Văn chương Việt nỗ lực hội nhập
Mỗi thế hệ độc giả cần có những người viết đáp ứng mong đợi của của họ, phải chăng văn học Việt Nam đang mất đi vị thế của nó trong lòng người đọc, không hấp dẫn và không thể hiện được tiếng nói chung của đông đảo công chúng? Văn học Việt Nam có thực sự biến chuyển, vận động hay chỉ là sự nối dài văn học những thời kỳ trước? Nhà phê bình trẻ Đỗ Hải Ninh đã chia sẻ góc nhìn của mình tại hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975” diễn ra sáng 28/4.
Ảnh minh họa.
Trước hết, phải nói tới văn học tiền Đổi mới 1975 - 1985 và thế hệ mang ý thức phản tỉnh. Sự khác nhau trong ý thức nghệ thuật làm nên bản sắc của của mỗi thế hệ. Những cây bút tiêu biểu cho thế hệ nhà văn trưởng thành trong chiến tranh như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu… nhưng cũng là thế hệ hậu chiến “đời đầu” bởi những đóng góp và dấu ấn riêng trong văn học thời kỳ đầu Đổi mới.
Họ là những tác giả đã từng xuất hiện và thành danh trong kháng chiến chống Mỹ nhưng những tác phẩm hiện diện trong thời hậu chiến thực sự đánh dấu những chuyển biến của văn học đương thời, in đậm dấu ấn trong hành trình sáng tác của họ, tên tuổi của họ gắn với đổi mới tư tưởng nghệ thuật những năm 1980.
Họ là những người đầu tiên cảm thấy cần phải thay đổi chính mình, nhập cuộc rất nhanh với cái đời thường, đương thời bằng cái nhìn bớt dần lãng mạn, lý tưởng hóa, thay thế cảm hứng ngợi ca bằng cảm hứng triết luận. Bởi vậy, khi nói đến văn học thời kỳ Đổi mới không thể không nhắc đến những người tiền trạm, những người tiên phong mà chính ý thức phản tỉnh mạnh mẽ của thế hệ cầm bút này đã châm ngòi cho ngọn lửa văn học đổi mới bùng lên.
Ở giai đoạn đầu Đổi mới 1986 – 1991 và thế hệ mang ý thức tự vấn, từ 1986 đến những năm đầu thập niên 1990 là cao trào của văn học Đổi mới đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của một thế hệ nhà văn hoàn toàn mới mẻ, với những đại diện tiêu biểu Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh...
Có thể coi đây là lứa quả đầu của Đổi mới bởi tiếng nói của thế hệ có vị trí đặc biệt trong chặng đầu với sự đột phá trong quan niệm và cái nhìn về đời sống, với từ trường ảnh hưởng rộng rãi.
Họ là thế hệ nhà văn sinh vào quãng từ năm 1950 - 1960, sinh ra và lớn lên chủ yếu trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, trưởng thành cùng với sự nếm trải những năm tháng hòa bình và hậu chiến nhưng chiếc áo nhà văn - cán bộ, nhà văn - chiến sĩ không mặc vừa với họ.
Họ là những tác giả đi để trở về, soi ngắm và tự vấn, chính bối cảnh hậu chiến và đổi mới đã quy tụ họ về một không gian chung, nơi tập trung rõ nhất những mâu thuẫn xã hội, và nghịch lý của cuộc sống…
Từ đầu thập niên 1990 đến nay với thế hệ hội nhập và tinh thần phản vấn. Đây là giai đoạn trỗi dậy của thế hệ của những tác giả đã bắt đầu sáng tác từ thập niên 80 như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái,… những người trải nghiệm giai đoạn đầu đổi mới, và thụ hưởng kết quả đổi mới trọn vẹn hơn: ngoài những nền văn hóa quen thuộc, quá trình giao lưu và hội nhập với quốc tế đã đem lại nền văn học dịch phong phú với những trào lưu tư tưởng lý luận hiện đại, họ cũng là thế hệ kế tiếp chứng kiến và tiếp nhận kinh nghiệm đổi mới từ các lớp trước.
Trong văn học giai đoạn này, nhu cầu tự thân của sáng tạo văn chương đã tạo nên một thế hệ đa phong cách, giọng điệu nhưng hướng tới điểm chung là miêu tả con người trong những trạng thái bất thường, buồn nản, thất bại hoặc chìm đắm trong thế giới riêng, rất gần với kiểu nhân vật nghịch dị… Một thế hệ kế tiếp đã hình thành trong giai đoạn hội nhập với Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp…
Đây là thế hệ nhiều giằng níu, họ khác với các cây bút sau này, mạnh mẽ quyết liệt và dứt khoát hơn, họ đến từ một miền đất vùng quê nào đó vừa hòa vào vừa lạc giữa thị thành, vừa lưu luyến vừa rời bỏ trang giấy sang bàn phím, tuổi trưởng thành của họ vấp luôn vào thời kinh tế thị trường, hướng tới hội nhập, vừa muốn níu giữ quá vãng…
Những tác phẩm của họ xoay quanh những tâm trạng day dứt, tự vấn, hoài nhớ, buồn đau, chưa vượt thoát khỏi con người cá nhân. Họ rời bỏ thế giới huyễn tưởng, phi thực của thế hệ trước để trở về với cái tôi cá nhân, đào sâu vào cái mong manh, mơ hồ của thế giới tâm hồn, theo dấu những cuộc kiếm tìm, những mất mát nhằm tái dựng lại cái căn cước bản thân. Điều này có thể được lý giải từ một bối cảnh văn hóa rộng hơn khi quá trình hội nhập diễn ra ngày một sâu rộng.
Sau 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, dẫu chưa có đường biên phân định thực sự rõ nét nhưng từng thế hệ cầm bút tạo đã nên được dấu ấn riêng, có vùng phủ sóng rộng rãi. Trong từng chặng đường, hành trình của văn học đã có những chuyển động qua sự tiếp nối các thế hệ nhà văn tạo nên dòng chảy chung để văn học Việt có thể vươn tới biển lớn hội nhập.
Sáng 28/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa đã tổ chức Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975”. Hoạt động này hướng đến việc nhìn nhận, đánh giá kĩ càng hơn các lớp sóng văn chương trong giai đoạn đất nước tiến hành đổi mới toàn diện từ 1986 đến nay. 85 tham luận từ các nhà phê bình, nghiên cứu đã được gửi đến và được trình bày tại hội thảo. |