Chăm sóc, bảo tồn cây xích tùng cổ Yên Tử
Sáng 27/4, UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã tổ chức Hội thảo tham vấn chăm sóc, bảo tồn cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử.
Đường tùng cổ tuyệt đẹp trên Yên Tử có hơn 700 tuổi.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Dự án “Chăm sóc, bảo tồn các loài cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020” với tổng vốn đầu tư 27 tỷ đồng.
Rừng quốc gia Yên Tử hiện còn 263 cây xích tùng cổ, trong đó có 30 cây đã chết, 233 cây có vấn đề về sức khoẻ như sâu bệnh, nghiêng tán, bật gốc và rễ nổi; khả năng tái sinh tự nhiên của cây kém.
Vì vậy, tham gia hội thảo, các nhà nghiên cứu đã phân tích, đánh giá về các đặc tính, thực trạng phân bố, sinh trưởng và phát triển của cây xích tùng tại Yên Tử. Các yếu tố khách quan và chủ quan gây hại, tác động đến sự phát triển của loài cây này cũng được đề cập, như tuổi thọ của cây, điều kiện địa lý, khí hậu tự nhiên của Rừng quốc gia Yên Tử, sâu bệnh hại, hoạt động lễ hội và du lịch, giải pháp bảo tồn chưa phù hợp...
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã đề xuất các biện pháp toàn diện, cụ thể trong việc chăm sóc, bảo tồn cây xích tùng Yên Tử, như sử dụng các giải pháp diệt các loài sâu bệnh hại; làm đất, bón phân chăm sóc các cá thể xích tùng cổ và trồng mới xích tùng; sử dụng các giải pháp cơ giới như kè đắp gốc, trụ đỡ, chằng néo để bảo vệ đối với những cây xích tùng cổ có nguy cơ đổ gẫy do sâu bệnh, trơ gốc, chèn ép, lệch tán; gieo ươm và phòng chống sâu bệnh hại cây xích tùng ở giai đoạn vườn ươm...
Trên cơ sở các ý kiến, giải pháp mà các đại biểu đề xuất, TP Uông Bí chủ đầu tư dự án sẽ nghiên cứu, có sự áp dụng phù hợp trong quá trình thực hiện dự án để chăm sóc, bảo tồn xích tùng cổ, loài cây gắn liền với các giá trị văn hoá tâm linh của Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử.
Nói đến di sản ở danh sơn Yên Tử, TP Uông Bí (Quảng Ninh) không thể không nhắc tới những cây xích tùng cổ, khoảng 700 năm tuổi, đã góp phần tạo nên những giá trị văn hóa, tinh thần linh thiêng của nơi được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, do “tuổi cao, sức yếu”, trước sự hủy hoại của thiên nhiên, của các loại sâu bệnh và con người, số lượng cây tùng Yên Tử đang giảm dần; nhiều cây đang lâm “trọng bệnh”, chờ chết, trong khi việc nhân giống vô cùng khó.
Xích tùng ở Yên Tử có thể được coi là một loài đặc hữu của Di tích Quốc gia đặc biệt này, mà theo các nhà khoa học và sử học, được trồng vào thời Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm (Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa và thiền sư Huyền Quang). Loại cây này có nhiều tên, trong đó thông dụng nhất vẫn là xích tùng, do gỗ và nhựa có màu đỏ.
Xích tùng tập trung với số lượng lớn nhất trên tuyến đường từ chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên, vì thế tuyến đường này còn có tên là đường Tùng.