Người mở 'cánh cửa thép' Xuân Lộc
Cách đây 41 năm, vào những ngày tháng 4 lịch sử, trong trận đánh Xuân Lộc, một người con Quảng Bình dù bé nhỏ nhưng chí khí lớn, kiên cường, tả xung hữu đột góp phần cùng đồng đội mở “cánh cửa thép”, giải phóng miền Nam. Người đó chính là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Lái, làng Lý Nguyên, xã Quảng Châu, (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Bên triền đồi gió ngút ngàn, những kỷ niệm chiến trường chợt ùa về trong tâm thức người cựu chiến binh nơi miền quê nghèo…
Anh hùng Phạm Văn Lái kể về trận đánh Xuân Lộc.
Cuộc hành quân thần tốc
Kể lại trận chiến Xuân Lộc mà ông cùng đồng đội tham gia, đôi mắt ông Lái rưng rưng. Những ngày tháng đó, tin chiến thắng ở các Mặt trận Buôn Ma Thuột, Huế - Đà Nẵng… đã khích lệ tinh thần, thôi thúc anh em quyết tâm chiến đấu. Khi được quán triệt kế hoạch về cuộc tiến công vào thị xã Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh), ai nấy đều đặt mục tiêu lập chiến công. Chuẩn bị cho trận đánh này, mỗi chiến sỹ được cấp 4 lon gạo rang (gạo ngâm nước rồi rang), 1 gói lương khô cùng vũ khí...
Trong đêm 9 rạng ngày 10 tháng 4/1975, cuộc tiến công vào Xuân Lộc, “cánh cửa thép” trên tuyến phòng ngự Sài Gòn bắt đầu. Nơi đây, địch bố trí một lực lượng khá mạnh gồm Sư đoàn 18 và một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát phòng ngự trong công sự kiên cố. Bằng nhiều mũi tiến công, quân ta chọc thủng tuyến phòng ngự thị xã, chiếm được nhiều mục tiêu, cắm cờ cách mạng lên dinh tỉnh trưởng ngụy. Tuy bị thiệt hại nặng, địch vẫn cố thủ. Trước khí thế tấn công của ta, tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng Phêrêđê rích Uâyen xác định “Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”, còn sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 ngụy Lê Minh Đảo thì hò hét binh lính “tử thủ” bằng mọi giá.
Là chiến sỹ trinh sát địa hình nên 16 giờ chiều ngày 9/4/1975, Phạm Văn Lái đã nhanh chóng bám sát địa hình để quan sát quân ngụy. Khoảng cách từ đơn vị đóng quân đến chốt địch khoảng 10km nên sau khi luồn lách qua từng chiến hào, đến 3 giờ sáng ngày 10-4, ông về tới đơn vị để báo cáo tình hình bố trí của địch. 4 giờ sáng, đơn vị ông tiếp cận mục tiêu ngay bờ rào thép gai, chiến hào, lô cốt của địch với nhiệm vụ đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng, Tổng Nha cảnh sát địch.
5h30 ngày 30/4, cuộc chiến bắt đầu. Đánh đến 8 giờ sáng, địch cho đơn vị thám báo, ta bị bao vây từ phía ngoài. 9h, lực lượng dự bị Đại đội 10 tăng cường. 12h trưa, ta giáp lá cà với địch, hai bên giành nhau từng căn nhà, tấc đất, chiến hào… Nhận thấy hai bên cầm cự nhau, ông Lái đề nghị bí mật đánh úp vào sau lưng địch. Bị đánh bất ngờ, bọn lính ngụy hoảng hốt kháng cự rồi bỏ chạy. Thừa thắng xông lên và quyết không cho chúng thoát, ông Lái bám theo và thọc sâu vào chiến hào. Lúc này, pháo ngụy ở Trảng Bom bắn lên, bom tọa độ, máy bay, súng đạn bắn xối xả, ken dày từng lớp.
Để giữ vững “cánh cửa thép” Xuân Lộc, ngụy đã bắn pháo cháy, nhận biết âm mưu thâm độc của địch, ta có lệnh tạm rút lui để tránh thiệt hại. Đang lúc ầm ầm tiếng súng, tiếng bom và sức ép, ông Lái vẫn tiếp tục bám chốt. Đơn vị đã rút ra vòng ngoài nhưng tiếng súng đánh trả giữa hai bên vẫn gay gắt. Trên chốt lúc này, một mình Phạm Văn Lái chiến đấu với giặc từ những khẩu súng của lính ngụy mà ông đã bố trí khắp công sự. Thấy lạ, một đội trinh sát được cử lên nắm tình hình và họ bất ngờ khi giữa ngôi nhà nhỏ, một mình Phạm Văn Lái đang tả xung hữu đột với giặc.
Dù bị một viên đạn AR15 của địch bắn sướt ngang qua trán, máu chảy đầm đìa nhưng Phạm Văn Lái không hề cảm thấy đau nhức. Khi lên đến nơi, Đại úy Nguyễn Hồng Đàn, trinh sát pháo binh nhanh chóng băng vết thương cho ông. Sau đó, Phạm Văn Lái cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu đến khi bức tường thép Xuân Lộc bị bộ đội ta chọc thủng.
Trở về đời thường
“Tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng vì có thành tích trong tiêu diệt quân thù, lấy súng địch giết địch, truy kích địch đến cùng và dù bị thương vẫn quyết tâm ra trận” - ông Lái chia sẻ. Năm 1980, ông xuất ngũ về quê lấy vợ, chị Lê Thị Thuyết, một người con gái đẹp tính đẹp nết. Kể về chuyện vợ con, ông Phạm Văn Lái kể: “Ngày đó, trở về quê, trên người tôi mang nhiều vết thương, sức khỏe cũng yếu do đó việc lấy vợ cũng khó. May sao, có mẹ nó đồng cảm, thương yêu mới nên duyên vợ chồng”.
Những ngày sau đó, cuộc sống hai vợ chồng khá vất vả, miền quê nghèo Quảng Châu phải giãi nắng dầm sương mới có hạt lúa củ khoai. Được cái vợ chồng thương nhau nên chung lưng đấu cật xây dựng cuộc sống, nuôi 5 người con học hành tới nơi tới chốn. Ngày chúng tôi gặp lại Anh hùng Phạm Văn Lái ở vườn cây trên đồi, với 3ha bạch đàn do ông khai hoang khi trở về quê hương. “Đó là nguồn thu nhập để tui có tiền chữa căn bệnh ung thư dạ dày suốt mấy năm nay cho ông ấy” - bà Thuyết chia sẻ.
Năm 2008, trong một trận đau nặng, khi đi khám ở bệnh viện, bác sỹ chẩn đoán ông Lái bị ung thư. Từ đó đến nay, hằng ngày ông Lái thường ăn từ 6 đến 10 bữa cháo mỗi ngày. Dù bị bệnh, trong người vẫn còn nhiều vết đạn, mảnh bom nhưng ngày ngày ông Lái vẫn bán mặt cho đất bán lưng cho trời với đồi đất quê hương để lo toan cuộc sống gia đình. Đặc biệt, ông Lái sống lạc quan, yêu đời. Bởi theo ông, phải sống vui vẻ để chiến thắng bệnh tật, để con cái yên tâm học tập.
Giữa trưa nắng hanh hao, Phạm Văn Lái kiên trì, chăm chút từng luống ngô, vườn rau nơi triền đồi. Nhìn cuộc sống bình dị của người anh hùng khi đất nước chiến tranh, anh hùng trong lao động, sản xuất và cả trong chống chọi với bệnh tật, chúng tôi khâm phục nghị lực của ông - Người Anh hùng mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc.