Dẹp nạn giấy phép con
Nhìn vào thực tế môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam rất nhiều người khẳng định, môi trường đầu tư hiện nay không ổn định, thiếu an toàn.
Ảnh minh họa.
Bất an ở chỗ, rất nhiều giấy phép con hiện diện buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng. Và thực hiện đúng theo quy định của hàng loạt giấy phép con là cả vấn đề. Quan trọng hơn cả, chỉ cần bất cẩn trong việc chấp hành quy định của giấy phép con doanh nghiệp sẽ bị quy trách nhiệm.
Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực rồi nhưng không hiểu sao thời gian gần đây giấy phép con được ra đời rất nhiều.
Giới doanh nghiệp ngán ngại việc cài thêm những yêu cầu chưa hẳn đã cần thiết trong nhiều lĩnh vực, như: giấy phép, giấy chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh... Đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị, nên cải cách quy trình đăng ký kinh doanh, các quy định cấp phép phải rõ ràng. Đặc biệt bỏ bớt giấy phép con không cần thiết. Đồng thời, hạn chế ban hành nghị định bổ sung giấy tờ cho doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã ban hành hơn 10 tháng nhưng vẫn còn khoảng trống vì chưa có hướng dẫn. Đề nghị dưới luật chỉ nên có Nghị định không nên có thông tư. Thông tư là “cha đẻ” của giấy phép con và cơ chế xin – cho. Điều này vô hình chung gây nhũng nhiễu doanh nghiệp nhiều hơn. Cần dẹp được nạn giấy phép con nếu không doanh nghiệp còn khổ dài dài. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát và xử lý cán bộ nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Hiện có khoảng 7.000 giấy phép con hoành hành doanh nghiệp chứ không phải là 6.000 như thống kê trước đó. Ngoài những điều kiện kinh doanh được xác lập trong những thông tư trước đây, một số bộ ngành vẫn tiếp tục ban hành thông tư với những điều kiện kinh doanh mới, kể cả khi Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi đã ban hành. Điều này trái hẳn ý nghĩa và lợi ích mà Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mang lại.
Trước những bức xúc về nạn “giấy phép con”, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phải chủ động rà soát bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp.
Kiến nghị Chính phủ các giải pháp cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; tiết giảm thủ tục đăng ký đầu tư theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 59/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, năm 2016 sẽ cắt bỏ thêm nhiều thủ tục hành chính để đảm bảo thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp.