Cửa nào cho hàng nội?
Cuối cùng thì câu hỏi hệ thống siêu thị Big C thuộc về tay ai cũng đã ngã ngũ. Chủ nhân mới của Big C không ai khác lại chính là một đại gia đến từ Thái Lan - Tập đoàn Central Group. Kết quả này không quá bất ngờ khi thời gian gần đây, dư luận chứng kiến các nhà bán lẻ Thái ồ ạt “lấn sân” mạnh mẽ vào ngành bán lẻ của Việt Nam. Tuy nhiên, một câu hỏi được quan tâm hiện nay, đó là: khi hàng ngoại xâm nhập thị trường bán lẻ Việt thì hàng nội sẽ cạnh tranh ra sao?
Hàng Thái Lan hiện đang tràn ngập các siêu thị, cửa hàng và cả các hội chợ triển lãm. Ảnh: TL.
“Để có thể đứng vững trên thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, điều quan trọng là các DN Việt Nam phải luôn nỗ lực, cố gắng tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng từ đó cung ứng các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài. Đó là yếu tố quan trọng để hàng hóa trong nước có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc công ty TNHH Bao bì Nam Khánh. |
50% thị phần bán lẻ về tay người Thái
Ngoài Big C, Central Group cũng đang nắm giữ 49% cổ phần của Nguyễn Kim, một trong những chuỗi siêu thị điện máy khá nổi danh trong làng bán lẻ Việt Nam. Điều đáng nói, trong ngành bán lẻ hiện nay, cả hai hệ thống bán lẻ lớn là Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam đều rơi vào tay các đại gia của Thái Lan. Sau thương vụ Big C, hiện người Thái Lan đang nắm giữ trong tay đến 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam. Điều này, theo nhận định của giới chuyên gia, thực sự đáng lo ngại đối với các DN thuộc ngành bán lẻ của nước nhà.
Trước đó, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo của Siêu thị Saigon Co.op đã cho hay, Saigon Co.op cũng đang trong giai đoạn chạy đua để có thể kéo Big C về tay mình. Thế nhưng, rốt cuộc, DN này cũng phải chịu thất bại trước sự xâm lấn mạnh mẽ của các nhà đầu tư Thái Lan.
Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, việc nắm giữ tới 50% thị phần của thị trường bán lẻ tại Việt Nam, cùng với việc người Thái Lan luôn cung ứng được những sản phẩm hàng hóa chất lượng, coi như họ đã nắm thể chủ động tại sân chơi của ngành bán lẻ nước ta. Và khả năng, các DN bán lẻ Việt Nam sẽ không thể giữ được sân nhà. Tuy nhiên, một điều cũng rất đáng quan tâm trong dư luận hiện nay là, khi các siêu thị rơi vào tay người Thái, liệu người tiêu dùng Việt Nam có được hưởng lợi hay không? Một điều dễ dàng nhận thấy, chắc chắn rồi đây, trong hệ thống chuỗi siêu thị Big C với 32 siêu thị trên khắp cả nước, sẽ tràn ngập các sản phẩm, hàng hóa “made in Thái Lan”. Điều này là khó tránh. Trước khi tập đoàn của Thái Lan thâu tóm chuỗi siêu thị bán lẻ này, hàng hóa “made in Thai Lan” đã xâm nhập ồ ạt, đánh trúng thị hiếu, tâm lý tiêu dùng Việt Nam.
Hàng Thái Lan đánh trúng thị hiếu tiêu dùng Việt Nam.
Hàng nội vẫn còn cửa nếu…
Chị Nguyễn Hoàng Diễm, một người dân ở phố Nguyên Hồng (Hà Nội) chia sẻ: Đối với người tiêu dùng, vấn đề quan trọng nhất là hàng hóa có đạt chất lượng tốt hay không. Bởi vậy, trước thông tin Big C rơi vào tay chủ đầu tư Thái Lan, chị Diễm lại không tỏ ra lo lắng, bởi theo chị, lâu nay, các sản phẩm, hàng tiêu dùng của Thái Lan luôn được chị ưu tiên lựa chọn vì đạt chất lượng, mẫu mã, kể cả giá cả cũng không quá cao. “Sản phẩm của siêu thị nào tốt, giá cả hợp lý thì chúng tôi sẽ lựa chọn” – chị Nguyễn Hoàng Diễm cho hay.
Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi về việc: Liệu rồi đây Metro hay Big C sẽ chỉ bày bán hàng hóa của Thái Lan và các sản phẩm “made in Việt Nam” sẽ khó có cửa vào các siêu thị này? TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã nêu quan điểm rằng, không phải khi chủ đầu tư là người nước nào thì hàng hóa ở chuỗi siêu thị đó là hàng sản xuất từ nước đó. Điều quan trọng là họ cung ứng các sản phẩm, hàng hóa chất lượng tốt để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đối với bất kỳ một DN bán lẻ nào, mối quan tâm hàng đầu của họ là người tiêu dùng. Cho nên, nếu hàng hóa của DN nào tốt, họ sẽ phân phối hàng của DN đó, chứ không phải ưu tiên cho hàng hóa của DN nước bản địa.
Cũng theo TS. Loan, các DN Việt không nên quá lo lắng về việc nếu một hệ thống bán lẻ hay siêu thị nào rơi vào tay người Thái hay bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào, thì siêu thị đó chỉ bán hàng Thái hoặc hàng hóa của nước bản địa. Điều quan trọng là các DN phải cung ứng được những sản phẩm giá cạnh tranh và chất lượng cao. “Nếu các DN Việt sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thì không lo rằng hàng của mình sẽ không vào được các siêu thị đã về tay người Thái” – TS. Loan khẳng định.
Nói về thương vụ Big C, ông Jacques Fourvel - Cố vấn Chủ tịch Tập đoàn Casino cho rằng, trong quy luật kinh doanh trên thị trường, một siêu thị hay một thương hiệu lớn nào đó được mua đi, bán lại, chuyển từ tay ông chủ này sang ông chủ khác là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, ông Jacques Fourvel cũng dành cho các DN Việt lời khuyên rằng, các DN cần phải nỗ lực vươn lên để cung ứng các sản phẩm hàng hóa dịch vụ tốt nhất với giá cả hợp lý để có thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài khi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày một sâu rộng.
“Chỉ tính riêng việc nắm giữ Metro và Big C, người Thái Lan đang nắm trong tay 52/88 điểm bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, chưa kể hệ thống các cửa hàng tiện lợi. Về cơ cấu hàng hóa, hiện 75% hàng điện máy gia dụng tại Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan, 47% hàng rau quả “made in Thái Lan”. Những con số đó cho thấy, hàng Thái đang ngày một “lấn sân” thị trường trong nước” – ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội.