36 tỉnh hưởng lợi trực tiếp từ Dự án An ninh y tế Tiểu vùng sông Mê Công
Trọng tâm của Dự án An ninh y tế Tiểu vùng sông Mê Công là hỗ trợ công tác y tế dự phòng - lĩnh vực còn gặp rất nhiều khó khăn do eo hẹp về kinh phí, để “tiến tới hợp nhất y tế dự phòng và điều trị tại các trung tâm y tế”.
Quang cảnh hội nghị xây dựng Dự án An ninh y tế Tiểu vùng sông Mê Công.
Tại hội nghị xây dựng Dự án An ninh y tế Tiểu vùng sông Mê Công do Bộ Y tế tổ chức ngày 9/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng bộ này cho biết: Với dự án được xây dựng mới này, theo quyết định phê duyệt danh mục dự án của Thủ tướng Chính phủ, 80 triệu đô la vay của ADB và 4 triệu đô la vốn đối ứng từ ngân sách trung ương (3 triệu) và địa phương (1 triệu) sẽ được đầu tư cho 36 địa phương các tỉnh: An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bình Phước, Cao Bằng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hoà Bình, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hoá, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc và Yên Bái.
Các quận, huyện được lựa chọn tham gia dự án phải thoả mãn các tiêu chí: Chưa được đầu tư từ các dự án, chương trình nào khác, là huyện nghèo, huyện biên giới, huyện miền núi, hải đảo, huyện thuộc hành lang Tiểu vùng Sông Mê Công...
Trọng tâm của dự án sẽ hỗ trợ công tác y tế dự phòng - lĩnh vực còn gặp rất nhiều khó khăn do eo hẹp về kinh phí, để “tiến tới hợp nhất y tế dự phòng và điều trị tại các trung tâm y tế”, theo như Thứ trưởng Long cho biết.
Với việc xây dựng, triểu khai dự án này, trong tương lai gần, chúng ta ngày càng bảo đảm an ninh sức khoẻ cho Việt Nam và các nước trong khu vực Tiều vùng sông Mê Công thông qua việc tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa khả năng xâm nhập của các dịch bệnh mới nổi...