'Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo'
Đó là lời nhận xét của nhà văn/ họa sỹ/ biên tập viên Trần Ngọc Sinh-người được tin tưởng biên tập các tác phẩm mới nhất cũng như viết các lời giới thiệu trên trang bìa sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hơn mười năm qua. Tuy nhiên, những từ ấy, không phải nói đến con người Tư, mà về chất văn, phong cách viết trong tác phẩm của chị.
Sông nước Nam Bộ.
Trái với sự cẩn trọng trong câu từ khi viết, Nguyễn Ngọc Tư sống giữa đời với sự hiền hoà, xuề xòa, giản dị. Dáng đi nhanh nhẹn, giống với một phóng viên trẻ hơn là một nhà văn sinh năm 1976, là tác giả của hơn 25 tựa sách gồm các thể loại từ tản văn đến tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Kể từ khi xuất hiện tác phẩm đầu tay trên văn đàn, có được số lượng sách ra đều đặn là nỗ lực không nhỏ của một người chỉ sống bằng nghề viết.
Nguyễn Ngọc Tư từng tâm sự, trước đây: “Viết xong cái gì, tôi nghĩ là được bao nhiêu tiền. Về sau, thì không nghĩ nữa”.
Nguyễn Ngọc Tư viết tốt bao nhiêu, chị sử dụng ngôn ngữ nói lại khó khăn bấy nhiêu. Trong giao tiếp, Tư có thói quen sử dụng những câu đơn giản, lối nói ngập ngừng, sau một câu, lại dừng, rồi mới nói tiếp. Để đón nhận được những gì Nguyễn Ngọc Tư nói, thêm việc sử dụng nhiều từ địa phương, người nghe cần tập trung mới có thể hiểu.
Nguyễn Ngọc Tư, với cách cư xử giữa đám đông, vẫn là những nụ cười hồn nhiên. Đôi khi gặp câu nói nào mà chị cảm thấy khó xử, hoặc hài hước, thì chị đều cúi mặt xuống, cười run run vai. Nhìn Tư cười, thấy được sự vô tư, hào sảng, thoải mái của cô gái xứ Cà Mau, như trang văn chị từng viết: “... từ vàm Rạch Tàu đến tận cuối xóm Mũi thưa thớt nhà, những ngôi nhà đều không cửa. Nhà mở toang cho gió Nam vào, chướng tới, bấc qua, tầm nhìn thông thống, nhìn nhà là hiểu người, chân thật đến bày ra cả gan ruột của mình mà rộng rãi, hảo sảng” (Đất Mũi mù xa. Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, T15, 2006).
Có lần, quây giữa bạt ngàn những câu hỏi của người hâm mộ trong một cuộc hội thảo ra mắt tiểu thuyết “Sông”, năm 2012, tại Hà Nội, một vài người bạn lớn tuổi của Tư, hướng ánh mắt lo lắng lên bục diễn thuyết. Nhà văn Châu Diên nói: “Cô ấy hồn nhiên, chân thật quá, làm sao trả lời được những câu hỏi khó như thế”.
Không trả lời được ngay, thì Tư sẽ cố gắng hỏi lại, lắng nghe, rồi ngẫm nghĩ, mà câu trả lời thường ngắn gọn. Nếu hoàn toàn không có đáp án, chị cười, rồi nhường lại cho người bạn dẫn chương trình “trả lời hộ”. Nguyễn Ngọc Tư, tính cách chân phương như cách ăn mặc của chị, không cần cố tỏ ra sự linh hoạt, khoa ngôn, chẳng phải chú tâm đến việc là một nhà văn cần là thế này thế khác, chị phơi bày tâm hồn, suy nghĩ, tính cách mình nơi chốn đông người, cũng như khi một mình đối diện, tâm tình với trang văn.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Văn Tư, không chỉ mang tính đặc sắc của miền sông nước Nam Bộ, mà chính Tư, cũng là một mẫu người mang sự pha trộn của một trí thức nông dân lao động nghèo Nam Bộ cầm bút điển hình. Qua sáng tác cùng những tâm sự nỗi lòng qua những trang tạp văn, Tư thể hiện được chất kiên cường, bản lĩnh của một người viết - một sự không thoả hiệp - với chính những mảng tối (nếu có) trong con người, với dễ dãi văn chương, và nhu cầu đám đông. Vì Tư viết cho mình, cho tình yêu người, yêu đời, quê hương chất chứa, thế nên, những gì từ trái tim, hẳn kết nối với trái tim những ai đọc Tư.
Các tác phẩm của Tư viết ra, nhận được niềm thương của đông đảo bạn đọc, vì những người dân lao động, nghèo khó… đều tìm thấy hình ảnh của mình, tâm tư của mình, số phận của mình trong các sáng tác của Tư.
Văn Tư thường buồn, mà nhân vật trong văn Tư, cũng cô độc khôn tả giữa đời thường. Người dân miền sông nước thường mang trong mình một nỗi khốn khó đau đáu, có khổ cực nhưng chẳng thốt lời kêu than, ngoài tiếng thở dài...
