Xuất siêu nhưng chưa hết lo
Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,46 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên theo nhìn nhận của giới chuyên gia không nên vội mừng vì con số này.
Ảnh minh họa.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong 4 tháng đầu năm nền kinh tế xuất siêu 1,46 tỉ USD. Trước đó, số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan có dẫn một con số đáng chú ý nhất, mức xuất siêu trong cả quý I của toàn nền kinh tế là 1,3 tỉ USD. Cả hai số liệu từ cơ quan quản lý đều cho thấy, nền kinh tế tiếp tục xuất siêu.
Cụ thể xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 52,9 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng chỉ hơn 6% như trên là mức thấp trong vòng 3 năm trở lại đây.
Ở bàn cân nhập khẩu, 4 tháng đầu năm nhập khẩu 51,4 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm diễn ra ở cả khu vực FDI (giảm 1,4%) và khu vực trong nước (giảm 0,8%)
Sự đi xuống của nhập khẩu trong khi xuất khẩu vẫn giữ được mức ổn định đã khiến cho con số nhập siêu tăng. Nhìn qua, xuất siêu là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế, bởi giúp Việt Nam đưa về thêm được một lượng ngoại tệ. Nhưng nhìn vào cơ cấu làm nên thành tích xuất siêu mở ra một câu chuyện đáng lo khác.
Trong khi doanh nghiệp trong nước đang có dấu hiệu chững lại về xuất khẩu thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI vẫn xuất khẩu đều đặn. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,8 tỷ USD, tăng 7,3%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo là linh kiện máy tính, điện thoại, điện tử, dệt may… là thế mạnh của doanh nghiệp ngoại. Điều này cho thấy, khối doanh nghiệp FDI vẫn đang xuất khẩu hộ cho nền kinh tế.
Còn về mặt nhập khẩu, doanh nghiệp FDI nhập khẩu giảm mạnh đã kéo chung cả cán cân nhập khẩu giảm mạnh. Điều này ngầm hiểu rằng, trong vai trò nhập khẩu hàng hóa về để xuất khẩu, doanh nghiệp FDI giữ vai trò lớn.
Lật lại thành tích xuất siêu của nền kinh tế cho thấy, khối DN FDI ngày càng lớn mạnh và giành tỷ lệ lớn. Năm 2000, cơ cấu xuất khẩu của khối này là 47,02%, năm 2012 là 63,7% và đến thời điểm hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ tương đương. Ngược lại đó là sự teo tóp của khối DN nội địa. Xét trên bình diện đóng góp cho nền kinh tế, DN FDI đang mang lại thành tích xuất siêu cho nước nhà.
Chuyên gia kinh tế, TS.Lưu Bích Hồ cho rằng, chúng ta xuất siêu hay nhập siêu hoàn toàn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp này. Mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào FDI hiện đang quá lớn.
Vẫn theo ông Lưu Bích Hồ, kim ngạch nhập khẩu giảm cho thấy doanh nghiệp nội chưa tận dụng được nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại đã được ký kết. “Dù xuất siêu nhưng bản thân tôi thấy có nhiều điều đáng bàn” - TS. Lưu Bích Hồ bình luận.