Sóc Trăng: Thanh long ruột đỏ bén đất nhiễm mặn
Ông Quách Bình ở ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm-tỉnh Sóc Trăng) đã quyết tâm tìm ra một loại giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương để cải thiện đời sống kinh tế khó khăn. Sau nhiều chuyến tham quan, học hỏi, ông đã thành công với mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ…
Ông Quách Bình bên trụ thanh long đang cho trái.
Ông Bình kể: “Cách đây 5 năm, tôi thấy đất ở địa phương mình vốn bị nhiễm phèn, mặn rất khó cho trồng lúa và các loại hoa màu như đậu, khổ qua,…nên đi học hỏi ở các địa phương khác, tìm mô hình sản xuất phù hợp, cho hiệu quả cao. Tìm hiểu nhiều mô hình, nhưng sau khi được một người quen gợi ý và tư vấn về kỹ thuật, tôi quyết định thử sức với cây thanh long ruột đỏ và bước đầu đã thành công”.
Cũng theo ông Bình, qua tìm hiểu ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, thấy người dân ở đó trồng nhiều thanh long ruột đỏ và mang lại hiệu quả nên năm 2010, sau khi được tư vấn khởi nghiệp, ông mạnh dạn chuyển 2 công vườn tạp sang trồng thanh long ruột đỏ, đầu tư hệ thống trụ bê tông để trồng 200 gốc thanh long.
Đến nay 200 trụ thanh long của ông đã cho trái được 2 năm, bán cho thương lái giá thấp nhất cũng được từ 30-40.000đ/kg, có lúc cao là từ 60.000đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi được 50 triệu đồng mỗi năm.
Dẫn chúng tôi ra vườn thanh long đang cho trái, ông Bình cho biết: Thanh long ruột đỏ có thể trồng bất cứ thời gian nào trong năm nhưng tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa để giảm chi phí tưới và khi mùa khô tới cây đủ lớn có thể chịu được với nhiệt độ cao và khô hạn.
Thanh long là loại cây không kén phân, có thể bón phân hữu cơ hoặc phân hóa học, mỗi năm bón khoảng 2 lần, khi bón phân xới nhẹ xung quanh gốc, bỏ phân cách gốc 15-30cm, cho phân đều khắp tán và dùng rơm rạ, cỏ ủ gốc lại.
Đặc biệt, thanh long là loại cây ít bị sâu bệnh nên chi phí cũng không tốn kém như trồng lúa hay các cây hoa màu khác. Ông Bình cho biết thêm: “So với trồng lúa, trồng thanh long chi phí thấp nhưng lợi nhuận cao hơn làm lúa hàng chục lần. Gia đình tôi trồng 2 công thanh long , mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng. Trong khi đó làm lúa, mỗi công lời cao lắm cũng chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng.
Thanh long cho trái quanh năm, cứ mỗi tháng thu hoạch một lần, vừa nhẹ chi phí, nhẹ công chăm sóc nên tôi rất mê loại cây này, dự kiến sắp tới tôi sẽ trồng theo vài ba trăm trụ nữa. Ngoài thanh long ruột đỏ, hiện nay tôi đang trồng thử nghiệm khoảng 60 trụ thanh long ruột vàng”.
Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Quới cho biết: Ở địa phương chúng tôi, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thành công, trong đó mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Quách Bình là mô hình hiệu quả nhất. Từ thành công của ông Bình, hiện nay, nhiều hộ ở xã Vĩnh Quới đang phát triển diện tích trồng thanh long ruột đỏ với số lượng khoảng 1000 trụ.