Việt kiều thế hệ thứ 2, thứ 3 luôn mong được trở về quê hương
Đó là phát biểu được ông Nguyễn Trường Thi, Phó Chủ tịch Hội Thái-Việt tỉnh Nakhon Phanom, phụ trách về vấn đề giáo dục bày tỏ tại buổi đoàn giáo viên, học sinh kiều bào tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) thăm và giao lưu với học sinh Trường Vinschool Times City diễn ra ngày 5/5 tại Hà Nội, trong chương trình chuyến thăm do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Thi nói: “Các thế hệ thứ 2, 3 luôn mong muốn được trở về quê hương, muốn được giao lưu và học hỏi thêm về vấn đề văn hóa giáo dục về đất nước học hỏi những kinh nghiệm trong giáo dục. Nó có ý nghĩa giúp các em gốc Việt gần gũi hơn với quê hương, sự giàu đẹp và phát triển của quê hương. Từ đó hiểu biết về văn hóa con người Việt”.
Ông Thi cho biết, Hội Thái-Việt bao giờ cũng coi trọng dạy tiếng Việt, các thầy cô ở đây dạy tiếng Việt miễn phí, ai muốn học thì Hội sẽ sắp xếp tổ chức các lớp dạy. Từ tiếng Việt các em có thể hiểu biết hơn về quê hương của mình, sự phát triển của quê hương thông qua đó giữ gìn văn hóa Việt trên đất nước Thái.
Ông Thi chia sẻ: Đặc biệt các em rất thích trang phục Việt Nam như áo dài, điệu múa trống cơm, thích được tham gia các chương trình văn nghệ múa hát trống cơm giúp các em hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.
Dù còn nhỏ nhưng khi nói về Bác Hồ các em đều bày tỏ tôn trọng, kính trọng Bác khi được bố mẹ hàng ngày kể về những công lao của Bác đối với đất nước. Đặc biệt ngày 19-5 hàng năm các em đều được bố mẹ cho đi khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom.
Cùng chung nỗi niềm được trở về đất nước, bà Nguyễn Thanh Sớm, Ban chấp hành hội Thái-Việt tỉnh Nakhon Phanom mong muốn hàng năm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều cuộc tổ chức cho các học sinh kiều bào được về nước thăm và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam để giữ gìn truyền thống dân tộc nơi đất khách, để các thế hệ thứ 2-3 luôn hướng về cội nguồn.
“Về Việt Nam có rất nhiều hoạt động nhưng các em đa số là kiều bào khi trở về quê hương rất vui mừng phấn khởi khi được thực tế biết về văn hóa truyền thống của quê hương chứ không phải qua sách báo. Từ những gì tiếp xúc hiểu biết được khi về nước các em lại chia sẻ lại với các bạn trong trường. Nguyện vọng của các em là luôn muốn học tiếng Việt nhiều hơn để biết hơn về văn hóa nguồn gốc của bố mẹ mình”-bà Sớm chia sẻ.
Tại buổi giao lưu, chia sẻ với các bạn đến từ Thái Lan, em Lâm Minh Tuấn học sinh lớp 3 A8 trường Vinschool bày tỏ vui mừng khi nhận được thông báo cách đây hơn 1 tuần khi được đón các bạn học sinh tỉnh Nakhon Phanom. Ngay lập tức em đã tìm hiểu về đất nước Thái Lan qua internet đặc biệt là tỉnh Nakhon Phanom nổi tiếng với 3 ngôi chùa dát vàng.
“Em rất ấn tượng với thư viện sách ở nơi đây với nhiều sách quý, không gian yên tĩnh nên mong muốn được đến đó đọc các cuốn sách cổ của người Thái ngày xưa. Đây cũng từng là nơi Bác Hồ dừng chân khi hoạt động chính trị, hiện nhiều người đến và vẫn lưu trữ ngôi nhà của Bác. Là thành phố của tình thân của người Việt Nam-Thái Lan” - em Tuấn nói.
Tại buổi giao lưu, dù tiếng Việt còn hạn chế nhưng tình yêu hướng về quê hương tổ quốc của các em học sinh kiều bào tỉnh Nakhon Phanom đã được bày tỏ thông qua bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” và điệu múa trống cơm.
* Chiều cùng ngày, lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã tiếp thân mật đoàn.
Một số hình ảnh tại buổi giao lưu: