Muốn đất nước mạnh, phải chọn người tài đức
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân từng nói, bầu cử là chọn những người có tài lãnh đạo đất nước mình. Nếu chúng ta yêu nước thì phải làm cho đất nước mạnh. Muốn đất nước mạnh phải chọn người có tài, có đức.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra công tác bầu cử tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Long.
Ngày 22/5 tới, cử tri cả nước sẽ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, những người Việt Nam yêu nước, yêu Bác Hồ lại nhớ tới bản “chiếu cầu hiền” với mong mỏi tìm người tài đức của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Ngay từ ngày Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân ta, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Mặt trận Việt Minh- tiền thân của MTTQ Việt Nam - đã ý thức được quyền làm chủ và trách nhiệm của mình, coi ngày bầu cử thực sự là ngày hội của những công dân khi đã được làm chủ đất nước. Từ đó đến nay, Hiến pháp hiến định, nhân dân tín nhiệm trao cho Mặt trận vai trò và trách nhiệm trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đó là quyền đứng ra tổ chức hiệp thương dân chủ và bình đẳng để tạo sự nhất trí đưa vào danh sách ứng cử những đại biểu thật sự tiêu biểu để nhân dân bầu chọn đúng người. Bởi vậy, trách nhiệm hiệp thương của Mặt trận còn quan trọng ở chỗ, không bỏ sót người tài đức để hiệp thương đưa vào danh sách giới thiệu chính thức.
Việt Nam không thiếu người tài, đức. Việt Nam không chỉ tự hào là một đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà còn là một đất nước có một nguồn tài nguyên không cạn kiệt chính là gần 100 triệu dân với khả năng sáng tạo. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể phát huy tối đa nguồn lực này, chọn người thực sự tài đức vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn hội nhập hiện nay? Đó cũng là nỗi trăn trở bấy lâu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Cho đến thời điểm này, sau 3 bước hiệp thương dân chủ của Mặt trận, trên cơ sở danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh giới thiệu gửi đến, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã lập và công bố danh sách 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó có 197 người ứng cử do Trung ương giới thiệu, còn lại 673 người do địa phương giới thiệu (trong đó có 11 người tự ứng cử).
Về cơ cấu người ứng cử đại biểu Quốc hội kết hợp chung của cả nước có 339 người ứng cử là phụ nữ (chiếm 38,97% tổng số người ứng cử); có 204 người ứng cử là người dân tộc thiểu số (chiếm 23,45%); có 97 người ứng cử là người ngoài Đảng (chiếm 11,15%); có 168 người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIII (chiếm 19,31%); có 268 người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi, chiếm tỷ lệ 30,8%).
Như vậy, 870 ứng cử viên để bầu 500 người vào Quốc hội, số dư gần 400 người, do đó khâu lựa chọn rất quan trọng. Bởi vậy, công việc quan trọng lúc này là tổ chức tiếp xúc cử tri để thực hiện vận động tranh cử và trên cơ sở đó cử tri sẽ tiến hành bầu cử.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nhân dân mỗi xã, phường nơi ứng cử viên ứng cử phải có thông tin đầy đủ để họ có thể lựa chọn. Đây là nguyên tắc nhưng làm không dễ vì không ứng cử viên nào có thể gặp được tất cả cử tri phường, xã nơi người đó ứng cử. Do đó, ở cấp huyện phải đảm bảo có đầy đủ đại biểu cử tri ở tất cả các xã tham dự. Người nào mong muốn họ có quyền đến dự ít nhất là lực lượng nòng cốt trong hệ thống chính trị như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, Mặt trận... Sau khi dự hội nghị tiếp xúc, lực lượng nòng cốt này có trách nhiệm về trao đổi lại với nhân dân ở xã mình về thông tin mình tiếp nhận được từ người ứng cử.
Việc đảm bảo bình đẳng cho ứng cử viên trong tiếp xúc cử tri cũng quan trọng như việc ứng cử viên được trình bày chương trình hành động của mình trên các phương tiện truyền thông cũng như trên trang web của Hội đồng bầu cử Quốc gia.
“Như vậy 3 bước hiệp thương là rất quan trọng nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ điều kiện để khẳng định chất lượng ứng cử viên mà ứng cử viên còn phải gặp cử tri, lắng nghe và nói cho họ hiểu mới giúp cử tri có thêm thông tin để đặt niềm tin vào lá phiếu của mình” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt không chỉ mang tầm của một sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của đất nước, mà cùng với thành công rực rỡ từ Đại hội XII của Đảng, ngày bầu cử 22-5 tới chính là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong đó có có các tầng lớp tôn giáo, dân tộc, và đặc biệt là lớp người trẻ.
“Yêu nước là phải làm mọi việc có thể để cống hiến cho đất nước, trong đó có bầu cử, qua đó sáng suốt lựa chọn người đại diện cho mình” - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đã từng chia sẻ chân tình với các bạn trẻ dự chương trình đối thoại “Công dân tuổi 18 với bầu cử QH” do Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bầu cử là chọn những người có tài lãnh đạo đất nước mình. Nếu chúng ta yêu nước thì phải làm cho đất nước mạnh. Muốn đất nước mạnh phải chọn người có tài, có đức.
Hiện nay, các ứng cử viên bắt đầu thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri để trình bày chương trình hành động của mình. Theo người đứng đầu Mặt trận, đây là vấn đề quan trọng vừa đảm bảo tiếp xúc khách quan nhưng không gây ra cảm nhận lệch lạc cho nhân dân rằng thiên vị người ứng cử này bằng lợi ích chứ không phải là cuộc trao đổi bằng năng lực từ tâm huyết của chính người ứng cử. “Cho nên, trong tất cả những cuộc tiếp xúc cử tri sự công bằng và công khai phải đặt lên hàng đầu”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Với trách nhiệm của mình, ngay từ đầu năm 2016, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành kế hoạch về việc triển khai giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Giám sát được chia thành 3 đợt. Đợt 1 từ 20/3 đến 11/4/2016. Giám sát đợt 2 từ 12 đến 26/4/2016. Giám sát đợt 3 từ 28/4 đến 22/5/2016. Bên cạnh đó Mặt trận cùng phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát theo chương trình của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Giám sát của Mặt trận là công việc thường kỳ tuy nhiên giám sát chuyên đề là một hình thức giám sát hết sức quan trọng trong từng giai đoạn. Từ cuối năm 2015 đến nay, giám sát chuyên đề về bầu cử là nhiệm vụ hàng đầu của MTTQ Việt Nam. Trong những chuyến đi ấy, tinh thần nói thẳng, nói thật, nói chân tình được đặt lên hàng đầu. Vì chỉ khi chân tình với nhau người ta mới có thể dành cho nhau niềm tin và sự kỳ vọng.