Nghệ thuật thiết kế đô thị: Giới chuyên gia sẵn sàng đóng góp
“Nhiều chuyên gia kiến trúc, văn hóa, lịch sử, mỹ học… có kinh nghiệm và nặng lòng với Hà Nội sẵn sàng đóng góp nếu như những nhà quản lý thực lòng lắng nghe”- Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh- Hội KTS Việt Nam đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết. Theo ông, kể cả tuyến phố kiểu mẫu của Hà Nội hiện nay cũng chưa được chú ý đến nghệ thuật thiết kế đô thị.
KTS Trần Huy Ánh.
PV:Thưa ông, đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) mở rộng đã trở thành tuyến phố văn minh kiểu mẫu lần đầu tiên được xây dựng ở Thủ đô. Điều khiến dư luận quan tâm hiện nay là việc qui hoạch đồng bộ biển hiệu quảng cáo với 2 màu xanh, đỏ. Quan điểm của ông thế nào?
KTS Trần Huy Ánh: Ấn tượng đầu tiên của tôi là được nhìn thấy nỗ lực của các nhà quản lý trong việc kiểm soát qui hoạch biển hiệu - họ đã làm được. Ấn tượng thứ hai là sự đơn điệu, chủ quan. Nó hay vì sự trật tự và nó chưa hay vì chưa chú ý đến nghệ thuật thiết kế đô thị.
Thưa ông, dư luận cũng đang băn khoăn rằng phải chăng có sự “độc quyền” trong việc cung cấp đồng bộ mẫu thiết kế quảng cáo?
- Trong nền kinh tế thị trường, lợi ích là chuyện đáng quan tâm mà không nên vội vàng phê phán. Nếu nhìn trên thực địa thì thấy doanh nghiệp gia công biển hiệu họ mới làm phần nền, còn nội dung hình thức vẫn là sân chơi sáng tạo cho các chủ cửa hàng, các đơn vị quảng cáo khác thể hiện trong phạm vi diện tích riêng của mình.
Tôi cũng chưa rõ có qui định nào khác không, nhưng nếu trường hợp doanh nghiệp quảng cáo thi công phần khung nền lại độc quyền nội dung, hình thức trên khung nền thì đúng là cần cân nhắc – không nên “quá đà” như vậy.
Nếu nhân rộng mô hình tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn ra nhiều đường phố khác, ông thấy sao? Theo ông, một tuyến phố kiểu mẫu phải đáp ứng những tiêu chí nào?
- Thực tế cho thấy đường Lê Trọng Tấn hiện nay đang là ví dụ cụ thể của nỗ lực của các nhà quản lý trong việc kiểm soát trình bày quảng cáo biển hiệu. Ở đây rõ ràng khái niệm “loại bỏ quảng cáo bừa bãi, mất trật tự” đã được thể hiện một cách mẫu mực. Nhưng nếu coi đây là bài học tốt để nhân rộng thì cần cân nhắc.
Tôi đã có mặt tài nhiều thành phố đẹp như Paris, Copenhagen, Stockhom, Tokyo… quả thực tôi chưa từng thấy thành phố nào có biển hiệu dài hàng trăm mét dọc phố có 2 màu xanh đỏ.
Một góc đường Lê Trọng Tấn- tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên ở HN. Ảnh: Thành Trung.
Một thành phố văn hóa - lịch sử, trong đó đang khuyến khích sự phát triển năng động, sáng tạo thì đường phố kiểu mẫu cần hội đủ sự sáng tạo, đa dạng… Đường Lê Trọng Tấn mới được hoàn thành- nó còn non trẻ và cần có thời gian để chiêm nghiệm, nó đã tạo ra sự “đột phá” trong thiết lập trật tự quản lý nhưng cũng bộc lộ ít nhiều hạn chế mà dư luận đã lên tiếng và cá nhân tôi cũng đã đóng góp cảm nghĩ. Tôi tin rằng những người có trách nhiệm, các nhà quản lý ít nhiều để tâm và có giải pháp phù hợp hơn. Đó chính là quá trình tiến hóa, trưởng thành về nhận thức thẩm mỹ đô thị.
