Độc bản Cột Kinh
Trải qua hơn nghìn năm với biết bao biến cố lịch sử, chiến tranh và sự huỷ hoại của thiên nhiên, đến nay Cột Kinh đã bị nghiêng về phía Bắc 7cm so với trục thẳng đứng. Tổng chiều cao của Cột Kinh lên tới 416cm, nặng khoảng 4,5 tấn.
Nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng.
Vừa qua tại lễ hội Trường Yên, tỉnh Ninh Bình đã công bố Quyết định của Chính phủ về việc công nhận Cột Kinh chùa Nhất Trụ tại cố đô Hoa Lư là bảo vật quốc gia. Cột Kinh có giá trị của linh vật đặc biệt cầu cho quốc thái dân an, triều đình vững mạnh, thể hiện sự tin tưởng nhiệm màu của Phật pháp. Trải qua hơn một nghìn năm với bao biến cố lịch sử, chiến tranh, phong hoá bởi thời gian nhưng đến nay Cột Kinh vẫn đứng sừng sững trên vùng đất cố đô Hoa Lư nằm trong lòng quần thể danh thắng Tràng An.
Triết lý Phật pháp
Cột Kinh còn có tên gọi theo âm Hán là “Thạch trụ Nhất trụ tự” được tạo tác từ đá vôi có cấu tạo bao gồm 6 bộ phận lắp gá vào nhau theo phương thẳng đứng gồm: Tảng vuông, đế tròn, thân, thớt, đấu hình bát giác và đỉnh hoa sen được chia thành hai phần, đế - trụ. Kết quả nghiên cứu của Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An (BQL Tràng An) cho thấy: Phần trụ tạo tác từ đá vôi gồm 2 lớp. Lớp đá vôi vụn sinh vật hạt thô, màu xám, xám sẫm và lớp đá vôi hạt mịn hơn có màu xám trắng.
Trong lớp đá vôi vụn sinh vật của trụ đá chứa các di tích hoá thạch khác nhau. Điển hình và bảo tồn tương đối tốt là một quần thể san hô 4 tia gồm ba cá thể với một tiết diện ngang và hai tiết diện xiên. Ngoài ra, trên mặt trụ đá còn có các đám bị canxi hoá màu trắng đục được ghi nhận là tảo cổ. Thân trụ xuất hiện một vài vết cong cũng bị canxi hoá màu trắng trong hơn. Phần đế làm từ đá vôi màu xám đen chứa những tiết diện ngang hình tròn có một tâm ở giữa.
Dựa vào các di tích hoá thạch, chủ yếu là các di tích của san hô 4 tia, huệ biển cho phép giám định sơ bộ, đá làm nên Cột Kinh được lấy ra từ hạ tầng Bắc Sơn, hình thành trong môi trường thềm lục địa cổ cách đây khoảng 260-345 triệu năm. Thân bát giác, ở các mặt khắc kinh, kệ, lạc khoản bằng chữ Hán. Hai đầu cột đều có ngõng tra vào đế và thớt.
Thớt bát giác, mặt dưới phẳng, mặt trên có lỗ mộng tròn. Đấu bát giác, đường gờ miệng uốn lượn tạo thành tám đỉnh nhọn, chính giữa mặt phẳng tròn để dựng chóp. Đỉnh hoa sen cao 75cm, phía chân có đường kính 42cm, nhọn dần lên trên theo hình dáng búp sen. Theo giáo lý nhà Phật thì hoa sen giữ vị trí đặc biệt, phát triển bao trùm lên nền văn hoá Phật giáo, biểu tượng của sự thanh tịnh, trí tuệ, có đặc tính thăng hoa, giải thoát, bất nhiễm và bất hoại.
