Bổ sung vụ án Giang Kim Đạt vào diện theo dõi, chỉ đạo
Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp Phiên thứ 10, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư phát biểu tại phiên họp.
Tại phiên họp, Ban chỉ đạo đã kiểm điểm việc thực hiện kết luận phiên thứ 9, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá từ sau phiên họp thứ 9 đến nay các nội dung kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã và đang được các cơ quan chức năng tích cực triển khai thực hiện.
Cụ thể, Ban Tuyên giáo Trung ương đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quy định “về cơ chế cung cấp và chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền PCTN” để trình Ban Bí thư ký ban hành.
Chính phủ đang khẩn trương hoàn thành việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN để đề xuất sửa đổi cơ bản Luật PCTN.
Ban Chỉ đạo đang tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; chuẩn bị triển khai các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế tại một số địa phương và kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã và đang được chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử.
Đặc biệt là việc các cơ quan chức năng đã khẩn trương phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 8 vụ án trọng điểm trước Đại hội XII của Đảng, đồng thời đang tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để xử lý dứt điểm các vụ án nêu trên theo quy định của pháp luật, đã tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Về kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm năm 2016 của Ban Chỉ đạo, đây là hoạt động thường xuyên để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); kế thừa và phát huy kết quả kiểm tra, giám sát các năm qua, năm 2016, Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai 7 Đoàn công tác do 7 Thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng Đoàn, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại 14 tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh, Tây Ninh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Bình Phước, Quảng Nam, Phú Yên, Long An, Tiền Giang.
Đồng thời tiến hành kiểm tra chuyên đề về công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Đặc biệt, cho ý kiến về tiến độ, kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, Ban Chỉ đạo đã biểu dương các cơ quan chức năng đã nỗ lực, cố gắng phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 8 vụ án trọng điểm trước Đại hội XII của Đảng đã tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đồng thời thống nhất bổ sung vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Che giấu tội phạm” xảy ra tại Công ty Vinashinline vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Cũng trong phiên họp, Ban chỉ đạo đã cho ý kiến về Kế hoạch triển khai Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo đã công bố các Quyết định của Bộ Chính trị về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Quyết định phân công nhiệm vụ các Thành viên Ban Chỉ đạo. Theo đó, sau khi có Quyết định kiện toàn của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hiện nay có 16 thành viên, gồm: 1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban, 2. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực, 3. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban, 4. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban, 5. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban. 6. Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban, 7. Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban, 8. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên, 9. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên, 10. Đồng chí Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Ủy viên, 11. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, Ủy viên, 12. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND Tối cao, Ủy viên, 13. Đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên, 14. Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên, 15. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên, 16. Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên. |