Xanh cây cho vùng đất khó
Noong Lào, một miền đất khó khăn của Thuận Châu (Sơn La), giờ đã xanh cây, xanh đồi, dân no bụng và giàu có. Nhưng mấy ai biết, để có một Noong Lào như ngày hôm nay, ấy là cả một sự nỗ lực của người dân.
Triệu phú Lò Văn Bun chăm sóc vườn cà phê.
Noong Lào trước đây vốn là miền đất định cư của người Xá, nằm lọt giữa hai rặng núi Pu Ta Cao và Pu Tếnh Hươn. Với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó, nhưng do khí hậu nghiệt ngã nên họ vẫn chỉ duy trì được cuộc sống phát, đốt, chọc, tỉa lạc hậu và đơn điệu.
Năm nào mưa thuận gió hòa thì họ có nửa năm lương thực, sử dụng theo kiểu cầm cự. Còn nếu nếu không thuận thì chỉ củ sắn, củ mài, củ nâu ăn qua bữa. Rồi cũng không chịu được, người Xá lại bỏ đi, Noong Lào lại cô quạnh và hoang vu bởi dáng và sức người. Mảnh đất rộng đến gần 100ha này lại bị hoang hóa.
Thế rồi vùng đất này cũng có ngày bừng thức trước việc đầu tư và sức người được bỏ ra. Theo ông Lò Văn Pâng thì Noong Lào chính thức có cơ hội để đi lên ấy là khi tỉnh, huyện thấy xót xa cho hơn trăm ha đất này bị hoang hóa. Sau khi nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai ở đây, chương trình đưa cây chè và cây cà phê đã được triển khai. Nhưng việc này ban đầu cũng không dễ.
Tuy biết có tiền, được hỗ trợ lương thực ban đầu nhưng nhiều người dân đã bảo: Cây ngô, cây lúa sau khi trồng 6 tháng là có ăn còn không sống nổi. Huống chi mấy cái cây lạ lẫm kia, sau khi trồng có đến 5 năm sau mới cho thu hoạch thì sống sao nổi.
Dân chưa ưng bụng, cán bộ đi và đến nhiều lần, tập trung và nói chuyện với dân. Thấy cán bộ chịu khó vượt đèo dốc đến với mình, “nói” với mình nhiều quá nên “nể lời cán bộ” một số hộ dân đã dành một phần đất canh tác của mình để trồng chè và cà phê. Không ngờ, chè và cà phê trồng ở Noong Lào hợp khí hậu thổ nhưỡng đã bám đất phát triển nhanh chóng. Thấy cây xanh, hứa hẹn nhiều điều nên dân đã đồng loạt cùng nhau thực hiện dự án. Một nhà trồng, hai nhà trồng, chẳng bao lâu màu xanh của chè, cà phê đã phủ xanh đất cằn một thời của Noong Lào.
Đến Noong Lào ngày nay, khách xa phải ngạc nhiên về những mô hình kinh tế trang trại và chăn nuôi ở đây. Cùng với mầu xanh của chè, cà phê và tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng chuông bò rỉnh rang là các gia đình triệu phú ngày một nhiều hơn.
Đi giữa mầu xanh của chè, cà phê nằm trải dài dưới sườn non của hai dẫy Pu Ta Cao và Pu Tếnh Hươn mà hỏi về các gia đình triệu phú, không nề hà, bà con sẽ giới thiệu bạn tìm đến gia đình ông Lò Văn Bun.
Trong ngôi nhà 7 gian lợp ngói, nếu không được chứng kiến hẳn bạn sẽ không ngờ một cuộc sống tương đối đầy đủ và hiện đại đang hiện hữu giữa miền đất hoang vu một thời ở trong một gia đình triệu phú này. Ông Bun trẻ hơn so với cái tuổi 60. Sở dĩ ông là người dẫn đầu về kinh tế của bản do ông là người đầu tiên mạnh dạn “xui” vợ con đem chè và cà phê về đây trồng trước nhất.
Từ vài nghìn m2 đất trồng chè và cà phê ban đầu, nay quỹ đất đai nhà ông đã phủ xanh màu chè và cà phê. Vườn nhỏ tuổi đã được trồng cách đây khoảng 3 – 5 năm, còn vườn lớn tuổi đã được trồng cách đây cả chục năm. Hiện tại với gần 5ha chè và cà phê kết hợp với chăn nuôi gia súc thì mỗi năm gia đình ông đã có thu đến vài trăm triệu.
“Ngang ngửa” với gia đình triệu phú Lò Văn Bun, ở đất Noong Lào này còn nhiều triệu phú có tên tuổi khác nữa như ông Lò Văn Chum, Lò Văn Thưng… Riêng về cấp độ triệu phú, ông Lò Văn Pâng cũng có nhiều cái để kể. Ông bảo, sau khi người Xá bỏ đi, do sinh đẻ nhiều nên miền đất vốn được mệnh danh là “đất rộng, người thưa” của Chiềng Pha chả mấy chốc chật kín người và nhà. Quỹ đất đai bị ảnh hưởng và thu hẹp dần. Đất canh tác hạn hẹp, không còn cách nào, người Chiềng Pha đành phải tìm lên miền đất hoang do người Xá bỏ đi này.
Mới đầu ông Pâng cùng gia đình cũng dè dặt. Sau nhận thấy hai thứ cây này phát triển tốt nên ông đã say sưa đầu tư và dành đất cho nó. Hiện với diện tích chè và cà phê cùng hướng chăn nuôi công nghiệp, gia đình ông cũng đã có thu đến cả trăm triệu đồng cho mỗi năm.