Việc làm cho lao động ở vùng bị xâm nhập mặn: Quy hoạch lại vùng sản xuất

T.Dương (ghi) 12/05/2016 22:26

Tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Làm sao để tạo việc làm cho lao động nông nghiệp ở vùng này là vấn đề khá nan giải. Trao đổi với PV ĐĐK, ĐBQH Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng)- Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần quy hoạch lại toàn bộ vùng sản xuất đồng bằng sông Cửu Long để đánh giá tình hình, phân vùng sản xuất cho phù hợp. Như vậy mới níu chân người lao động tại quê hương.

Việc làm cho lao động ở vùng bị xâm nhập mặn: Quy hoạch lại vùng sản xuất

ĐBQH Trần Khắc Tâm.

Ông Tâm cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian qua ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động nhanh khiến các kịch bản ứng phó được xây dựng trước đây trở nên lạc hậu.

Tình trạng trên gây ảnh hưởng lớn không chỉ về mặt đời sống người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động tại khu vực này, đặc biệt là lao động trẻ có hướng thoát ly để kiếm sống bởi sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn trong khi các nhà máy xí nghiệp lại chưa đáp ứng được lượng lao động lớn, dồi dào này.

Vì thế lao động vùng này đang có sự dịch chuyển từ khu vực miền Tây Nam Bộ sang các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương để kiếm sống. Dòng di cư hiện nay trở nên ồ ạt hơn khiến không ít vùng nông thôn vắng bóng thanh niên và thiếu sức lao động sản xuất.

Đề cập đến việc tại sao không xây dựng các khu công nghiệp nhà máy để giải quyết việc làm cho lao động ở vùng này, tránh phải đi lên các thành phố lớn để kiếm việc làm, trong khi các thành phố lớn đang bị quá tải? ông Tâm cho rằng, việc thiếu những khu công nghiệp, công xưởng lớn, hoạt động hiệu quả ở khu vực này trước hết là bởi các điều kiện cho hoạt động công nghiệp, dịch vụ khu vực này kém tính cạnh tranh so với khu vực miền Đông Nam Bộ. Đơn cử như: quy hoạch còn bất cập, thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực, các cơ sở đào tạo cung cấp nguồn lao động còn ít và chất lượng thấp, thủ tục hành chính còn phiền hà, hạ tầng giao thông phát triển chậm, chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất thấp, đầu ra khó khăn.

Theo ông Tâm để hình thành một cụm công nghiệp, khu công nghiệp thu hút số lượng lớn lực lượng lao động vào làm việc thì không phải là chuyện có thể làm được trong một, hai ngày mà nó liên quan đến cả chính sách vĩ mô cũng như chính sách cụ thể của từng địa phương.

Theo ông Tâm bất cứ một người nào sinh ra, lớn lên cũng đều muốn gắn bó với quê hương của mình, muốn có điều kiện làm việc tốt, sinh hoạt tốt ngay tại quê hương, việc phải rời quê hương đi nơi khác mưu sinh là việc chẳng đừng. Cho nên các cấp chính quyền cần phải tìm hiểu, có những phân tích, một cuộc điều tra xã hội học để từ đó có những giải pháp khi thiếu vắng lao động sản xuất tại nông thôn.

“Chính phủ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực phải thực sự tạo được chuyển biến tích cực. Đồng thời quy hoạch lại toàn bộ vùng sản xuất đồng bằng sông Cửu Long để đánh giá tình hình, phân vùng sản xuất cho phù hợp. Như vậy mới níu chân người lao động tại quê hương”-ông Tâm nhấn mạnh.

T.Dương (ghi)