“Tiếng thở dài thườn thượt, nghe buồn mênh mông, chảy từng giọt như nước mắt. Má tôi thở dài khi ghe cha ghé bến vì biết mai mốt cha lại đi. Má tôi thở dài khi tắm, khi nước trôi trên làn da trắng như bông bưởi. Lúc ngồi vá những bộ quần áo cũ…” (Cánh đồng bất tận. T171, 2005).
Nuốt nước mắt vào trong, rồi như tằm nhả tơ, người quê hay người thành thị, đều trao cho nhau nồng nàn thân ái, kể cả khi chìm trong bão tố, lũ lụt, đầm lầy của cuộc đời lẫn từ lòng người. Tiền ít, nên tình người là điều quan trọng. Nỗi nhớ thương tình ruột thịt khi phải lìa xa, cứ khoét đậm trong tim con người nhức nhối.
“Tôi nghĩ tới Đất Mũi. Ước mơ đất của em tôi, của người yêu thiên nhiên đã đau đớn gục xuống cho bầy trẻ con có tiền đi học, khạp gạo để ở góc nhà được đầy, bữa cơm không chỉ muối trắng, tối ngủ mùng lành, có mền đắp để qua mùa gió bấc năm nay”. (Đất Mũi mù xa. Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, T17, 2006).
Chia sẻ về tiểu thuyết đầu tay “Sông”, Tư nói: “Khi viết cuốn sách, tôi hình dung ra một thằng bé mất trái bóng. Nó đi tìm rất cực khổ. Sau đó, phát hiện ra cái mà nó đi tìm không phải trái bóng mà là điều gì đó rất mông lung. Đây là cuộc đi tìm của nhân vật.” Về chi tiết “chợ bán khói” trong “Sông”, Tư cười, bảo: “Tôi thích mùi khói. Mùi khói cỏ, khói rơm mỗi khi gặp là hít hà. Vì độ bịa cao, nên cứ viết ra là “chợ bán khói”.
Trong “Sông”, nếu có tả cây cối và nghề đẽo chi (đẽo ngón tay người) ở thị xã thuộc miền Tây - Trà Kiết, thì phía bên trong sự phát triển của thiên nhiên, lại mang dấu ấn tâm linh sâu đậm:
“Son trổ bông trắng, từng chùm cong cong, mỏng lẹm như một mảnh trăng mùng bốn. Trăng treo oằn nhánh. Trăng chạm vào nhau thì thào. Người ta trồng son lấy gỗ để đẽo làm chi. Thớ gỗ tự nhiên mang màu da người, lại mềm và dai, nghe nói những ngón tay khi tạc xong, người ta có thể bẻ cong chúng được. Năm nào son trổ bông hường, coi như đại hoạ”. (Sông. T47. 2012).
Năm 2010, khi dự buổi ra mắt phim “Cánh đồng bất tận” tại Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tư ngồi lặng lẽ trong khán phòng, xem từ đầu tới cuối phim. Lúc được yêu cầu nói cảm nghĩ về phim sau khi đã chuyển thể từ truyện, trong áo sơ mi, quần bò, quàng khăn rằn Nam Bộ giản dị, Tư như thu người, ẩn hơn vào trong màn tối, gần như không nói rõ lời nào, rồi lặng lẽ đi. Có lẽ, lúc ấy, mới cảm nhận thấm thía sự cô đơn của chị nơi đám đông, và vẻ lạc lõng không thể hoà nhập với sự cao sang lộng lẫy son phấn lụa là giữa chốn phồn hoa đô hội…
Tư từng tâm sự: “Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghịt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kia, đồng loại mình kia, sao mình lại cô đơn đến rã rời…
Lúc ấy tôi có một cảm giác kỳ lạ, chỉ mình trên đời này, chỉ một mình… Chẳng ai là tri âm, chẳng ai cả…”
Sự cô độc thăm thẳm ấy, cũng được chị nhắc tới thêm lần nữa, ở tuổi mười hai, khi chị lùa mười sáu con vịt, ra đồng: “… mưa đầm đìa vào mùa. Tôi thường ngồi ở bờ ruộng, mắt trông chừng bầy vịt, không cho chúng lân la đến những đám mạ muốt xanh, và da diết thèm người, thèm được nói chuyện”.
Có lẽ, từ sự một mình đằng đẵng, Nguyễn Ngọc Tư tìm đến văn chương như để thoả nỗi lòng. Chị viết, mà như đang thủ thỉ với “người” nào đó thân thiết mà hư ảo, một khoảng không mênh mang chẳng giới hạn nhưng lại dường như có thể chia sẻ thấu hiểu tâm tình của Tư.
Nguyễn Ngọc Tư tâm sự:
“Tôi đang tìm kiếm khả năng làm việc. Nghĩ rằng sẽ viết ngắn, không nghĩ tới tiểu thuyết, nhưng sau đó, tôi muốn xem trong mình còn đâu đó khả năng. Thời gian đầu khi viết truyện, tôi đã có chút bi quan trong đó, càng về sau, bi quan càng rõ nét.
Tôi xin lỗi nếu như tôi không thể làm cho truyện của tôi tích cực hơn”.