'Lò' luyện thi cấp tốc hạ nhiệt
Cách đây vài năm, khi nắng nóng bắt đầu cũng là lúc các lò luyện thi ĐH, luyện thi chuyển cấp trở nên nóng hầm hập vì sự gia tăng chóng mặt số lượng học sinh đến đăng ký học. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây ở các trung tâm bồi dưỡng văn hoá đã không còn cảnh chen chúc thầy đọc, trò chép, từng giọt mồ hôi đua nhau rơi… do không có sự tăng đột biến về số lượng học sinh so với các thời điểm khác trong năm học.
Ảnh minh họa.
Chiều 4/5, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hoá Phương Thảo nằm trên đường Lê Ngọc Hân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Theo đại diện trung tâm, các lớp học củng cố kiến thức của các khối lớp với học phí khoảng 100.000 đồng/ca 1 tiếng rưỡi. Nếu muốn học một thầy kèm một trò thì học phí khoảng 300.000 đồng/ca.
Thời điểm này, số lượng học sinh lớp 12 hoặc thí sinh tự do đến đăng ký học số các em đều có kế hoạch ôn tập ngay từ đầu năm học. Học thêm là để củng cố và nâng cao kiến thức chứ không nhằm mục đích luyện thi cho trúng tủ, trúng đề nên dù ngày thi đã cận kề nhưng không có chuyện các lớp luyện thi chật ních sĩ tử, không khí luyện thi nóng lên từng ngày…
Đây cũng là thực tế diễn ra ở nhiều trung tâm bồi dưỡng văn hoá khác – nơi cách đây vài năm báo chí vẫn gọi với cái tên “lò” luyện thi ĐH do mức độ “hút” sĩ tử mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhiều người cho rằng cảnh “ế ẩm” chợ chiều của các “lò” luyện bắt nguồn từ xu hướng học qua mạng vài năm trở lại đây đã trở nên phổ biến với học phí đa dạng, thuận lợi cho việc sắp xếp thời gian học mọi lúc, mọi nơi của học sinh, có thể chủ động lựa chọn giáo viên nổi tiếng với phương pháp phù hợp để theo học…
Vai trò của nhà trường trong việc tổ chức các lớp ôn tập cuối kỳ, cuối năm tốt hơn với việc lựa chọn các giáo viên có kinh nghiệm, có năng lực để giảng dạy thông qua ý kiến phản hồi của học sinh thay vì cứ mở lớp tràn lan “bắt” học sinh đi học không hiệu quả.
Bên cạnh những lý do này, việc “lò” luyện thi hạ nhiệt có lẽ còn có nguyên nhân từ việc cải cách thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH. Đặc biệt cách ra đề thi không đánh đố học sinh và gắn với đời sống thực tiễn mà Bộ GD&ĐT đã làm thời gian qua đã cho thấy hiệu quả nhất định. Học sinh muốn được điểm cao không chỉ cứ chăm chăm ôm sách học thuộc lòng mà còn phải quan tâm đến cuộc sống xung quanh, các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế.
Không chỉ những môn thuộc nhóm ngành khoa học xã hội mà cả những ngành khoa học tự nhiên, cách ra đề thi, đề kiểm tra của nhiều giáo viên cũng khiến học sinh hứng thú. Tất nhiên, như cảnh báo của nhiều chuyên gia, không phải vấn đề thời sự nào cũng nên đưa vào đề thi mà cần cân nhắc, chọn lọc và cần có sự thẩm định của những người có chuyên môn để tránh những lỗi đáng tiếc như một số đề thi vừa qua báo chí đã nêu.
Có học thì có ôn tập là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, nếu chỉ học để thi thì khắc sẽ có kiểu học tủ, học lệch, học đối phó với kỳ thi rồi sau đó “chữ thầy lại trả thầy”. Với đề thi bám sát chương trình, không đánh đố học sinh và chú trọng vào kiểm tra năng lực, tư duy của thí sinh, nhất là việc ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống thì rõ ràng cách luyện thi như trước đây hoàn toàn không cần thiết, không hiệu quả.
Việc ôn tập, học thêm đã dần trở lại đúng tinh thần đích thực của nó là củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng và nâng cao với những học sinh có khả năng và nhu cầu thay vì một ngành “công nghiệp” tác động đến từng gia đình có con em đi học trên khắp cả nước.