Cân nhắc chuyển giao công nghệ

Việt Thắng 05/05/2016 11:10

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ 2006 hiện đang được Bộ khoa học công nghệ xin ý kiến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên trong đó quy định không được tính phí chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nếu doanh nghiệp tại Việt Nam có 100% vốn của tập đoàn. Liệu quy định trên có hợp lý?

Cho ý kiến về dự thảo trên, Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam VCCI cho rằng, đoạn 2 Khoản 1.2 Điều 1 dự thảo quy định, không được tính phí chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nếu doanh nghiệp tại Việt Nam có 100% vốn của tập đoàn. Theo phản ánh của nhiều chuyên gia, hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia là một trong những cơ hội tốt để thực hiện hành vi chuyển giá. Do đó việc bổ sung các biện pháp chống chuyển giá khi thực hiện hợp đồng này là hợp lý. Theo nhận định của VCCI, biện pháp “không được tính phí chuyển giao công nghệ” đưa ra tại đoạn 2 Khoản 1.2 Điều 1 của dự thảo cũng cần cân nhắc. Đưa ra quan điểm, VCCI cho rằng về bản chất dù công ty mẹ ở nước ngoài có sở hữu 100% vốn của công ty con ở Việt Nam thì đây vẫn là hai pháp nhân độc lập, có tài sản độc lập, với quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý độc lập. Giao dịch chuyển giao công nghệ từ công ty mẹ sang công ty con cũng là điều bình thường. Nếu giao dịch này được khai báo đúng giá trị thì không có vấn đề gì. Như vậy quy định như trong dự thảo sẽ là không công bằng đối với các trường hợp khai báo đúng giá trị. “Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc áp dụng quy định này. Theo đó để hạn chế bất cập này có thể thay thế bằng các biện pháp kiểm tra, thẩm định, áp giá trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế để chống chuyển giá”-VCCI bày tỏ quan điểm.

Cũng theo VCCI, vấn đề công khai, minh bạch và khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp đối với cơ sở dữ liệu về chuyển giao công nghệ chưa được quy định trong dự thảo. Trong khi, đây lại là nội dung được người dân và doanh nghiệp quan tâm. Do đó cơ quan soạn thảo cần bổ sung các quy định về việc công khai cơ sở dữ liệu về chuyển giao công nghệ.

ĐBQH Bùi Thị An - Ủy viên Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của QH cho rằng, khi áp dụng phải tùy vào từng trường hợp cụ thể. Bởi theo bà, trong quá trình xây dựng luật Quốc hội, các ĐBQH đã cố gắng hết mức, tuy nhiên nhiều khi không “quét” được hết các hiện trạng của thực tế nên có chuyện khi áp dụng rồi thấy bất cập nên lại phải chỉnh sửa. Theo bà An, mục tiêu là phải bảo đảm sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước có 100% vốn tại Việt Nam. Đôi khi họ sẽ lách luật cho nên cơ quan thuế cần rà soát lại toàn bộ để tránh thất thu thuế cho nhà nước.

Đồng quan điểm, ĐBQH Đỗ Văn Vẻ - Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của QH cũng cho rằng, chúng ta cần có những chính sách đặc biệt để thu hút đầu tư nhưng cũng cần phải kiểm soát được. Nhiều khi không thận trọng họ lợi dụng để chuyển giá hay làm những việc khác thì chúng ta không thu được cái gì? Cho nên cũng cần phải nghiên cứu kỹ.

Cũng bày tỏ lo ngại đối với các trường hợp khai báo đúng giá trị, TS. Trần Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đặt ra vấn đề: “Dự thảo chưa có chế tài xử phạt vi phạm trong chuyển giao công nghệ. Ví dụ một công ty cung cấp hạt giống nói đây là hạt giống cho năng suất cao, nhưng kết quả cho toàn hạt lép. Vậy khi đó xử phạt thế nào?, ai xử phạt họ?”.

Có thể nói rằng, hiện Việt Nam đang thu hút rất nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào, nếu không thận trọng trong điều khoản chuyển giao công nghệ trong các cam kết chúng ta có thể trở thành nơi đón nhận các công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường trong khi cơ chế thẩm định công nghệ của ta đang còn yếu. Với cơ chế hiện nay cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được công nghệ nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó mọi ưu đãi cũng cần xác định đúng địa chỉ. Hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia là một trong những cơ hội tốt để thực hiện hành vi chuyển giá vì vậy việc bổ sung các biện pháp nhằm chống chuyển giá là thực sự cần thiết vào lúc này.

Việt Thắng