Luật pháp và sự nhân đạo
Hiện, trên cả nước có hàng nghìn đứa trẻ có mẹ là người Việt Nam, bố là người nước ngoài không được pháp luật thừa nhận, có nguy cơ sống vất vưởng không được học hành, không được hưởng đầy đủ các dịch vụ xã hội như những đứa trẻ bình thường khác. Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) Đặng Hoa Nam khẳng định, dù vướng pháp lý thì cũng phải có giải pháp giải quyết, không thể để các em sống ngoài lề xã hội.
Mọi trẻ em đều có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Ảnh: Trần Thương.
Nguyên nhân của việc “phát sinh” những đứa trẻ tội nghiệp đó là do “phong trào” lấy chồng “Tây” rộ lên thời gian qua tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều người ảo tưởng về sự đổi đời, sống trong nhung lụa, vinh hoa phú quý khi kết hôn với chồng ngoại quốc.
Song, khá nhiều trường hợp các cô gái người Việt kết hôn với chồng là người Đài Loan, Hàn Quốc... đã bị “vỡ mộng” vì cuộc sống không như họ mong đợi, thậm chí hàng ngày còn bị hành hạ, đánh đập. Và, để tránh sự vũ phu của các đức lang quân ngoại quốc thì không còn giải pháp nào tốt hơn là đưa con trốn về Việt Nam.
Nỗi đau của những cô dâu Việt tăng lên gấp đôi khi mà về đến Việt Nam, con của họ có bố là người ngoại quốc không thể nhập quốc tịch Việt Nam, theo đó cũng không thể làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu, để có thể hưởng đầy đủ quyền lợi như những đứa trẻ khác là được cắp sách tới trường, được hưởng đầy đủ các điều kiện phúc lợi công cộng mà một đứa trẻ đáng ra được hưởng. Các em có lỗi gì đâu mà phải bị bỏ rơi, sống bên lề xã hội, hay nói một cách cay nghiệt hơn, chua chát hơn là phải sống “ngoài vòng pháp luật”.
Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, mọi trẻ em đều có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; quyền được chăm sóc sức khoẻ; quyền được vui chơi; quyền học tập...
Vậy nhưng ở một số địa phương do cứng nhắc trong giải quyết các trường hợp trên nên đã viện ra những vướng mắc bởi khung pháp lý. Ví dụ muốn được cấp thẻ BHYT, muốn được nhập học... thì phải có hộ khẩu. Mà nếu muốn có hộ khẩu thì phải có giấy khai sinh mà muốn có giấy khai sinh thì phải có quốc tịch Việt Nam.
Thực ra nói thì nói vậy thôi, chứ ai chẳng sợ phải chịu trách nhiệm. Một số địa phương theo đúng nguyên tắc là không có giấy khai sinh, hộ khẩu thì sẽ không được nhập học, không được phát thẻ BHYT miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi... là làm đúng quy định của luật và các văn bản dưới luật.
“Nhỡ tôi giải quyết linh động nhưng trái luật không khéo nhẹ thì bị khiển trách, nặng thì bị đi tù thì ai chịu”– đó hẳn là suy nghĩ của không ít người có trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Song, hãy bình tâm mà nghĩ thử coi, bên cạnh và song hành với pháp luật còn có tình người. Vì thế hãy “nhón tay làm phúc” cho những đứa trẻ tội nghiệp đó, sẽ không có ai quy trách nhiệm đâu, tin là vậy.
Đó là bàn riêng về tình người, còn về vấn đề khung pháp lý cũng không phải là không có hướng giải quyết. Cụ thể, Điều 4, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Mọi trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật. Tại Điều 11, Luật này quy định: Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch. Đây há không phải là những quy định cứng, hết sức tạo điều kiện để các cơ quan, ban, ngành trong việc chăm sóc trẻ em hay sao?
Có chăng cái vướng ở đây chỉ là tại Khoản 3, Điều 19, Luật Quốc tịch hiện hành quy định: Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài. Chính bởi quy định này mà một số trẻ đã có hộ tịch nước ngoài, một số trẻ thì chưa thể xác định được đã có quốc tịch nước ngoài hay chưa sẽ không thể giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam.
Trong trường hợp các cô dâu Việt bế con trốn về Việt Nam do không thể chịu đựng được sự hành hạ, ngược đãi của chồng thì làm sao có thể liên hệ được với bố đứa trẻ để từ bỏ quốc tịch, thậm chí nếu có liên hệ được thì chắc gì bố đứa trẻ đã cho thôi quốc tịch nước họ? Vậy là rơi vào cái vòng luẩn quẩn và các em sẽ mãi mãi không bao giờ được hợp pháp hóa nhân thân của mình được.
Song, tại Điều 9, Luật Quốc tịch quy định: Việc kết hôn, ly hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của đương sự và con chưa thành niên của họ. Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 19 quy định: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam. Vậy thì các cô dâu Việt nếu vẫn đang còn quốc tịch Việt Nam hoàn toàn có thể xin nhập quốc tịch cho con theo quy định tại Khoản 2, Điều 19, Luật Quốc tịch.
Như vậy, hiện có một số quy định ở một số luật, bộ luật bất cập với xu thế phát triển và những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn cuộc sống, dẫn đến vướng khung pháp lý để giải quyết cho các trẻ em có mẹ là người Việt, bố là người nước ngoài, để chúng có thể được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi.
Song, trong khi chờ việc sửa đổi, bổ sung, ngoài việc giải quyết mọi việc theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, chúng ta cần hướng tới sự nhân đạo, linh động giải quyết theo hướng có lợi cho đương sự, để đảm bảo quyền lợi của những đứa trẻ tội nghiệp vì chúng đâu có tội tình gì.