Chưa có thương hiệu, gạo Việt cứ loay hoay
Thông tin về việc Thái Lan sẽ xả hơn 11 triệu tấn gạo tồn kho khiến dư luận, đặc biệt ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam băn khoăn. Liệu đợt xả lượng gạo khổng lồ này của Thái Lan sẽ tác động như thế nào đến gạo xuất khẩu của Việt Nam? Cũng từ việc này, một lần nữa câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo Việt lại được đặt ra.
Năng suất cao nhưng gạo Việt Nam vẫn chưa tạo được thương hiệu bền vững.
Áp lực từ việc Thái Lan xả 11,4 triệu tấn gạo
Ủy ban Chính sách lúa gạo quốc gia Thái Lan mới công bố, Chính phủ nước này sẽ bán ra 11,4 triệu tấn gạo tồn kho ngay trong 2 tháng 5 và 6. Đây là lượng gạo xả được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của Thái Lan, lớn hơn cả lượng gạo xuất khẩu bình quân hàng năm trước đây. Bởi, trong nhiều năm qua, lượng gạo xuất khẩu bình quân mỗi năm của Thái Lan đạt mức trung bình 10 triệu tấn.
Thái Lan vốn đã nổi tiếng là cường quốc xuất khẩu gạo với kim ngạch đứng hàng đầu thế giới. Gạo Thái Lan cũng đã ghi danh được thương hiệu trên bản đồ thế giới và là lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia. Do đó, việc xả hơn 11 triệu tấn gạo của Thái Lan đang làm dấy lên trong dư luận những lo ngại về sự tác động đến giá cũng như sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Trên thực tế, không thể không lo lắng, khi mà, đã từng có thời điểm, gạo Việt xuất khẩu bị tụt giảm hẳn sản lượng, kim ngạch khi người Thái quyết định xả gạo tồn kho. Đó là thời điểm năm 2014, Thái Lan bắt đầu xuất đi một lượng lớn gạo tồn kho với giá thấp, gạo Việt Nam đã gặp phải khó khăn lớn về đầu ra, giá giảm mạnh.
Lượng gạo xuất khẩu năm 2014 vì vậy chỉ đạt trên 6,3 triệu tấn, mức thấp kỷ lục tính từ thời điểm năm 2009 trở lại. Tuy nhiên, trong đợt xả hàng lần này của người Thái, nhiều ý kiến trong giới chuyên gia cho rằng, không đến nỗi quá lo ngại đối với ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Lý do là bởi, trong số 11,4 triệu tấn gạo mà Thái Lan xả hàng lần này, chỉ có khoảng 100 ngàn tấn gạo chất lượng tốt. Số còn lại hầu hết là chất lượng rất thấp, trong đó có tới 2,4 triệu tấn gạo đã bị mục, hỏng…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 4/2016, cả nước xuất khẩu ước đạt 510.000 tấn gạo với giá trị 235 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ước đạt 2,06 triệu tấn với giá trị 916 triệu USD, tăng 11,8% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 3/2016 đạt 438 USD/tấn, tăng 0,32% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn là thị trường đứng thứ nhất về nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016 với 31,54% thị phần. |
Trao đổi với Đại Đoàn Kết sáng 6/5, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lĩnh vực lúa gạo cho rằng, động thái này của người Thái ít nhiều cũng có chút ảnh hưởng nhưng không phải quá lớn, không quá đáng lo đối với gạo xuất khẩu của ta.
Minh chứng cho nhận định này, GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm: Gạo Thái Lan vốn đã nổi tiếng về thương hiệu, chất lượng, được nhiều người tiêu dùng thế giới lựa chọn.
Thế nhưng, đợt xả gạo lần này, họ không xuất nhiều gạo chất lượng cao mà chủ yếu xuất gạo chất lượng thấp, dành cho phân khúc đối tượng thấp, kể cả lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Và chủ yếu họ xuất sang những vùng cần gạo rẻ như châu Phi, Philippines và một số nước Trung Đông…
Bởi vậy, nếu Thái Lan xả gạo tồn kho, song tập trung chủ yếu vào các thị trường nói trên thì gạo Việt xuất khẩu sẽ không lo về việc phải cạnh tranh với gạo Thái tại các thị trường truyền thống. Do đó, không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.
“Nếu Việt Nam xuất ra thế giới gạo mới, thì chắc chắn sẽ dễ dàng “qua mặt” số gạo tồn dư của Thái Lan”- GS Xuân nhận định
Mặc dù vậy, nêu lên nhận định chung về chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, nếu các DN xuất khẩu tập trung chăm sóc đến chất lượng hạt gạo hơn, thay vì cứ chạy theo sản lượng, thì kể cả Thái Lan có xuất hàng tồn kho lớn bao nhiêu đi nữa, cũng không phải là điều đáng quan ngại.
Tuy nhiên, lâu nay các DN xuất khẩu vẫn chưa chăm lo đến việc nâng chất lượng hạt gạo, vẫn xuất khẩu chủ yếu gạo phẩm cấp thấp nên giá trị xuất khẩu không cao. Và thế giới cũng không biết nhiều đến gạo Việt giống như đối với gạo Thái. Ngay cả Campuchia cũng đã vượt lên Việt Nam trong câu chuyện thương hiệu hạt gạo. Đó là điểm yếu của ngành lúa gạo chúng ta.
