Tìm cách giảm bội chi

H.Hương 05/05/2016 11:05

Đánh giá mới nhất từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tiếp tục nêu lại vấn đề cũ nhưng luôn nóng: Đó là ngân sách nhà nước (NSNN) những năm gần đây có mức thâm hụt ngày càng tăng. Về giá trị tuyệt đối, bội chi NSNN tăng từ mức 65,8 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên mức 263,2 nghìn tỷ đồng năm 2015. So với GDP, bội chi NSNN đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-202

Vì bội chi NSNN tăng cao, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011 - 2015, từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP, tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Đó là chưa kể nếu tính theo thông lệ quốc tế, nợ công Việt Nam còn cao hơn nhiều vì không tính đến nợ của doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công khác. Năm 2015 cũng là năm dư nợ Chính phủ vượt trần, đạt 50,3%.

Và để đối phó lại với vấn đề bội chi, trong thời gian gần đây, giải pháp siết ngân sách cũng đã được đưa ra, chẳng hạn hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền... Nhưng dường như các nỗ lực đó vẫn chưa đủ, để có thêm tiền để chi tiêu, cơ quan quản lý liên tiếp phát hành trái phiếu chính phủ. Nhưng phần lớn nhà đầu tư mua TPCP là ngân hàng thương mại và họ mua trái phiếu ở kỳ hạn ngắn. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài vẫn trong tình trạng không mặn mà khách mua.

Giới chuyên gia cho rằng, vẫn cần ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cẩn thận với lạm phát và bội chi ngân sách. Cần có chiến lược cho thâm hụt ngân sách ở Việt Nam. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong trung và dài hạn vì trong nhiều năm gần đây, bội chi ngân sách của Việt Nam luôn giữ ở mức 5% GDP. Giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, Nhà nước sẽ phải tăng thuế hoặc phải vay nợ thông qua phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, với việc tăng thuế, các doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí lớn hơn, làm giảm động lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, mức tiêu dùng cũng giảm, làm giảm tổng cầu. Biện pháp này không khả thi trong bối cảnh Việt Nam đang cần cải thiện môi trường kinh doanh và cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối với biện pháp giảm thâm hụt ngân sách thông qua vay nợ, việc vay nợ nội địa quy mô lớn khiến mặt bằng lãi suất ở mức cao, hoặc không duy trì được ở mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế. Nếu vay nợ nước ngoài thường xuyên và quy mô tăng dẫn tới nhiều rủi ro.

Được biết Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ ra chỉ thị tiếp tục điều hành ngân sách chặt chẽ hơn, đồng thời có những giải pháp kích thích môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển, từ đó có nguồn thu và cân đối được ngân sách.

H.Hương