Nhiều quốc gia lên kế hoạch phản ứng với Panama Papers 2.0
Dù đã được khẳng định rằng những cá nhân và tổ chức có tên trong danh sách đợt công bố dữ liệu Panama Papers mới đây chưa hẳn đã có hoạt động phi pháp, nhưng dữ liệu mở mà Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) đưa ra vẫn tạo nên một cơn chấn động khủng khiếp với thế giới.
Ảnh minh họa.
Đợt công bố dữ liệu mở bao gồm tên của hàng nghìn công ty vỏ bọc nước ngoài cùng dữ liệu tài chính của giới siêu giàu và quyền lực thế giới đã làm dấy lên nhiều lời kêu gọi chống tham nhũng và trốn thuế trên toàn cầu.
Chính phủ nhật Bản hôm 11/5 nói rằng, Tokyo đã lên kế hoạch nhằm đề xuất một phương án hành động chống lại các hành vi gian lận tài chính đệ trình lên Hội nghị thượng đỉnh G7 - gồm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới - dự kiến tổ chức vào cuối tháng này tại Ise, Nhật Bản.
Hành động này nối tiếp hàng loạt động thái từ các nước khác từng tuyên bố sẽ điều tra hoặc thắt chặt quản lý các thỏa thuận tài chính, liên quan đến đợt công bố đầu tiên của dữ liệu Panama Papers.
Ông D.S. Malik, một người phát ngôn của Bộ Tài chính Ấn Độ hôm 11-5 cũng cho biết các cơ quan quản lý thuế thu nhập của họ đã gửi thông báo đến tất cả cá nhân trong nước bị liệt trong dữ liệu mà ICIJ mới công bố trên website chính thức của họ hôm đầu tuần, và sẽ xử lý từng trường hợp dựa trên phản hồi của họ.
Trước đó, trong ngày 9/5, ICIJ đã công bố đợt dữ liệu mới gồm hơn 200.000 tên các công ty trên khắp thế giới. Dữ liệu này chứa thông tin cơ bản về các công ty, quỹ ủy thác và tổ chức vỏ bọc được thành lập ở 21 “thiên đường thuế” trải dài từ Hong Kong đến bang Nevada của nước Mỹ.
Bất cứ ai truy cập vào website này đều có thể lấy được dữ liệu và nhìn thấy các mạng lưới liên quan tới các công ty vỏ bọc nước ngoài cùng các ghi chép nội bộ của công ty luật Mossack Fonseca về những người chủ thực sự của chúng. ICIJ nói rằng họ công bố dữ liệu này trên mạng vì lợi ích của cộng đồng, nhấn mạnh thêm rằng những cá nhân hoặc tổ chức có tên trong danh sách chưa hẳn là đã có hoạt động tài chính phi pháp mà cần thêm quá trình điều tra.
Theo ICIJ, các công ty vỏ bọc vốn thường được sử dụng với mục đích hợp pháp. Nhưng chúng cũng có thể bị lợi dụng để trốn thuế và rửa các loại tiền “bẩn” như tiền hối lộ hay tiền thu từ các hoạt động phi pháp.
Trước đây các nền kinh tế phát triển từ nhóm G20 từng nhất trí rằng mỗi chính phủ cần phải có cơ chế để nắm được thông tin về người chủ thực sự đăng ký một công ty, việc thực thi từ đó đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.
Đợt công bố dữ liệu lần này cũng phát hiện ra các quốc gia nhỏ ở khu vực Nam Thái Bình Dương đã trở thành các “thiên đường thuế” được ưa chuộng nhất để thành lập các quỹ ủy thác nước ngoài.
Hơn 13.000 công ty vỏ bọc nước ngoài và các quỹ ủy thác được thành lập ở Samoa - quốc gia chỉ có dân số 200.000 - và gần 10.000 ở Niue - dân số 1.200. Một số quỹ ủy thác đến nay đã không còn hoạt động. Ngoài ra, có hơn 500 công ty vỏ bọc trong danh sách của ICIJ được thành lập ở đảo Cook, và hơn 500 ở Singapore. Đáng chú ý nhất là Hong Kong, nơi tồn tại tới 51.295 công ty và quỹ ủy thác kiểu này.
Trước tình hình đó, ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, cho hay với tư cách là nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 trong hai ngày 26 và 27/5 tới, Nhật Bản hy vọng sẽ đưa đề xuất gồm các biện pháp ngăn chặn trốn thuế vào tuyên bố chung của các lãnh đạo tham gia.
Ở Ecuador, Tổng chưởng lý Galo Chiriboga đã tuyên bố rằng, ông sẽ đưa một đề xuất tổ chức điều tra chung với phía chính phủ Panama trong chuyến thăm sắp tới của mình, nhằm vạch trần các hoạt động tài chính phi pháp.
Được biết Ecuador là nước hứng chịu khá nặng nề sau đợt công bố này do dữ liệu của ICIJ có nêu tên của vị Tổng chưởng lý nước này, một cựu Thống đốc ngân hàng trung ương và một cựu thành viên cơ quan tình báo quốc gia của họ.
Ở New Zealand, một trong số các quốc gia đứng đầu trong danh sách các “thiên đường thuế” lần này bên cạnh Trung Quốc và Hong Kong, chính phủ đã chỉ định một vị chuyên gia về thuế để xem xét lại các quy luật đối với thành lập quỹ ủy thác nước ngoài, và cam kết rằng họ sẵn sàng thay đổi các quy luật nếu cần.
Theo ICIJ, Hong Kong và Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số cá nhân và công ty xuất hiện trong dữ liệu Panama Papers mà họ công bố. Theo đó, Hong Kong và Trung Quốc chiếm gần 1/4 số cá nhân và và tổ chức liên quan đến 366.000 công ty vỏ bọc tại các thiên đường thuế được nêu trong cơ sở dữ liệu mà ICIJ công bố. Trong số các công ty bình phong này, có 214.000 công ty thuộc vụ Panama Papers, còn lại là các công ty thuộc vụ điều tra Offshore Leaks mà ICIJ công bố vào năm 2014.