Như vậy, Cột Kinh gồm 6 bộ phận lắp vào nhau bằng mộng tròn, hoàn toàn không có chất kết dính nhưng vững chắc. Trải qua hơn nghìn năm với biết bao biến cố lịch sử, chiến tranh và sự huỷ hoại của thiên nhiên, đến nay Cột Kinh đã bị nghiêng về phía Bắc 7cm so với trục thẳng đứng. Tổng chiều cao của Cột Kinh lên tới 416cm, nặng khoảng 4,5 tấn.
Thông tin ghi lại trên cột kinh qua dòng lạc khoản cho thấy, linh vật quốc gia được vua Lê Đại Hành dựng vào năm 995 sau khi đánh thắng quân Tống, cuộc sống thịnh đạt, nhà vua xây dựng kinh đô Hoa Lư nguy nga, tráng lệ, khởi đầu cho chính sách khuyến nông - cày tịch điền, dẹp yên các cuộc phản loạn.
Cột kinh-Bảo vật quốc gia (Ảnh: Anh Tuấn).
Trường tồn cùng thời gian
Trải qua 1021 năm lịch sử, đến ngày hôm nay khi được công nhận bảo vật quốc gia, Cột Kinh vẫn đứng sừng sững bên tả chùa Nhất Trụ thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Nói về Cột Kinh, ông Trương Đình Tưởng - Chuyên viên cao cấp lịch sử, văn hoá hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình cho biết: Cột Kinh hiện tại là độc bản, song thực tế trước đó nhà Đinh từng cho xây dựng trăm toà kinh Phật.
Cụ thể, vào năm 978, vua Đinh lập người con thứ Hạng Lang làm thái tử. Do vậy, người con trưởng Đinh Liễn vô cùng tức giận nên giết chết em ruột vào mùa xuân năm 979. Giết em rồi, hằng đêm, Đinh Liễn ám ảnh bởi lời oán thán trách hờn của cậu em. Từ đó, Đinh Liễn vào chùa sám hối thì nhà chùa nói: “Linh hồn Hạng Lang không siêu thoát vì em có tranh giành chức đâu mà do bố ban tặng”.
Đinh Liễn hối hận về cho dựng trăm toà kinh Phật bằng đá để cầu cho linh hồn người em được siêu thoát. Song trên chính những cột kinh này cũng khắc ghi những dòng quở trách Hạng Lang vì không nghe lời - “Tranh giành nhau tước vị/ Nhanh tay ắt thắng người”. Ông Trương Đình Tưởng nói: “Bằng chứng là vào khoảng năm 1960-1961, khi đào sông Hoàng Long đã khai quật được trên 40 Cột Kinh hoàn toàn bằng đá”.
16 năm sau kể từ khi Đinh Liễn dựng trăm toà kinh Phật, vua Lê Đại Hành cho dựng duy nhất một Cột Kinh, hình dáng cơ bản giống toà kinh Phật Đinh Khuông Liễn lập nhưng cao, bề thế hơn và khác nhau ở phần nội dung khắc kinh kệ. Ông Tưởng nhận định về nguyên liệu đá không phải xuất phát từ vùng núi Ninh Bình, mà có thể do Lê Hoàn đưa ra từ Thanh Hoá lập Cột Kinh nhất trụ để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, vương triều thịnh trị.
Trải qua chiều dài lịch sử, không tránh khỏi sự phong hoá cùng thời gian, đến nay khoảng 2.500 chữ Hán và chữ Phạn khắc trên Cột Kinh bị mờ gần hết, chỉ còn sót lại 240-250 chữ. Chữ Hán cũng như chữ Phạn khắc trên Cột Kinh đẹp, sâu và nét rất bay. Nghệ thuật tạo tác trên đá nhưng đẹp như khắc trên gỗ, những cánh sen đều đặn bồng đài sen lên như nở trên mặt nước. Bông sen tượng trưng cho vẻ đẹp tự nhiên, cao khiết của nhà Phật và tiêu biểu của dân tộc.
