Luôn lấy việc công làm trọng
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904 và mất ngày 20/7/1979. Nhớ về ông, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, Nguyễn Thọ Chân đã nhấn mạnh: "Ai thì tôi chưa biết chứ Anh thì rõ ràng là người thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư theo gương của Hồ Chí Minh vĩ đại. Anh theo Bác không phải bằng thuyết giảng về đạo đức mà bằng cách sống và chiến đấu theo phong cách hàng ngày của Người". Thực sự đó là một tấm gương liêm chính sá
Hầu như chẳng có gì đặc biệt trong tiểu sử của người con xứ Đông này. Như chính lời ông tự thuật, ông là con trai út và cũng là duy nhất trong một gia đình nhà Nho nghèo, mảnh đất cắm dùi cũng không có, tại xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Người cha chỉ quen nghề gõ đầu trẻ nên cũng chỉ kiếm đủ tiền nuôi thân, mọi việc khác trong gia đình dồn lên đôi vai mảnh khảnh của người mẹ hiền. Ba người chị của ông lúc lớn lên cũng chỉ giúp mẹ được đôi chút thôi. Sinh kế của gia đình ông chủ yếu là nghề làm hàng xáo, tức là mua thóc về làm gạo rồi mang đi chợ bán hoặc đi ở thuê cho những nhà khá giả hơn... Tuy thế, ngày nhỏ, ông cũng được cha mẹ cho đi học chữ Nho và chữ quốc ngữ, dẫu không nhiều nhưng cũng đủ "khai tâm" để hiểu rằng, chỉ có tri thức mới có thể giúp đổi đời con người ta.
Thuở hàn vi vất vả đã không làm nhụt chí vươn lên của nhà cách mạng tương lai. 17 tuổi, rời làng đi Hải Phòng kiếm sống, dù thu nhập chẳng được bao nhiêu, Nguyễn Lương Bằng vẫn quyết tâm trích chút tiền lương còm cõi của mình để thuê thầy dạy học tiếng Pháp. Rồi như nhiều thanh niên yêu nước và có chí hướng tiến thủ thời đó, ông xuống tàu đi nước ngoài, đến Hồng Công rồi Sa Điện tìm việc. Con đường hoạt động cách mạng của ông đã bắt đầu ở chính nơi mà liệt sĩ Phạm Hồng Thái từng lập nên kỳ tích bằng tiếng bom Sa Điện lừng danh...
Nhìn nhận lại các chặng đường hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, có thể thấy rõ ảnh hưởng vô cùng to lớn của Bác Hồ đối với phong cách sống và làm việc của ông. Trong hồi ký của mình, ông đã nhớ lại những ngày đầu gặp gỡ với đồng chí Vương, tức Bác Hồ ở hải ngoại như sau:
"Đồng chí Vương hẹn tôi ở một phố Quảng Châu, trước một công ty bách hóa lớn. Sa Điện chỉ cách Quảng Châu có hơn một cái cầu, qua một nhánh của con sông Châu. Tôi tới chỗ hẹn vào một buổi trưa mùa đông. Đồng chí Vương đã đợi tôi ở chỗ hẹn, chìa tay bắt tay tôi, vồn vã, niềm nở ngay từ phút đầu. Tôi không nhớ một cách cụ thể hình dáng Bác lúc bấy giờ, chỉ có ấn tượng là đồng chí Vương còn trẻ lắm - khi ấy, Bác mới ba mươi lăm tuổi - người gầy nhưng khỏe mạnh, đôi mắt rất sáng... Đồng chí Vương rất nhanh nhẹn, hoạt bát, nhanh nhẹn mà vẫn từ tốn, hoạt bát mà vẫn ôn tồn, cử chỉ và lời nói thì dịu dàng thân mật, khiến cho tôi gần gũi ngay...
Đồng chí Vương hỏi tuổi, hỏi công việc làm ăn của tôi, hỏi tình hình đồng bào trong nước... Nghe xong, đồng chí nói, tôi không nhớ được lời, chỉ nhớ là đồng chí Vương nhấn mạnh vào nhiệm vụ đấu tranh chống đế quốc Pháp, và tuyên truyền tư tưởng yêu nước cho tôi. Rồi đồng chí lại hỏi tôi được học đến đâu? Tôi nói nhà nghèo, chẳng được học mấy. Đồng chí Vương bảo tôi: Đấy, các đồng chí cũng thất học. Chúng ta cần giúp đỡ nhau học thêm...".
Bác Hồ đã chỉ bảo cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng không chỉ những tri thức chiến lược cách mạng mà ngay cả những điều a-bờ-cờ nhất trong hoạt động thực tế. Về sau ông nhớ lại:
"Tôi thấy đồng chí Vương không bỏ qua một việc gì, dù nhỏ, nhằm uốn nắn, giáo dục chúng tôi. Một hôm, nhân một câu chuyện gì đó về lính thủy, chúng tôi gọi anh em là họ. Đồng chí Vương cười và hỏi: "Đấy là anh em mình cả, sao lại gọi là họ?". Lời nói thật ôn tồn, và tôi nhận ra rằng gọi như thế tức là đã có ý bỉ thử, phân chia người này với người khác...".
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thăm quê hương Thanh Miện, Hải Dương năm 1976.
