Siết nhập khẩu máy móc cũ: Làm khó doanh nghiệp
Nhập dây chuyền sản xuất, nhà đầu tư phải tính đến thực lực nguồn vốn. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì cấm nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, nên để thị trường tự điều chỉnh hoạt động này. Những bất cập vẫn đang gây không ít khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, ít vốn.
Doanh nghiệp sử dụng dây chuyền sản xuất
hiện đại chiếm tỷ lệ thấp. (Ảnh: S. Xanh).
99% doanh nghiệp dùng máy cũ
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí – điện TP HCM khẳng định, Thông tư 23 tiếp tục là rào cản lớn đối với sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thông tư quy định chỉ được nhập khẩu máy móc có tuổi thọ dưới 10 năm. Thực tế thị trường chứng minh, những máy như thế này rất ít có trên thị trường. Theo thống kê của Hội doanh nghiệp cơ khí – điện TP HCM, thị trường chỉ có khoảng 1% máy móc dưới 10 năm tuổi. Đại diện một kinh doanh máy cơ khí kim loại tấm với 10 năm cung cấp máy Nhật Bản thông tin, tại TP HCM có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất kim loại tấm nhưng chỉ có khoảng 5% dùng máy mới, phần còn lại là sử dụng máy cũ. Còn nhìn nhận tình hình chung thì có đến 90% doanh nghiệp đang sử dụng máy cũ. “Hiện nay chỉ có 1% máy mới đang được thị trường đón nhận. Còn lại các máy móc với 10 năm tuổi hầu như không bán được ở thị trường Việt Nam nên công ty phải để lại tại thị trường Nhật Bản”, ông Trương Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty CP máy công cụ và thiết bị T.A.T chia sẻ thực trạng sử dụng máy móc, dây chuyền và trang thiết bị công nghệ của doanh nghiệp trong nước.
Lý giải nguyên nhân trên, ông Đỗ Phước Tống cho hay, lượng máy tốt chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường là nhờ một số công ty phá sản bán ra được doanh nghiệp nước sở tại mua để phục vụ sản xuất. Thứ hai, vốn đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ không hề nhỏ. Một số doanh nghiệp cho biết, hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ nguồn lực tài chính thực hiện đổi mới công nghệ, có chăng chỉ là những doanh nghiệp lớn mới đủ lực để chi với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Nên nhập khẩu máy móc nước nào?
Chỉ có nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất không quá 10 năm tuổi đang tạo áp lực cho nhà sản xuất. Bài toán so sánh hiệu quả kinh tế được đặt ra. Chứng minh hiệu quả kinh tế của máy móc cũ đã qua sử dụng, ông Trình Xuân Kỳ - Phó tổng giám đốc Công ty Thang máy Thiên Nam cho hay, máy cắt CNC của Nhật Bản sản xuất từ những năm 1980 – 1990 của giờ vẫn chạy tốt. Ngược lại, máy cắt dập của Trung Quốc mua khoảng 2- 3 năm là “tụt dốc không phanh”. Liên quan đến quy định tuổi thọ của máy móc nhập khẩu, ông Nguyễn Phước Hưng - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM khẳng định: “Các thiết bị cũ của châu Âu 20 năm tuổi vẫn nhập khẩu tốt vì hiệu quả sử dụng còn rất cao. Song cần phải coi lại máy móc xuất xứ từ Trung Quốc. Máy móc Trung Quốc mới 2 – 3 năm bắt đầu xuất hiện trục trặc, hư hao.
“Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dùng máy Ý, Đức trên 10 năm tuổi kéo dây đồng rất hiệu quả. Trước vướng mắc chưa tháo gỡ được đối với quy định nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, doanh nghiệp tỏ thái độ chưa đồng tình với Thông tư 23 – Thông tư mới đã được sửa đổi. Do các bộ ngành áp dụng quy định mới theo hình thức đánh đồng, thiếu sự cân nhắc và linh hoạt cho từng sản phẩm của từng thị trường cụ thể. Thay vì cấm nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng nên để thị trường tự điều chỉnh hoạt động này” - ông Hưng đề xuất.
Trả lời về quy định nhập khẩu máy móc cũ gây khó doanh nghiệp, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trường Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) lý giải, các bộ ngành rất muốn phân biệt rõ ràng máy móc xuất xứ châu Âu và Trung Quốc khi nhập khẩu. Tuy nhiên, vì Việt Nam đang hội nhập sâu rộng nên không thể có sự phân biệt. Bộ đang cố gắng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ví dụ, đối với máy móc quá 10 năm nhưng doanh nghiệp cần phải nhập khẩu để đảm bảo yêu cầu sản xuất kinh doanh, bộ sẽ xem xét giải quyết các trường hợp đặc biệt. “Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ là cơ quan chủ trì, vì vậy không thể quyết định mà cần có ý kiến của các bộ ngành. Sau một năm kể từ khi Thông tư 23 có hiệu lực sẽ xem xét lại để chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là trách nhiệm của cơ quan quản lý” - ông Đỗ Hoài Nam nhấn mạnh.