Đồng hành cùng ngư dân
Dẫu gặp không ít khó khăn như tàu lạ làm khó khi đánh bắt ngoài khơi xa; gần đây hải sản ở vùng sát bờ thuộc khu vực biển miền Trung chết hàng loạt...Thế nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự đồng hành kịp thời của chính quyền, MTTQ các cấp đã giúp ngư dân yên tâm, kiên cường bám biển.
Cá mú trở về cảng Sa Kỳ (Quảng Nam).
Nguyên nhân cá chết ở ven biển miền Trung vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ, thế nhưng trong thời gian này, vẫn còn nhiều tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân miền Trung cập bến không bán được mặc dù vùng biển họ đánh bắt không nằm trong khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Chúng tôi có mặt tại cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chứng kiến nhiều tàu cá ngư dân ngư dân trong tỉnh Quảng Ngãi đang cập cảng sau gần một tháng đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trở về.
Ngư dân Trần Văn Bình (35 tuổi), chủ tàu cá QNg 95184 TS, ngụ xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết: “Trong chuyến biển này, tàu của tôi đánh bắt gần 5 tấn cá các loại như chình biển, cá mú đen và đỏ,… nhưng khi thông tin 4 tỉnh miền Trung cá chết trôi dạt vào bờ biển làm cho các tiểu thương thu mua cá thấp hơn 30% so với trước. Ví dụ: Cá chình biển hồi trước giá 40 nghìn đồng/1kg, thì giờ có 20 nghìn đồng/1kg, cá mú đen có giá từ 150 nghìn đồng/1kg nhưng giờ giảm còn 100 nghìn đồng/1kg. Với giá cá thấp như hiện nay tàu cá tôi “âm” từ 100 - 150 triệu đồng/chuyến biển.
Còn ngư dân Đình Sửu (45 tuổi) chủ tàu cá QNg 96167 TS, ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết: “Mấy ngày trước đó rất đông các thương lái đến hỏi mua cá giá cao. Nhưng giờ họ ép giá thấp gần một nửa. Hiện tại, giá cá nục lớn từ 10- 12 nghìn đồng/1kg, giảm 7 nghìn đồng/1kg. Chuyến này tàu cá tôi đánh bắt gần 2 tấn cá nục lớn, bán được khoảng 22 triệu đồng. Với số tiền này tàu cá tôi không đủ chi phí đánh bắt”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết: “Ngư dân xã Bình Châu và các xã lân cận chủ yếu đánh bắt xa bờ nên chuyện ăn cá này bị nhiễm độc là không thể xảy ra. Thế nhưng bà con ngư dân vẫn bị thương lái ép hạ giá từ 30-40% so với các ngày trước”.
Trước những khó khăn này, chính quyền, MTTQ các cấp của các địa phương đã kịp thời “đồng hành”, chia sẻ cùng ngư dân. Việc đầu tiên là kịp thời vào cuộc và đưa ra các kết quả về thông số nước biển của các tỉnh, thành để an dân. Cùng với đó, các địa phương đã có “chiến dịch” tích cực như đối thoại, ăn cá cùng ngư dân, tổ chức lễ hội ẩm thực hải sản sạch với đơn giá giảm 30%, tổ chức các điểm bán hải sản sạch đã qua kiểm nghiệm,…
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có buổi làm việc khẩn cấp với lãnh đạo các sở, ban ngành, các huyện, thị xã liên quan và các siêu thị nhằm giải quyết đầu ra hải sản của ngư dân. Tại đây Giám đốc siêu thị Co.op Mart Huế hứa sẽ thu mua toàn bộ sản lượng của ngư dân với điều kiện sản phẩm phải được chứng nhận tại chỗ, đảm bảo đánh bắt ở vùng biển ngoài khơi, an toàn.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình cho biết, trong 4 ngày qua đã thu mua được hơn 138 tấn hải sản các loại cho 36 tàu cá ngư dân cập bến cảng Gianh và cảng Nhật Lệ. Trong khi đó tại Hà Tĩnh các doanh nghiệp thu mua được 110 tấn hải sản giúp bà con ngư dân và đang tiếp tục thực hiện…
Sáng ngày 4-5 tại cảng cá Thọ Quang, TP Đà Nẵng, ngư dân Phạm Bá Dân chủ tàu QNg 94709, trú ở Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi cùng vợ Nguyễn Thị Liên cho biết: “Tàu chúng tôi đánh được 15 tấn nhưng hiện chỉ bán được khoảng hơn 5 tấn. Nhưng tôi tin chính quyền tìm cách giúp chúng tôi bán hết số hải sản trong thời ngắn để còn tiếp tục ra khơi chuyến mới”.