Hà Nội lâu nay vẫn bị chê về qui hoạch thành phố nói chung và qui hoạch đường phố nói riêng. Câu chuyện lộn xộn số nhà, tên đường phố (với kiểu đặt tên “nối dài”…), việc trang trí đường phố lòe loẹt là chuyện chưa có hồi kết. Dưới góc nhìn của một KTS, theo ông có giải pháp gì để sớm cải thiện tình trạng này không?
- Sự khen chê, so sánh thì phải có đối tượng. Ví dụ như qui hoạch Hà Nội xấu hơn so với qui hoạch Paris? Hoặc quy hoạch Hà Nội hiện nay xấu hơn quy hoạch 1998 hoặc xấu hơn quy hoạch đầu thế kỷ 20…? Phải có những đối tượng so sánh cụ thể như thế thì mới có nhận định khách quan, có cơ sở. Với từng câu hỏi cụ thể thì những nghiên cứu đô thị sẽ phân tích nguyên nhân, hoàn cảnh nào dẫn đến sự xấu đẹp, cá nhân nào có ảnh hưởng đến sự làm đẹp lên hay xấu đi và sẽ có những gợi ý để khắc phục.
Việc đường phố, số nhà lộn xộn thì những đô thị chưa “trưởng thành” luôn mắc phải, không chỉ ở Hà Nội mà nhiều thành phố trong và ngoài nước ta đều mắc bệnh này…
Thành phố trang trí lòe loẹt tùy tiện vì thành phố giao cho các cá nhân, đơn vị có năng lực tương ứng thực hiện. Nếu muốn nó đẹp đẽ, sang trọng thì giao cho những người có năng lực. Nếu chưa tìm thấy thì thôi, đừng vội kẻo phí tiền lại thêm bị chê cười, thêm bực mình… Cứ để nó thâm trầm lắng đọng, có lẽ nó sẽ tự tạo nên một sự khác biệt một cách can đảm của một thành phố từng trải – lịch lãm.
Còn vì những nhiệm vụ chẳng thể đừng thì nên tham khảo các chuyên gia. Hà Nội có nhiều chuyên gia kiến trúc, văn hóa, lịch sử, mỹ học có kinh nghiệm và nặng lòng với Hà Nội, họ sẵn sàng đóng góp nếu như những nhà quản lý thực lòng lắng nghe.
Tôi vốn “nhiều lời” về qui hoạch, đường phố Hà Nội vì dẫu sao Hà Nội vẫn là thành phố có truyền thống “lắng nghe”. Nhưng tôi bắt đầu lo âu vì gần đây có những biểu hiện “nghe lấy lệ”. Điển hình là trường hợp cải tạo công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội – công trình đẹp từ kiến trúc tổng thể đến chi tiết, từ công năng sử dụng đến bài học gương mẫu của Thành phố chăm lo đến trẻ em.
Bài học nghiên cứu hình học mẫu mực đến sử dụng chất liệu- nó được giới kiến trúc quốc tế đánh giá rất cao, tôn vinh là “di sản kiến trúc hiện đại”… Nhưng công trình đang bị làm hư hỏng hàng ngày, hàng giờ vì “nâng cấp cải tạo” bằng phương án thết kế và thi công kém cỏi.
Tác giả công trình - KTS Lê Văn Lân, Phó chủ tịch Hội KTS Hà Nội sẵn sàng đến công trường để chỉ dẫn các đơn vị, cá nhân đang thi công tại đây làm sao để giữ lại được những cái đẹp vô giá đó… họ lắng nghe, ghi chép, họp bàn… nhưng họ không làm theo những đóng góp gan ruột của vị KTS khả kính này.
Không chỉ riêng tôi, mà nhiều bạn bè yêu quý Hà Nội cũng đang khắc khoải lo âu.
Trân trọng cảm ơn ông!