Vấn đề nhập cư khiến nước Anh muốn rời khỏi EU
Trong bối cảnh mà cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đang sắp sửa được tổ chức, ở những thành phố như Peterborough, ngày càng có nhiều người dân chuyển sang ủng hộ cái mà họ gọi là Brexit - ám chỉ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - do những người nhập cư tràn đến ngày một nhiều hơn.
Người dân Anh ngày càng có xu hướng ủng hộ việc rời khỏi EU.
Trái chiều
“EU sẽ không thể ngăn chặn được tất cả người nhập cư đến đây, trong khi chúng tôi không thể đương đầu nổi” - John Fovargue, một người dân sống tại thành phố Peterboprough gồm 184.000 dân, nói với AFP.
Một người dân khác, Ginge Tuttlebee, cũng cho hay làn sóng người nhập cư đổ về Peterborough - thành phố được xem là có quan điểm ủng hộ rời khỏi EU mạnh mẽ nhất nước Anh - là không tốt bởi những người này “không chia sẻ chung giá trị mà chúng tôi từng có”.
“Họ dường như không muốn hòa nhập cho lắm, họ đến đây và mở cửa hàng riêng, họ nói ngôn ngữ riêng” - ông Tuttlebee nói, phàn nàn rằng ở nhiều thị trấn khác, người nhập cư cũng đến rất nhiều chứ không chỉ riêng Peterborough.
Theo một cuộc thăm dò mới đây nhất mà Hãng Opinium thực hiện, gần một nửa các cử tri nước Anh, và gần ¾ những người muốn nước Anh rời khỏi EU, xem di cư là nhân tố quan trọng nhất khiến họ có quan điểm như vậy.
Peterborough vốn đã tiếp nhận người nhập cư trong suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng khoảng thời gian mà họ phải tiếp nhận số người kỷ lục lên tới 24.166 người là từ năm 2001 đến năm 2011. Thành phố này được xem là điểm đến tập trung của người nhập cư đến từ Italy, Nam Á và Ireland từ Thế chiến II, và giờ lại trở thành trung tâm nhập cư của lao động đến từ Đông Âu.
Hiện nay, có rất nhiều người Ba Lan đã hội nhập vào xã hội nước Anh, và họ hết sức quan ngại về khả năng Anh sẽ ra khỏi EU sau khi tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới.
“Người Anh nhìn chung là có quan điểm tích cực về từng người nhập cư xét theo cá nhân, nhưng nếu xét về toàn diện vấn đề nhập cư, thì họ lại muốn giảm nó” - ông Tuttlebee nói.
“Mặt tối” của EU
Số lượng người di trú ở nước Anh - tức chênh lệch giữa những người đến và rời khỏi nước này - đã lên tới 336.000 người một năm. Theo chuyên gia phân tích Joseph Downing thuộc ĐH Kinh tế London, mối quan ngại về ngành dịch vụ công bị quá tải ngày càng tăng.
“Chúng tôi phải tiếp nhận quá nhiều người nhập cư đến từ Đông Âu, và những người này đã đóng góp khá nhiều cho ngành thuế. Tuy nhiên, chúng tôi lại không thể biến nguồn vốn này thành khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng được” - ông Downing nhận định.
Chính vì điều này mà các cộng đồng người dân Anh như ở Peterborough luôn cảm thấy những giá trị của xã hội nước Anh đang dần suy giảm, ngành dịch vụ công bị quá tải… nên cuối cùng quyết định ủng hộ việc Anh rời khỏi EU.
Theo Downing, người dân nước Anh “thực sự đang chứng kiến mặt tối của việc trở thành một phần của EU”.
Nhưng bức tranh này lại khác biệt hẳn ở khu vực phía Đông thành London, nơi mà vấn đề nhập cư được xem là không gây ra hậu quả gì to lớn đến nỗi phải ủng hộ việc Anh rời khỏi EU.
Clapton FC, một CLB bóng đá địa phương, mới đây đã hồi sinh trở lại nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng người nhập cư trong vùng. Từng có thời mà CLB này có trận đấu bóng mà chỉ có mỗi một khán giả đến xem. Nhưng giờ đã khác, các trận đấu trên sân nhà của họ thu hút tới hàng trăm người hâm mộ và những người giơ cao biểu ngữ ủng hộ người nhập cư.
Một người hâm mộ gốc Italy nói rằng: “Ở đây bạn gặp cả người Italy, người Tây Ban Nha, người Ba Lan, người Anh. Bạn đến từ đâu không quan trọng, mà quan trọng là bạn nghĩ gì”.