Chỉ giải quyết đơn khiếu nại tố cáo đích danh liên quan đến bầu cử
Trước vấn đề giải quyết đơn khiếu nại tố cáo liên quan đến bầu cử ĐBQH khóa XIV, trao đổi với ĐĐK, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Thực ra có đơn gửi đến, nhưng có đơn đề nghị tố cáo cả những người không có trong danh sách ứng cử ĐBQH khóa XIV. Theo luật chỉ những đơn tố cáo đích danh liên quan đến vấn đề bầu cử thì mới giải quyết.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc.
PV:Thưa ông các khiếu kiện tố cáo liên quan đến bầu cử ĐBQH khóa XIV được Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, giải quyết như thế nào?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND quy định chậm nhất ngày 27/4 phải công bố danh sách chính thức các ứng viên ứng cử ĐBQH. Ngay sau khi công bố danh sách chính thức, người ứng cử ĐBQH được phân bổ về các địa phương. Người có đơn khiếu nại tố cáo đối với các ứng cử viên ĐBQH có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền. Thời gian tiếp nhận, xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo từ 27/4 đến 12/5.
Trên tinh thần giải quyết từ bây giờ cho đến trước ngày 12/5, tức là trước ngày bầu cử 10 ngày vì theo quy định trước 10 ngày diễn ra bầu cử không tiếp nhận đơn nữa. Nếu có đơn sẽ để lại sau bầu cử theo đúng Điều 61 của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND. Những khiếu kiện có đầy đủ cơ sở liên quan đến các ứng viên ứng cử ĐBQH đều sẽ được xem xét, giải quyết. Theo quy định của luật, không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo nặc danh, không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo.
Đơn khiếu nại tố cáo gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia trước và kể từ khi công bố danh sách người ứng cử sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Giải quyết đúng theo địa chỉ, và giải quyết hết, hiện đã giải quyết xong từng đoạn, từng đoạn một. Thực ra có đơn gửi đến nhưng có đơn khiếu nại tố cáo cả những người không có trong danh sách ứng cử ĐBQH khóa XIV. Họ tố cáo sớm quá, người dân cứ tưởng những người đó nằm trong danh sách ứng cử ĐBQH khóa 14 nhưng thực tế ngày 26/4 mới công bố danh sách 870 người ứng cử ĐBQH khóa XIV thì những người bị khiếu nại tố cáo đó lại không nằm trong danh sách.
Khi nhận được đơn chúng tôi trả về vì những người không nằm trong danh sách, đối tượng được ứng cử ĐBQH. Ngoài ra những đơn đó chủ yếu là đơn khiếu nại tố cáo liên quan đến vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng và những chuyện khác. Theo luật chỉ những đơn tố cáo đích danh liên quan đến vấn đề bầu cử, liên quan đến những người nằm trong danh sách ứng cử ĐBQH khóa XIV thì chúng tôi sẽ giải quyết.
Còn từ bây giờ bắt đầu công bố 870 người ứng cử ĐBQH, nhân dân thấy những người đó có vấn đề thì khiếu nại, tố cáo. Lúc đó mới bắt đầu giải quyết. Những khiếu nại trước đó liên quan đến vòng 1, 2 thì giải quyết theo Điều 46 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Theo đó, đối với vụ việc ở nơi công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người ứng cử có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh. Trường hợp người ứng cử ĐBQH là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh và trả lời. Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cấp trên trực tiếp quản lý thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định, thành lập cơ quan, tổ chức, đơn vị đó có trách nhiệm xác minh và trả lời.
Đối với vụ việc ở khu dân cư thì cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh.
Đối với người tự ứng cử ĐBQH thì Ủy ban bầu cử ở tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh. Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử ĐBQH quy định tại điều này phải được tiến hành xong. Bởi hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử. Tức là phải giải quyết trước khi vòng 3 diễn ra.
Thưa ông, việc xem xét, giải quyết và trả lời khiếu kiện có được công khai hay không?
- Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ được thông báo cho người có khiếu nại, tố cáo.
Nếu khiếu kiện có cơ sở, thì ứng viên nằm trong danh sách ứng cử ĐBQH khóa XIV sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
- Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND thì Hội đồng Bầu cử quốc gia ra quyết định đối với người ứng cử ĐBQH hoặc Ủy ban Bầu cử ở cấp tương ứng đối với người ứng cử đại biểu HĐND quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.
Điều mà cử tri luôn mong muốn chính là trong danh sách cuối cùng để bầu cử không để lọt vào những người bị khiếu nại tố cáo. Vậy làm sao để những người được đưa ra bầu đều là những người xứng đáng, thưa ông?
- Điều này là đúng. Không chỉ có người dân mà Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng mong muốn như vậy. Bởi như thời gian qua, khi đến hiệp thương vòng 3 để 2 trường hợp là bà Đặng Thị Hoàng Yến, và Châu Thị Thu Nga vào rất là đau lòng vì nó ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội, uy tín của Hội đồng Bầu cử quốc gia, lúc trước là Ủy ban Bầu cử quốc gia. Quá trình xem xét bà Yến đã là nghi phạm rồi, đi vận động bầu cử, làm từ thiện rồi hứa nọ hứa kia, xây trường học; hay bà Nga liên quan đến buôn bất động sản thì người dân đã có ý kiến lừa đảo. Như vậy là đau lòng lắm chứ, sau này để lại kết quả rất là phiền.
Trân trọng cảm ơn ông!