Trao đổi với báo giới chiều ngày 6/5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, việc Thái Lan xuất ra thế giới hơn 11 triệu tấn gạo, chắc chắn cung vượt cầu sẽ có sự ảnh hưởng về giá, về tiêu thụ sản phẩm của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Rõ ràng cung nhiều, cầu vẫn thế thì sẽ bị ảnh hưởng. “Chúng tôi sẽ xem xét từng thị trường và có biện pháp cụ thể đối với vấn đề này”- ông Hải cho biết và khuyến cáo, các DN cũng cần tính đến động thái này của Thái Lan để có những bước đi chủ động vì khi xả hàng tồn kho, người Thái có thể sẽ có nhiều biện pháp nhằm thu hồi vốn như hạ giá gạo, thậm chí thấp hơn giá gạo của Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp cần phải lường trước những biến động của thị trường và chủ động có các kịch bản xuất khẩu vì dù ít dù nhiều, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của ta.
Đi tìm thương hiệu
Cho dù nổi tiếng là nước xuất khẩu gạo, nhưng tới nay trong hệ thống siêu thị đã xuất hiện nhiều gạo ngoại, đến từ Campuchia, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan, Mỹ… Nhìn chung, những loại gạo này được ưa chuộng vì vừa dẻo thơm, vừa ngon ngọt. Dĩ nhiên, bên cạnh đó còn là tâm lý chuộng ngoại nên những loại gạo đó bán khá chạy.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, hầu hết gạo ngoại đều là giống ngoại trồng ở Việt Nam nhưng làm bao bì đẹp, in toàn tiếng nước ngoài. Thậm chí, không ít sản phẩm dán nhãn phụ tiếng Việt giống gạo nhập khẩu gây sự hiểu lầm. Nhìn nhận thực tế, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, thiếu những sản phẩm gạo ngon vô hình trung tạo điều kiện cho người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm gạo gắn mác ngoại.
Đáng chú ý, chúng ta có hàng loạt loại gạo ngon nhưng người tiêu dùng không nhớ đến một loại gạo cụ thể nào. Thị trường “bội thực” với tên gạo sản phẩm gạo. Các công ty có gạo ngon thì đặt nhiều tên khó nhớ, khó nhận biết. Đơn cử, 7 công ty phân phối gạo của Vinafood 2 có nhiều nhãn hiệu như: Bông bưởi xanh, Bông bưởi vàng, Bông bưởi đỏ, Bông bưởi đỏ đậm, Bông sứ, Bông trạng nguyên, Thiên Nga, Lộc Trời….
Hàng loạt gạo mang tên “bông” thiếu tính đặc trưng và không tạo ấn tượng về chất lượng riêng. Rồi đến sản phẩm Jasmine nhưng có 5 - 6 Jasmine nên không biết Jasmine nào là chuẩn nhất để lựa chọn.
Không riêng sản phẩm tiêu thụ trong nước, gạo xuất khẩu của Việt Nam không tạo dấu ấn cho người tiêu dùng các nước. Ông Trần Anh Tuấn- chuyên gia tư vấn thương hiệu nhận định: “Gạo Việt tự phát chạy theo nhu cầu thị trường, thay vì định vị tập trung vào thị trường mục tiêu.
Đa số sản phẩm gạo xuất khẩu chỉ có giá trị trung bình nên ít thâm nhập vào thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ mà chỉ tập trung xuất khẩu vào các nước châu Á”. Ông Trần Anh Tuấn giải thích thêm, do vắng bóng gạo cao cấp nên giá trị và sản lượng gạo Việt Nam đang giảm so với các nước.
Trước đây, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo thì nay bị tụt hạng một bậc. Từ trước đến nay gạo Việt Nam chủ yếu “lấy lòng” nhà nhập khẩu các nước chủ yếu bằng giá thấp. Tuy nhiên, thời gian tới ưu điểm này không còn là lợi thế, bởi tồn kho gạo của Thái Lan rất lớn. Song song đó, lợi thế về địa lý đang tạo điều kiện cho gạo Ấn Độ và Pakistan phát triển mạnh.
Như vậy, cho tới nay, gạo Việt Nam vẫn loay hoay nâng tầm chất lượng và xây dựng thương hiệu. Trong khi “là kẻ đi sau”, nhưng gạo Campuchia, Myanmar, Lào… lại đang “dậy sóng” trên thị trường các nước giàu như Mỹ, EU với sản phẩm gạo thơm có thương hiệu. Họ biết làm thương hiệu từ khâu chọn giống, vùng nguyên liệu cho đến trang thiết bị chế biến hiện đại tạo ra những sản phẩm ngon, sạch, giá cả hợp lý.
Trước sức ép về cạnh tranh, việc giải quyết bài toán thương hiệu gạo Việt đang ngày càng cấp bách hơn. GS Võ Tòng Xuân khẳng định: “30 năm xây dựng và phát triển ngành lúa gạo nhưng giờ mới làm thương hiệu là quá trễ, song trễ cũng phải làm cho bằng được”.