Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không có lý gì lại không bảo vệ DN
“30 năm đổi mới DN luôn là đối tượng tiên phong trong xây dựng và phát triển đất nước thì không có lý gì lại không bảo vệ, tháo gỡ khó khăn cho DN”. Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp (DN) với chủ đề “DN Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, ngày 29/4, tại hội trường Thống Nhất, TP HCM.
Thủ tướng hỏi han “sức khỏe” DN. Ảnh: S.Xanh.
Tham dự hội nghị còn có các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam cùng các Bộ trưởng liên quan.
50% DN làm ăn thua lỗ hoặc hòa vốn
Tại hội nghị, rất nhiều DN bày tỏ quan ngại khi cộng đồng DN ngày càng đuối sức trong khi về môi trường đầu tư hiện nay quá khó khăn. Cạnh trạnh gay gắt với sự thâm nhập ồ ạt của DN nước ngoài; DN nội địa nhỏ bé vì thiếu vốn cộng với sự chậm chạp, phức tạp, nhiêu khê, nhũng nhiễu… cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN NVV Việt Nam) đánh giá: Chính phủ ban hành nhiều chính sách trong đó quan tâm đến DNNVV và đạt được kết quả đáng ghi nhận như đóng góp 42% GDP, 39% xuất khẩu, 38% vốnđầu tư, giải quyết 45% tổng số lao động.
Thời gian qua cộng đồng DNNVV đang phát triển với các động lực tăng trưởng kinh tế nhưng nhìn nhận vào thực tế thấy rõ, DNNVV đang có phần đuối sức. Nói về khó khăn trong hoạt động sản xuất, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, năm 2015, ngành dệt may xuất khẩu 27 tỷ đô la, 4 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu trên 8 tỷ.
“Phát triển là thế nhưng áp lực đè lên DN khá nặng, nhiều DN phải đóng cửa do nguyên nhân khách quan và chủ quan”.
Minh chứng cho sự đuối sức của DN mà Hiệp hội ngành nghề và Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam nêu lên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho hay, tính đến cuối năm 2016, cả nước 513 ngàn DN còn hoạt động, 428 ngàn DN ngừng hoạt động.
Điều quan trọng hơn cả. 42% DN có lãi là điều không bình thường cho thấy hiệu quả kinh doanh quá thấp.
Lý do dẫn đến sự đuối sức của cộng đồng DN được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn đầu tư, lãi suất vay vốn khá cáo DN khó kham nổi.
“Lạm phát trong năm qua chỉ ở mức 1,84% nhưng lãi suất thực lại dao động ở mức 7 -8% là quá cao. Trong khi đó ở một số nước trong khu vực áp dụng lãi suất rất thấp. Cụ thể, Philipines chỉ2,2%, Malaysia 2,1%. Nên giảm lãi suất thực 1- 2%, tạo điều kiện tốt nhất cho DN tập trung vào hoạt động sản xuất”, ông Vũ Tiến Lộc dẫn chứng khó khăn thực tế.
DN là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý
Không chỉ khó khăn về vốn nhiều rào cản khác đang tạo điều kiện bất lợi cho DN. Nói về khó khăn trong hoạt động sản xuất, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói: “Có DN 40 lao động nhưng bắt đầu tư nhà máy xử lý hết mấy tỷ bạc là không thể. Công ty may sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày không phải công ty dệt, cho nên áp dụng như trên là quá nặng nề. Nghịch lý ngành dệt may phải kể đến hoạt động kiểm tra các chất formaldehyde đối với dệt may theo thông tư 37 là quá sức thắt chặt khiến DN chịu không nổi. Gắt gao đến mức chỉ có 3 - 5m vải hoặc 10 m vải mẫu cũng phải kiểm tra”, đại diện Hiệp hội Dệt may bức xúc.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam dẫn chứng thêm, có DN Trong vòng 5 tháng thôi nhưng có đơn vị phải kiểm tra 138 lần đi kiểm vải mẫu. Bộ Công thương cần xem lại vấn đề này vì nó đang gây khó DN. Nên triển khai điều chỉnh quy hoạch ngành 2035 - 2040 vì nhiều chỉ tiêu không còn phù hợp, quy hoạch ngành gắn với quy hoạch tập trung có hệ thống xử lý nước thải.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp hình lưu niệm cùng doanh nhân. Ảnh: S.Xanh.