Cũng phải thấy rằng, trong giáo dục các đồng chí lớp sau, Bác Hồ luôn quan tâm tới nghiệp vụ hoạt động bí mật. Cũng theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Lương Bằng:
"Đồng chí Vương dặn dò tôi cặn kẽ, tỉ mỉ nhất là vấn đề giữ bí mật. Trước khi chia tay, đồng chí Vương lại bảo tôi phải chú ý một điểm: Mình ở nước ngoài về, thường là có mật thám theo. Cho nên mới về nước, không nên đi lung tung ngay, chưa nên vào nhà ai vội. Không những thế, nếu cần còn phải đóng vai người chơi bời để mật thám không chú ý...".
Chịu ảnh hưởng của một người thông tuệ cả việc lớn lẫn việc nhỏ như thế, không thể không trở nên ngày một khá hơn. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng về sau trong những ngày chuẩn bị cho khởi nghĩa mùa thu năm 1945 và nhiều năm sau đó còn được làm việc ở bên cạnh Bác. Và chính cuộc sống hàng ngày, cách ứng xử đời thường của Bác Hồ cũng giúp ông thêm tôi luyện phẩm chất vốn đã rất tuyệt vời của mình. Và phải nói rằng, chính đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã là một trong những người kế thừa được nhiều nhất tấm gương đạo đức ngời sáng của Bác Hồ. ông đã sống như một người "không hám hư danh, không màng tư lợi, suốt đời phấn đấu hy sinh vì lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân" (đánh giá của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong bài viết ở cuốn sách "Anh Cả Nguyễn Lương Bằng" do NXB Chính trị quốc gia ấn hành năm 2005)…
Có những người phấn đấu thăng tiến để "có danh gì với núi sông", việc này thực ra cũng không có gì là sai quấy. Nhưng quả thực ở thời nào cũng có dù không nhiều những người phấn đấu thăng tiến để giúp đời, giúp dân, giúp nước được nhiều hơn chứ không phải nhằm mục đích vinh thân phì gia. Những bậc quân tử này "làm chính trị bằng đức độ... lấy ngay thẳng mà khiến người" (chữ của Khổng Tử). Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đúng là một bậc quân tử cách mạng như thế. Chính vì thế, ông đã để lại trong lòng đồng chí, đồng bào những ký ức tốt đẹp nhất về một tấm gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Tại Đại hội Tân Trào tháng 8/1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một trong năm người được bầu vào Ban Thường trực của ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, là đại diện của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh cùng nhà sử học Trần Huy Liệu và nhà thơ Huy Cận vào Huế tịch thu ấn tín của vua Bảo Đại. Thế nhưng, sau khi ta giành được chính quyền và ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam đổi thành Chính phủ lâm thời, ông đã tự xin rút lui theo tinh thần đại đoàn kết của Bác Hồ để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước ở ngoài Việt Minh. Bác Hồ đã nhận xét: "Đây là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân".
Không ngẫu nhiên mà ngay từ khi chính quyền ta còn trứng nước, hệ thống hành chính còn đơn giản, sơ sài, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã luôn được tín nhiệm giao cho những trọng trách liên quan tới cơm áo gạo tiền mà phải những người có cái tâm thật sáng mới luôn vô tư được. Những câu chuyện về đức độ của ông cho tới nay vẫn được truyền tụng, đôi khi như những huyền thoại vì thời thế đã thay đổi quá nhiều. Ông nổi tiếng về tính tiết kiệm, không phải chỉ ở những chi tiêu riêng mà ở cả những công việc chung nữa. "Làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống" - đó là điều mà ông tâm niệm suốt đời. Và ông từng nhắc nhở các đồng chí, đồng nghiệp của mình: “Đảng viên phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân chứ không phải để ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, phục vụ cho mình, phục vụ cho gia đình mình. Đảng viên phải cần kiệm liêm chính chí công vô tư, phải thật sự phản đối quan liêu, lãng phí, tham ô, cá nhân chủ nghĩa…”
Theo hồi ức của đồng chí Phan Hiền, khi ông lên giữ chức Phó Chủ tịch nước, trước đề nghị đổi xe hơi mới cho phù hợp với cương vị mới, ông đã từ chối vì "chiếc ôtô tôi vẫn dùng từ những năm ở Ban Kiểm tra Trung ương còn tốt lắm, sao lại phải thay bằng ôtô mới?". Khi được đề nghị đổi nhà mới, ông cũng nói luôn: "Gia đình tôi ở đây cũng đã rộng rãi quá rồi...". Thực ra, nhà riêng của ông khi đó cũng mới chỉ là một biệt thự nhỏ bình dị nằm sâu trong con phố lúc đó còn rất vắng, tiện nghi cực kỳ sơ sài. Các cô con gái của ông luôn được bố và mẹ nhắc nhở về nếp sống giản dị, như mọi người thường. Tấm gương của ông đã được vợ con ông về sau luôn đinh ninh trong dạ và noi theo. Bà Thục Trinh, vợ ông, sau khi ông mất năm 1979 đã làm đơn xin trả lại ngôi biệt thự để chuyển về nơi ở còn khiêm nhường hơn nữa...
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng quả thực đã là "một người Cộng sản tiêu biểu của chúng ta", đúng như nhận định của Đảng ta trong bài đăng trên Báo Nhân dân ngày 21/7/1979.