Chuyện ở ngôi làng còn sót lại
“Cũng phải tính đến bán mảnh vườn này để chia cho con cháu thôi. Cứ nghĩ đến những cây thuốc quý cả trăm tuổi giờ phải chặt bỏ mà lòng tôi đau xót. Thế nhưng giờ làng lên phố rồi, mình giữ mãi sao được”- ông Thượng, người làng Đại Yên –ngôi làng làm thuốc nam nghìn năm tuổi còn sót lại ở Hà Nội nói trong nỗi buồn xót xa.
Những mảnh vườn cuối cùng còn sót lại ở làng Đại Yên.
Những “thầy thuốc” mát tay
Làng Đại Yên, thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Dù vẫn còn vài chục hộ vẫn sống bằng nghề bán lá thuốc và bốc thuốc, nhưng những mảnh vườn thuốc Nam ở Đại Yên chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay và đang có nguy cơ mai một từng ngày trong sự hoài tiếc của những người cao tuổi. |
Gọi là làng bởi người ta cứ quen miệng chứ thực ra Đại Yên lên phố lâu rồi. Làng nằm ngay cạnh phố Ngọc Hà, cách trung tâm thủ đô cũng chỉ có vài cây số. Thế nhưng, về đây, vẫn cổng làng rêu phong trầm mặc, vẫn những nếp nhà ngói đơn sơ lẫn trong nhà cao tầng bê tông sừng sững. Và, vẫn còn những khoảnh sân phơi đầy thuốc nam, thơm lừng.
Trước đây, ở làng Đại Yên gia đình nào cũng có một vườn cây lá thuốc. Cả làng là vựa thuốc cung cấp cho Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và thuốc nam từ làng được đưa đi khắp các chợ nội thành như Khâm Thiên, Cửa Nam, Đồng Xuân, Phố thuốc Bắc. Thế nhưng, giờ điểm lại, cả làng Đại Yên chắc cũng chỉ còn vài chục nhà theo nghề này thôi.
Vào tới đầu làng, hỏi thăm, chúng tôi được giới thiệu ngay những vị tiền bối mà những người trẻ trong làng vẫn cứ bảo đấy là “cụ khốt”. Gọi vậy, là bởi cả đời họ sống thanh bạch, không bon chen, giành giật, không bán đất xây nhà lầu, cứ cặm cụi với tiết nắng, tiết mưa, sống bằng những cây lá thuốc truyền hết từ đời này sang đời khác.
Ông Nguyễn Văn Cường và bà Nguyễn Thị Quế năm nay đều đã ngoài 80 tuổi thế nhưng ông bà vẫn còn nhanh nhẹn lắm. 3 rưỡi chiều, tranh thủ nắng bớt gắt, bà bảo ra hái bòn ít lá thuốc nam để chiều cô con gái kịp gánh ra đầu làng bán. Lâu nay, hoa lợi từ mảnh vườn này bà bảo cũng tạm đủ sống.
Làng này lâu nay đã thành lệ, con dâu về làng cũng theo nghề mà con gái lấy chồng tận đâu cũng không bỏ. Nghề không giàu nhưng cũng chẳng đói đâu. Bà Quế bỏm bẻm kể.
Thì ra, cô con gái bà lấy chồng mấy chục năm nay vẫn về làng theo nghề truyền thống. Giờ làng lên phố, đa phần người trong làng cắt bán đất để xây nhà, những vườn thuốc cũng mai một dần. Để có gánh hàng cho người từ các chợ về làng lấy, mỗi ngày, chị Hợp con gái bà phải đi đến vài chục cây số kiếm lá thuốc nam. Những lá tre, cúc tần, cối xay…vẫn còn sót lại ở những khu đất bỏ hoang người ta chưa xây dựng, hay những bờ sông, thửa ruộng ngoại thành. Cứ tần tảo, chịu khó mỗi ngày cũng được vài chục bó.
