Cần chính sách cụ thể để giữ chân người trẻ ở quê hương
Xâm nhập mặn, hạn hán khiến nhiều lao động trẻ Sóc Trăng có xu hướng di cư đến những vùng đất mới. Để người trẻ "ly nông bất ly hương" cần một giải pháp tổng thể. ĐBQH Trần Khắc Tâm chia sẻ với Đại Đoàn Kết về những trăn trở của ông giúp người trẻ gắn bó với Sóc Trăng.
ĐBQH Trần Khắc Tâm.
PV: Nhiều lãnh đạo tỉnh, chuyên gia cho rằng việc lao động trẻ nông thôn ĐBSCL trong đó có quê hương Sóc Trăng của ông phải rời quê đi các nơi như: TP HCM, Bình Dương... lao động kiếm sống và ngày càng nhiều là do thiếu các nhà máy xí nghiệp để làm việc, thiếu các điền tiếp cận văn hóa, ông chia sẽ ý kiến này thế nào?
- Tôi nghĩ rằng cần bình tĩnh đánh giá, phân tích hiện tượng này, thậm chí cần điều tra xã hội học để có những thống kê, lý giải khách quan, đúng bản chất sự việc, từ đó mới đưa ra giải pháp đúng đắn.
Theo tôi, hiện tượng lao động trẻ khu vực miền Tây Nam Bộ, trong đó có Sóc Trăng, bỏ quê để lên khu vực động lực kinh tế miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP HCM và các tỉnh lân cận để tìm kiếm việc làm, kiếm sống trước hết là chuyện di cư lao động một cách tự nhiên.
Các khu vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ lớn, có hạ tầng đô thị phát triển luôn thu hút lao động từ nông thôn ra, thậm chí là có dòng lao động di cư từ phía Bắc vào các khu kinh tế động lực này. Đây là đặc điểm chung trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của bất cứ quốc gia nào, hiện nay Việt Nam chúng ta đang trong quá trình này.
Từ cuộc sống bấp bênh của người lao động ở nông thôn, thu nhập thấp, đến làm việc trong nhà máy, công xưởng, dịch vụ ở khu vực có thu nhập cao hơn, điều kiện sinh hoạt tốt hơn, luôn là ước mơ của mọi người lao động trẻ.
Tuy nhiên, gần đây như báo chí phản ánh thì chúng ta thấy dường như đang có điều gì đó bất thường khiến dòng di cư này trở nên ồ ạt hơn, khiến không ít vùng nông thôn vắng bóng thanh niên, chỉ còn lại người già và trẻ con, thiếu sức lao động sản xuất.
Tôi nghĩ đây là điều các cấp chính quyền cần phải tìm hiểu ngay. Chắc rằng, bất cứ một người nào sinh ra, lớn lên cũng đều muốn gắn bó với quê hương của mình, muốn có điều kiện làm việc tốt, sinh hoạt tốt ngay tại quê hương, việc phải rời quê hương đi nơi khác mưu sinh là việc chẳng đặng đừng.
Chính vì vậy, chúng ta nghe nhiều đến câu khẩu hiệu như là một mục tiêu mà chúng ta muốn hướng tới, đó là “ly nông bất ly hương”, tức là không phải làm nông nghiệp cực khổ như lâu nay nữa nhưng có công việc tốt ở quê nhà.
Mấy tháng nay, tình trạng xâm nhập mặn xảy ra gay gắt ở miền Tây Nam Bộ, trong đó Sóc Trăng phải hứng chịu hậu quả rất khốc liệt. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều thanh niên phải rời quê đến vùng khác để kiếm sống.
Lý do mà nhà báo nêu ra trong câu hỏi là đúng, nhưng để giải quyết, chẳng hạn như để hình thành một cụm công nghiệp, khu công nghiệp thu hút số lượng lớn lực lượng lao động vào làm việc thì không phải là chuyện có thể làm được trong một, hai ngày mà nó liên quan đến cả chính sách vĩ mô cũng như chính sách cụ thể của từng địa phương.
Có ý kiến cũng cho rằng sở dĩ thiếu nhà máy, công xưởng để công nhân làm việc là do chủ trương thu hút đầu tư của các tỉnh ở ĐBSCL thời gian qua chưa hấp dẫn, DN thiếu niềm tin, thiếu sự hỗ trợ của nhà nuớc trung ương và địa phương?