Nhà nghiên cứu lịch sử Trương Đình Tưởng dẫn dắt: Từ trăm toà nhất trụ do Đinh Liễn dựng đến Cột Kinh và chùa Một Cột đó là ba chặng đường phát triển lịch sử dân tộc mang đậm dấu ấn nhà Phật. Tuy nhiên, Cột Kinh do vua Lê Đại Hành dựng giữ một giá trị riêng biệt, ẩn chứa giá trị tâm linh cầu mong cho cả dân tộc trường tồn và phát triển. Điều khác biệt nữa, ở Trung Quốc vào thời Đường cũng xuất hiện Cột Kinh. Ở Nhật, vào thế kỷ IX-X có dựng Cột Kinh song do nhà chùa xây dựng. Hay ngay ở chùa Tháp ở Nam Định, thời nhà Trần từng dựng Cột Kinh, hiện nay không còn. Nhưng tựu trung, duy nhất chỉ có Cột Kinh còn hiện hữu ở cố đô Hoa Lư là do đích danh nhà vua đứng ra cho tạo tác, xây dựng.
Vĩ thanh
Tôi tìm gặp nhà nhiếp ảnh Bùi Duy Tư- chủ hiệu ảnh Thanh Hà tại TP Ninh Bình với mong muốn được tiếp cận bức hình Cột Kinh do ông và nhạc phụ là nhà nhiếp ảnh thời chiến Phạm Huy Lượng chụp được nguyên bản từ những năm 1980 về trước để có thể so sánh với Cột Kinh hiện trạng. Tại đây, ông Bùi Duy Tư nhớ lại: Thời đó, cha con ông đạp xe đi chụp hình Cột Kinh toạ lạc trên một gò đất, không che chắn bởi bất cứ nhà cửa gì. Cảm giác của con người khi đến gần sẽ cảm nhận được giá trị linh thiêng. Hơn thế, trên đỉnh cột là hình bông hoa sen chạm khắc tinh xảo, mềm mại.
Vậy nhưng đến ngày nay, bên cạnh việc Cột Kinh được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia thì cũng xuất hiện thêm những yếu tố mới. Ông Trương Đình Tưởng xác nhận: Vào khoảng năm 1976-1977, bông sen trên đỉnh Cột Kinh biến mất. Sau này, ngành văn hoá tỉnh Ninh Bình cho phục dựng bằng hình hồ lô giống như bầu rượu rất phản cảm.
Tới nay, bầu rượu đã được thay thế bằng bông hoa sen, song Cột Kinh lại được bảo vệ bởi một ngôi nhà 2 tầng mái với 4 hàng 16 cột gỗ, trông rất chật chội và bức bối. Những cột gỗ đồ sộ, đứng sừng sững khiến Cột Kinh bị “lép vế”, mất đi vẻ uy nghi, trầm mặc của di sản.
Cần nhìn nhận lại, kinh thành cố đô Hoa Lư nay được khai quật cho thấy nền móng cung điện nằm sâu hơn 1m so với mặt đất. Vùng đất Hoa Lư ẩm thấp, thường xảy ra lụt lội. “Như vậy, thời xưa nhà vua đã chọn một gò đất giống như mu rùa cao hơn 2m so với vị trí nền móng cung điện để dựng Cột Kinh. Rõ ràng, Cột Kinh được đặt ở vị trí có sự tính toán kỹ càng, thể hiện tính tôn nghiêm của Phật pháp và cả kinh thành phải ngưỡng vọng nhìn lên.
Đến nay đã hơn 1021 năm, Cột Kinh vẫn ở vị trí cũ, không hề suy chuyển. “Cột Kinh là linh vật độc bản để nhà vua gửi gắm niềm tin vào đó, cầu mong vạn sự cát tường, quốc thái dân an, đất nước thái bình, thịnh trị. Vậy nhưng, ngày nay, chúng ta xây dựng nhà kiên cố với 4 hàng cột dày đặc để bảo vệ một cột đá, thực rất phản cảm”- ông Tưởng tâm tư.