Hỏi về tác dụng của những lá thuốc này, bà Quế nhanh nhảu bảo, chữa được nhiều bệnh lắm, ngày xưa lấy đâu thuốc kháng sinh, thế nên cứ ho, sốt, cảm cúm, đái dắt hay bà đẻ tắc sữa…phải dùng lá hết. Người Đại Yên không chữa bệnh theo cách bắt mạch và kê đơn như thường thấy ở các nhà thuốc y học cổ truyền, những “lương y” ở đây chủ yếu nghe khách hàng kể các triệu chứng, hỏi các biểu hiện của bệnh và dựa vào kinh nghiệm sẵn để bốc thuốc. “Được cái chúng tôi ai cũng mát tay, cứ bốc thuốc là khỏi bệnh, chả phải dùng viên kháng sinh nào cả” – bà Quế bảo vậy.
Hỏi bà, làng Đại Yên còn nhiều người có vườn thuốc nam không. Bà Quế bảo, cũng chả còn mấy người, chủ yếu là người già như ông Sảo, cụ Trinh, cụ Thượng…còn đa phần người ta đi mua thuốc các nơi về bán. Làng lên phố, tấc đất tấc vàng, làm gì có mấy người bỏ cả mảnh vườn mấy trăm mét, trị giá tiền tỷ để thu về mỗi ngày vài chục ngàn hả cô?
Mảnh vườn thuốc rồi cũng phải cắt ra mà bán
Thực ra, cũng khó trách người làng Đại Yên. Đất thành phố cả trăm triệu một mét, mấy ai dại gì mà bỏ tiền tỷ để thu về trăm ngàn mỗi ngày. Thế nhưng, cách phố Đội Cấn có vài chục mét, thật không thể tin được vẫn còn sót lại một ngôi nhà vườn rộng đến cả nghìn mét vuông với vườn thuốc nam xanh mướt mắt. Chủ nhân của nó chính là ông Thượng. Người làng vẫn bảo ông gàn dở, bán quách đi một nửa chia cho các con cháu xây nhà cửa hay đầu tư buôn bán gì đó, cứ ôm khư khư để mỗi tháng thu nhập còm cõi đủ tiền hai bữa cơm rau.
Kệ, người ta nói gì thì nói, bao năm nay ông Thượng vẫn gìn giữ khu vườn này như giữ bảo bối vậy. Chả thế, có nhiều loại thuốc đặc biệt ngoài chợ không có người ta vẫn thường tìm đến vườn nhà ông. Chỉ cây cổ thụ tỏa bóng mát cả một góc vườn ông bảo, đấy là cây đơn tướng quân - một loại kháng sinh rất tốc của thuốc nam. “Ngày trước, loại này được dùng phổ biến lắm, thế nhưng bây giờ tân dược nhiều, chữa bệnh nhanh nên người ta ít mua. Giờ một năm tôi cho thu hái 3, 4 lần, mỗi lần được 500 ngàn”.
Tôi có cảm giác sự náo nhiệt của phố xá không thể khuấy động sự yên tĩnh nơi đây, không thể làm thay đổi được những người như ông Thượng. Thế nhưng, bất chợt giọng ông chợt trùng xuống, bên kia vừa có một mảnh vườn được bán đi để xây nhà cao tầng. Cuộc sống giờ đổi thay rồi, tôi cũng đang tính có lẽ phải bán mảnh vườn này chia cho con cháu. Thú thật, nhìn những cây thuốc gắn bó với mình cả đời giờ phải bỏ đi, lòng tôi như có ai xát muối. Thế nhưng, âu cũng là sự chuyển đổi tất yếu của cuộc sống, giờ làng lên phố rồi, mình muốn cũng giữ làm sao được. Khó khăn mình chịu được chứ nhìn con cháu thiếu thốn, cầm lòng sao đặng”.
Tâm sự của ông Thượng có lẽ cũng là nỗi niềm chung của nhiều hộ dân đang còn lưu giữ lại nghề truyền thống ngàn năm tuổi ở làng Đại Yên. Nhà nào có cố gắng lắm họ cũng chỉ giữ lại vài chục mét vuông để trồng cây lá như giữ lại một phần hồn cốt của làng…”Rồi đây Đại Yên chẳng có lấy một thước đất để trồng thuốc. Nghề truyền thống ông cha sẽ mai một thôi. Thế hệ chúng tôi đã chả giữ được thì trông gì đến thế hệ sau”.