- Đúng như vậy. Việc thiếu những khu công nghiệp, công xưởng lớn, hoạt động hiệu quả ở khu vực này trước hết là bởi các điều kiện cho hoạt động công nghiệp, dịch vụ khu vực này kém tính cạnh tranh so với khu vực miền Đông Nam Bộ.
Chúng ta còn thiếu nhiều điều kiện để thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển: Quy hoạch còn bất cập, thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực, các cơ sở đào tạo cung cấp nguồn lao động còn ít và chất lượng thấp, chính sách tài chính tín dụng chưa thúc đẩy được sản xuất, thủ tục hành chính còn phiền hà, đội ngũ doanh nghiệp non yếu, hạ tầng giao thông phát triển chậm, chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thấp, đầu ra khó khăn…
Với tư cách là một DN sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL ông suy nghĩ trăn trở như thế nào khi một bộ phận các bạn trẻ phải rời bỏ quê hương đi kiếm sống? Vì sao ông cũng như cộng đồng DN nói chung và Sóc Trăng nói riêng chưa mạnh dạn đầu tư làm ăn?
- Như trên tôi đã nói, chắc là mọi người sinh ra đều muốn gắn bó, có điều kiện làm việc, thu nhập tốt ngay trên quê hương của mình. Tôi chia sẻ với những khó khăn, trăn trở của người lao động trẻ phải rời bỏ quê hương đến vùng đất khác để mưu sinh.
Là một đại biểu Quốc hội, tôi cũng từng nhiều lần phát biểu, chất vấn về những vấn đề cụ thể của tỉnh nhà, như việc tìm đầu ra cho sản phẩm hành tím, lúa gạo; chính sách tín dụng đối với người nuôi trồng, chế biến thủy sản; vấn đề cải cách thủ tục hành chính…
Cho đến nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, chưa mở rộng đầu tư, sản xuất được như mong muốn cũng có nhiều nguyên nhân như tôi đã nêu. Khó khăn về vốn, về đầu ra cho sản phẩm, đồng thời với khả năng quản trị doanh nghiệp còn thấp khiến không ít các doanh nghiệp vẫn phải xoay sở qua ngày chứ chưa nói đến đầu tư mới hay mở rộng sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đã phát đi thông điệp sẵn sàng mời gọi DN về Sóc Trăng đầu tư nhà máy để níu chân lao động ở lại với tỉnh hạn chế các tệ nạn và hệ lụy phát sinh. Ông chia sẻ thông điệp này thế nào? có dự định gì hay cùng cộng đồng DN tham gia gì với địa phương? Liệu thời điểm này có thuận lợi? Ông đề xuất gì không?
- Tôi ủng quan điểm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhưng, doanh nghiệp thì họ khó có thể đến với chúng ta và ở lại nếu chỉ nghe lời kêu gọi, mà họ muốn nhìn thấy chính sách cụ thể, hành động cụ thể của lãnh đạo tỉnh và cả bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh.
Muốn vậy, lãnh đạo phải đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng nhau ngồi bàn để tháo gỡ từng khó khăn, nút thắt một. Ví dụ, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vay vốn, như vậy thì lãnh đạo cần tìm hiểu xem chính sách tín dụng còn bất cập những gì, cần phải phối hợp với ngân hàng như thế nào để tháo gỡ.
Hoặc là tới đây, khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản thế mạnh là khá lớn, nhưng thị trường này đòi hỏi chất lượng cao, vậy thì cần có kế hoạch quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu cụ thể, vận động và hướng dẫn bà con nông dân sản xuất, nuôi trồng theo đúng các tiêu chuẩn thế giới thì chúng ta mới có cơ hội bán hàng.
Cuối cùng, tôi thấy rằng tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu từ đầu năm đến nay cho chúng ta thấy một điều, đó là dường như biến đổi khí hậu đang tác động nhanh hơn chúng ta tưởng, khiến các kịch bản ứng phó được xây dựng trước đây trở nên lạc hậu, trong đó có những kịch bản, kế hoạch chúng ta chưa kịp thực hiện.
Trước tình hình như vậy, tôi kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo quy hoạch lại toàn bộ vùng sản xuất ĐBSCL, buộc các địa phương trong khu vực phải ngồi lại với nhau để đánh giá tình hình, phân vùng sản xuất cho phù hợp. Đồng thời với quy hoạch là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực phải thực sự tạo được chuyển biến tích cực. Có như vậy thì chúng ta mới hy vọng quá trình chuyển dịch kinh tế và níu chân người lao động tại quê hương.