Cá chết trắng sông Bưởi: Nhận lỗi rồi nhưng đền bù ra sao?

Nguyễn Chung - Đình Giang 07/05/2016 19:11

Nguyên nhân khiến cá trên sông Bưởi (Thanh Hóa) chết hàng loạt đã được làm rõ là do Công ty CP mía đường Hòa Bình xả thải. Tuy nhiên, câu hỏi “liệu các hộ dân bị thiệt hại về cá nuôi lồng có được  đền bù” vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Cá chết trắng sông Bưởi: Nhận lỗi rồi nhưng đền bù ra sao?

Cá trên sông chết trắng, bốc mùi hôi tanh
do Công ty CP mía đường Hòa Bình xả thải.

Nguyên nhân khiến cá trên sông Bưởi (Thanh Hóa) chết hàng loạt đã được làm rõ là do Công ty CP mía đường Hòa Bình xả thải. Tuy nhiên, câu hỏi “liệu các hộ dân bị thiệt hại về cá nuôi lồng có được đền bù” vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa chiều ngày 7/5, cho biết: Cơ quan này đã làm việc với Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, Công ty CP mía đường Hòa Bình (đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) cùng các đơn vị liên quan (chiều ngày 5/5) để tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả tình trạng cá chết trên sông Bưởi (Thanh Hóa).

Tại buổi làm việc, đại diện phía Công ty CP mía đường Hòa Bình đã nhận lỗi khi xả nước thải ra thượng nguồn sông Bưởi. Đồng thời bao biện cho hành động trên là do nhà máy sản xuất mía đường đang trong quá trình chạy thử hệ thống xử lý nguồn nước, hệ thống chưa được hoàn thiện, dẫn tới việc đã xả thải nguồn nước chưa qua xử lý.

Sau buổi làm việc, phía Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề nghị Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, chính quyền địa phương, tăng cường giám sát và xử lý đối với Công ty CP mía đường Hòa Bình.

Như trước đó, báo Đại đoàn kết đã thông tin: Trong nhiều ngày qua, trên sông Bưởi đoạn chạy qua huyện Thạch Thành, cá tự nhiên và cá nuôi lồng bè của người dân bỗng nhiên chết hàng loạt, dòng sông bốc mùi hôi tanh hôi và đổi màu bất thường.

Tại xã Thạch Quảng, hiện tại có hàng chục hộ dân nuôi cá lồng, cá bè điêu đứng khi hàng chục tấn cá chết không còn một con.

Ông Nguyễn Đình Dương, xóm Cư, xã Thạch Quảng không giấu được sự đau xót: “Mất sạch rồi các chú ơi! Nhà tôi có 3 lồng cá với hơn 600 con trắm cỏ, tương đương với 1,3 tấn cá trị giá cả trăm triệu đồng đều chết sạch, mất sạch. Không biết rồi đây vợ chồng tôi phải sống như thế nào!?”.

Cá chết trắng sông Bưởi: Nhận lỗi rồi nhưng đền bù ra sao? - 1

Các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Bưởi rơi vào cảnh trắng tay.

Nhìn qua ô cửa nhỏ con thuyền mộc, ông Dương kể lại thời điểm hai vợ chồng chỉ còn biết ngồi nhìn từng lồng cá, con to con nhỏ thi nhau quẫy rồi chết: “Lúc người dân xã Thạch Lâm báo tin, vợ chồng tôi hớt ha hớt hải nghĩ đủ phương cách nhưng không còn cách nào. Cả tấn cá biết vớt sao cho kịp! Vớt lên bờ với nắng nóng thế này thì cá cũng chết. Tiếc quá, vợ chồng tôi cho anh trai mấy bì cá về muối mắm cho lợn, một ít thì chặt phơi nắng, số còn lại thì hôm qua xã và bên môi trường về kiểm kê tiêu huỷ. Chẳng biết cá chết muối mắm cho lợn ăn, lợn có chết không nữa!”.

Không chỉ hộ ông Dương, mà cả trăm hộ dân khác dọc đôi bờ sông Bưởi, mưu sinh bằng nghề nuôi cá lồng, cá bè cũng đang hết sức hoang mang, lo lắng trước tình trạng nguồn thu nhập là những lồng bè cá hàng trăm triệu không còn; là ô nhiễm muôi trường ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt…

Như vậy, nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi đã được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Thế nhưng, việc giải quyết, khấc phục hậu quả của việc xả thải này, cũng như hướng xử lý đối với đơn vị cố tình vi phạm, vẫn là dấu hỏi đau đáu chưa có lời đáp đối với người dân sinh sống ven sông Bưởi!?

Cũng trong sáng ngày 7/5, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo các sở TN-MT, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan ban ngành có liên đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo xử lý vụ việc.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Trinh - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: “Hiện tại, nguồn nước vẫn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, có màu nâu, sủi bọt trắng. Chính quyền đã có công văn yêu cầu các xã nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo và khuyến cáo kịp thời cho bà con nhân dân không nên ăn cá chết cũng như sử dụng nước để sinh hoạt và cho gia cầm gia súc uống”.

Nguyễn Chung - Đình Giang