Không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đẩy mạnh quan trắc môi trường biển thường xuyên ở các địa phương ven biển miền Trung xảy ra sự cố hải sản chết bất thường để giám sát, cảnh báo và có giải pháp ứng phó kịp thời. Trong nhiều phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.
Ảnh minh họa-Dân Trí.
Những ngày gần đây, dư luận nóng lên với những thông tin liên quan việc cá chết hàng loạt, dạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh tới Đà Nẵng. Nguyên nhân cụ thể còn đang chờ các cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng. Thế nhưng vụ việc khiến chúng ta không khỏi quan ngại về một tình trạng đang có chiều hướng gia tăng đó là, tăng trưởng luôn đi kèm với hệ lụy là gây ô nhiễm môi trường.
Sự việc cá chết trắng dải đất miền Trung, rồi cá chết trên sông Bưởi huyện Thạch Thành, Thanh Hóa không phải sự cố môi trường đầu tiên. Còn nhớ năm 2008, vụ Công ty Vedan lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải đầu độc môi trường nước ở Đồng Nai, rồi năm 2013, cũng lại người dân phát hiện ra vụ Công ty Nicotex Thanh Thái chôn hóa chất trừ sâu với độc tố vượt ngưỡng hàng chục nghìn lần ở Thanh Hóa, khiến nhiều người dân xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa phải bỏ làng đi nơi khác vì lo sợ nhiễm độc…đã cảnh báo về vấn nạn ô nhiễm bức tử môi trường sống.
Mới đây, dư luận đang dấy lên những lo lắng bởi chất lượng không khí của Hà Nội có lúc đã chạm vào ngưỡng cam (chỉ số chất lượng không khí AQI dao động ở mức 122-178). Đây là hậu quả nhãn tiền của việc đốt, xử lý rác thải bằng công nghệ lạc hậu của các công ty, doanh nghiệp, làng nghề trước khi xả vào môi trường…Điều đáng lo ngại là những sự việc được phát hiện mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Nguyên nhân của thực trạng này là bởi, đã có những giai đoạn vì tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, cần thu hút đầu tư để đem lại những nguồn lợi cho địa phương đã khiến môi trường bị hủy hoại và người dân chính là những người lãnh đủ hậu quả từ bài toán bất chấp môi trường, tăng trưởng bằng mọi giá.
“Không sự định giá nào bù đắp được cho sinh kế, sinh mạng và giống nòi. Hy sinh môi trường lấy tăng trưởng là lựa chọn quá đắt đỏ, quá đau đớn.” - TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nói và cho rằng, “do quá thèm muốn tăng trưởng kinh tế, nên đã có địa phương nghèo chấp nhận trả giá rất đắt để thu hút đầu tư nước ngoài cho bằng được”. Giờ là lúc không thể chạy theo tăng trưởng mà bức tử, đầu độc môi trường.
Trông người để nhìn lại ta, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ- TS Lê Đăng Doanh - khuyến cáo, “hãy xem cái giá về môi trường mà Trung Quốc phải đánh đổi để lấy tăng trưởng kinh tế cao như thế nào. Trung Quốc bây giờ đang phải đối mặt và phải trả một cái chi phí rất đắt và chưa biết đến bao giờ mới hồi phục được để trở thành nền kinh tế phát triển bền vững. Đấy là tấm gương cho chúng ta”.
Vị chuyên gia này dẫn ra các đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thiệt hại môi trường hiện tại của Trung Quốc là âm 6,5% GDP, do ô nhiễm môi trường làm cho không khí ô nhiễm, hạn chế tầm nhìn, máy bay không cất cánh được, không hạ cánh được, ô tô không đi nhanh được, tai nạn tăng lên nhiều, chi phí giao thông tăng lên. Tác động ô nhiễm môi trường gây ra tình trạng ăn mòn cầu đường, máy móc, xe cộ, đường xá bị ô nhiễm, hủy hoại cho nên, hệ số hao mòn của các tài sản cố định, nhà cửa cho đến hầm mỏ, máy móc, cầu đường tăng lên. Điểm nữa là sức khỏe, số người ốm tăng lên, số ngày nghỉ tăng lên, chi phí y tế tăng lên, tất cả các yếu tố đó được quy ra tương đương -6,5% GDP.
Ông Lê Đăng Doanh cũng cho biết, nhận thức không thể tăng trưởng bằng mọi giá rồi bức tử môi trường nên trong chiến lược, chính sách của chúng ta vẫn luôn nhấn mạnh phát triển bền vững, đảm bảo một môi trường sạch đẹp và kiểm soát được ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế, xếp hạng bảo vệ môi trường của chúng ta xếp thứ 98 trong 137 nền kinh tế, chất lượng không khí của chúng ta xếp thứ 123. Vị chuyên gia này tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên đặt vấn đề thật nghiêm túc về việc chúng ta không thể tiếp tục chấp nhận một cái giá ngày càng đắt bỏ qua môi trường để lấy tăng trưởng.
Không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ngay lập tức chỉ đạo các cơ quan vào cuộc, điều tra nguyên nhân cá chết, có hỗ trợ kịp thời cho người đân đồng thời tổng rà soát việc chấp hành pháp luật về môi trường trên phạm vi toàn quốc.
Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4 cũng nêu rõ, các địa phương cần tăng cường phối hợp, kiểm tra, rà soát, đánh giá việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cụm công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất lớn đồng thời phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…Đây cũng có thể coi là một cuộc tổng rà soát về môi trường sau sự cố thảm họa cá chết ở miền Trung. Một cuộc tổng rà soát, mà lẽ ra cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ sau khi đã xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, muộn còn hơn không.
Rõ ràng, bên cạnh những tổn thất to lớn thì thảm họa môi trường ở miền Trung cũng là một cơ hội để Việt Nam thấm thía hơn về cái giá ngày càng đắt cho tăng trưởng GDP và đã đến lúc biến quyết tâm không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá bằng hành động thực sự.