

PV: Nguyên do nào để ông thực hiện cuốn sách “Sài Gòn đất lành chim đậu”?

- Từ quê nhà Phú Yên, tôi vào Sài Gòn học tập và làm việc đến nay gần tròn 30 năm. Trong khoảng thời gian này tôi cũng đi hầu khắp mọi miền đất nước. Về môi trường sống, theo chủ quan của mình, tôi không thấy ở đâu “dễ chịu” như đất lành Sài Gòn. Mùa nắng nóng đôi lúc cũng khắc nghiệt, nhưng mùa mưa không bao giờ có bão tố.

Nhiều người tài năng từ khắp cả nước như những cánh chim thiên di cũng lần lượt “bay” về Sài Gòn. Có người gắn bó hẳn nơi đây. Có người chỉ sống một thời gian nhưng cũng kịp tạo được dấu ấn trong sự nghiệp. Những năm gần đây ngày càng có nhiều bạn trẻ tài năng tìm về thành phố này để học, sinh sống và lập nghiệp. Đó là nguồn cảm hứng để tôi viết bộ sách này, nhằm lần lượt tái hiện chân dung những người tôi yêu quý, cũng là một cách tri ân “đất lành” đã cưu mang mình.

Khi lựa chọn những nhân vật, ông có tiêu chí chung nào không?

- Mỗi con người có một số phận, một con đường riêng và có những đóng góp theo cách của mình cho Sài Gòn - TP HCM. Tiêu chí của tôi là càng phát hiện những nhân vật, sự kiện độc đáo càng tốt.

Chẳng hạn, thế hệ sau này ít ai biết đến nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, người có công lớn trong việc nâng cấp, phổ biến bản vọng cổ, sáng lập đoàn Thanh Minh nổi tiếng có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống sân khấu cải lương Sài Gòn và Nam Bộ mấy mươi năm qua. Ông mất sớm nhưng cũng kịp trực tiếp nuôi dạy, dựng nghiệp cho các con là nghệ sĩ Thanh Nga, danh hài Bảo Quốc và một đại gia đình nghệ thuật gồm nhiều tên tuổi khác.

Rồi ngay trong giới văn chương không phải ai cũng biết đến nhà văn Nguyên Hùng, người dày công tìm hiểu, sưu tra tài liệu, tái hiện những nhân vật giang hồ nghĩa hiệp giữa thế kỷ XX ở Sài Gòn và Nam Bộ, mà ngay cả những nhà sử học cũng lãng quên. Nhà văn Nguyên Hùng chính là tác giả của các bộ tiểu thuyết tư liệu quý giá “Người Bình Xuyên”, “Nguyễn Bình huyền thoại và sự thật”… nhưng tên tuổi ông mãi lặng chìm.

Tất nhiên, bên cạnh những nhân vật độc đáo nhưng ít được nói đến, tôi còn tái hiện chân dung những nhân vật nổi tiếng theo góc nhìn riêng của mình mà tôi từng được gặp gỡ, phỏng vấn, gần gũi như các tướng lĩnh Trần Văn Trà, Trần Đại Nghĩa, Tô Ký, Hoàng Cầm…, hoặc các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ như Sơn Nam, Cao Xuân Hạo, Võ An Ninh, Thanh Châu, Lý Văn Sâm, Nguyễn Quang Sáng…

Trong tập 1 “Sài Gòn đất lành chim đậu” vừa xuất bản và đang tái bản, tôi dựng chân dung 18 nhân vật trên nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã và đang cống hiến cho thành phố này. Tôi đang viết tập 2, dự kiến xuất bản vào cuối năm nay.

Qua những chia sẻ về nhân vật của mình, những điểm chung của các nhân vật được thể hiện là gì?

- Điểm chung của các nhân vật là tình yêu và sự gắn bó với Sài Gòn. Dù sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng tướng Trần Văn Trà lại khởi đầu con đường binh nghiệp lừng lẫy của mình tại Sài Gòn rồi cả đời gắn liền với Sài Gòn - Nam Bộ. Tướng phòng không - không quân Lê Văn Tri sinh ở Quảng Bình nhưng cũng khởi đầu binh nghiệp ở Sài Gòn, sau bao năm chinh chiến khắp nơi, cuối đời về lại Sài Gòn bằng dấu ấn là trực tiếp chỉ huy trận không kích sân bay Tân Sơn Nhất vào mùa xuân năm 1975.

Hoặc nhà ngôn ngữ tài ba Cao Xuân Hạo, thời ấu thơ từng gắn bó với Biên Hoà và Sài Gòn, sau ngày đất nước thống nhất đã trở vào Sài Gòn và để lại những thành quả mang tầm thế giới về lý thuyết ngôn ngữ học. Những văn nghệ sĩ như Sơn Nam, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương, Ngô Viết Thụ, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng… từ nơi khác đến nhưng Sài Gòn đã trở thành bệ phóng cho nhiều tác phẩm quan trọng của họ.

Ông đặc biệt thấy ấn tượng với nhân vật nào từ tình yêu với Sài Gòn của họ?

- Mỗi nhân vật để lại trong tôi ấn tượng riêng. Vị tướng bác học Trần Đại Nghĩa quê Vĩnh Long từng bôn ba khắp trong và ngoài nước, cuối đời muốn sống và yên nghỉ mãi mãi ở Sài Gòn, nơi ông từng là cậu học trò nghèo trường Pétrus Ký ngày xưa. Nhà cách mạng Hà Huy Giáp quê Hà Tĩnh nhưng phần lớn cuộc đời hoạt động gắn liền với Sài Gòn - Nam Bộ, trước khi nhắm mắt xuôi tay để lại di nguyện cho con cháu là hãy hoả thiêu mình đem tro bón cho cây xanh thành phố.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi đâu vài ngày là nhớ Sài Gòn không chịu được phải bay về ngay. Nhà thơ - doanh nhân Lâm Xuân Thi hai lần ra sân bay đi nước ngoài đoàn tụ gia đình nhưng không nỡ bước lên máy bay, để cuối cùng quyết chí ở lại Sài Gòn lập nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn…

Vậy còn tình yêu của ông với Sài Gòn, với con người Sài Gòn thì sao?

- Đã có những lúc tôi tưởng mình không thể hoà nhập được với Sài Gòn, cho dù tôi tốt nghiệp đại học là có việc làm ngay và gầy dựng được chút tên tuổi trong làng văn làng báo thành phố. Tôi luôn mang cảm giác cô đơn giữa đám đông và luôn ước muốn trở về cố hương. Thế nhưng càng lăn xả sống và làm việc, tôi càng yêu thương quê hương thứ hai đã đùm bọc, tạo dựng cơ nghiệp cho mình.

Càng lớn tuổi tôi thấy mình càng giống cảm giác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trước đây là đi đâu vài hôm cũng cảm thấy nhớ Sài Gòn quay quắt, ở đó không chỉ có gia đình, người thân, bạn bè đồng nghiệp, mà còn có cả không khí “vô tư” giữa sôi động của từng đường phố, con hẻm, đặc biệt là con đường nhỏ Đoàn Giỏi ở quận Tân Phú nơi tôi đang trú ngụ.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Việt Quỳnh (thực hiện)