Kiến nghị Bộ TNMT, có nhiều ngành không cần đưa ra những tiêu chuẩn quá nặng nề. Có DN 40 lao động nhưng bắt đầu tư nhà máy xử lý hết mấy tỷ bạc. Dệt may sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày không phải dệt nếu áp dụng thì quá nặng nề.
Bà Mai Kiều Liên, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam mong muốn giảm thủ tục hành chính theo đúng tinh thần. Hạn chế mức thấp nhất sự ra đời của giấy phép mà cần có tính liên thông giữa các bộ ngành. Rà soát lại thủ tục hải quan vì có nhiều quy định hải quan chưa “thông”, gây khó cho DN, hạn chế 2 cơ quan cùng giải quyết một vấn đến gây lãng phí.
“Quy định nào thực hiện tốt thì không nên thay đổi. Đơn cử, quy định về sữa nước tôi thấy hoàn toàn phù hợp và tạo thuận lợi tốt để DN sản xuất. Bằng chứng năm 2015, doanh thu lên đến 250 triệu USD. Nói chung, DN mong muốn cơ quan hữu quan nên xem DN là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý. Nếu có môi trường cạnh tranh lành mạnh thì DN VN sẽ phát triển không khác DN các nước”.
Hiệp hội DNNVV Việt Nam mong Chính phủ ưu tiên ban hành luật hỗ trợ DNNVV thúc đẩy việc thực thi phát triển DNNV. Cần hỗ trợ DN thành lập Uỷ ban quốc gia hỗ trợ DNNVV, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ. Thành lập ban chỉ đạo khởi nghiệp quốc gia do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng đứng đầu. Tạo cơ chế chính sách hỗ trợ DN có thể tiếp cận kênh tín dụng của quỹ bảo lãnh tín dụng…
Tháo gỡ rào cản tạo điều kiện phát triển
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, 5 năm tới là năm đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 12, hội nhập đang quyết định sự thành bại của DN, cho nên 5 năm sắp tới cần xác định là năm quốc gia khởi nghiệp, củng cố niềm tin, phục hồi, an toàn, giảm rủi ro cho DN.
Trong đó, tập trung đổi mới tư duy phục vụ, không để xảy ra những bất an, tạo điệu kiện thuận lợi để người dân, DN kinh doanh tránh tình trạng như vụ việc của quán phở Xin Chào.
Hai định hướng lớn là bảo toàn DN hiện có, đồng thời phấn đấu lên 1,5 - 2 triệu DN vào năm 2020.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong thời gian tới cần có giải pháp giảm chi phí không chính thức và chính thức, phát triển kinh tế thị trường kinh doanh thuận lợi, giảm rủi ro và chi phí chính thức và không chính thức.
Trước tiên là chi phí hành chính không phục vụ DN. “Chúng tôi vui mừng được biết Thủ tướng Chính phủ mới thông qua và ký Nghị quyết 19 mới để nâng cao cạnh tranh quốc gia. Nhưng đảm bảo cạnh tranh quốc gia hiệu quả rất cần xây dựng thể chế rõ ràng và quy trách nhiệm cụ thể với phạm vi rộng vượt qua các nước tiên tiến của ASEan. Quan trọng hơn cả, muốn thành công vẫn cần có sự giám sát của các bộ - ngành, Quốc hội”, ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Trước những khó khăn của cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “30 năm đổi mới DN luôn là đối tượng tiên phong trong xây dựng và phát triển đất nước thì không có lý gì lại không bảo vệ, tháo gỡ khó khăn cho DN”. Thủ tướng cho rằng, thời gian qua DN đã phát triển nhanh mạnh tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng sản lượng xuất khẩu sản phẩm… tuy nhiên song song với những thuận lợi thì không ít khó khăn mặc dù Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ, tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn. “Chính phủ vì dân do dân thì phải lắng nghe, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời thực hiện đúng hiến pháp đổi mới sự lãnh đạo, bỏ cái lạc hậu trong phát triển và hội nhập. Nói chung trên tinh thần tháo gỡ rào cản tạo niềm tin cho DN, niềm tin cho xã hội, thị trường để mọi người dân yên tâm bắt tay vào sản xuất tốt hơn, hội nhập tốt hơn. Mục đích cuối cùng là DN có điều kiện phát triển tốt nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.