Phòng chống tệ nạn mại dâm: Khó nhận diện đối tượng

Thủy Anh (thực hiện) 13/05/2016 11:05

Chia sẻ bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội khẳng định: Giai đoạn mới của hoạt động phòng chống tệ nạn mại dâm sẽ tăng cường các biện pháp, giải pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng tiến tới giảm thiểu tệ nạn mại dâm; giảm tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống cộng đồng và đối với chính người hoạt động mại dâm. Đồng thời hỗ trợ người hoạt động mại dâm hòa nhập cộng đồng.

PV:Xin ông cho biết thực trạng tệ nạn mại dâm hiện nay ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Xuân Lập: Hiện nay việc kiểm soát hoạt động mại dâm ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì hoạt động này diễn ra tại các địa bàn ở địa phương và khó nhận diện được đối tượng, cũng như nhận diện được hoạt động khi cần vào cuộc.

Vậy trong thời gian tới, chúng ta sẽ có cách tiếp cận mới như thế nào để đạt được hiệu quả hơn so với giai đoạn trước?

- Trong giai đoạn mới 2016 - 2020, Chính phủ đã ban hành quyết định 361, ban hành chương trình hành động phòng chống mại dâm trong giai đoạn 2016 - 2020, có đưa ra các nhiệm vụ, nội dung, cũng như giải pháp.

Phòng chống tệ nạn mại dâm: Khó nhận diện đối tượng

Ông Nguyễn Xuân Lập.

Trong giai đoạn này, quan điểm chung được thể hiện là tôn trọng quyền công dân, quyền con người đã được quy định ở hiến pháp. Thứ hai là có quan điểm kiên quyết triệt phá, phá bỏ những tụ điểm về mại dâm hay những bóc lột về tình dục, buôn bán, trà đạp lên nhân phẩm đạo đức và thân thể của những người tham gia hoạt động mua bán dâm.

Quan điểm thứ ba chúng ta phải tăng cường công tác giảm hại như giảm lây nhiễm những bệnh xã hội, lây nhiễm HIV và mở ra những mô hình nhằm hỗ trợ hoạt động mua bán dâm tại cộng đồng, tại trung tâm hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ tính tư pháp với những người mua bán dâm, hoạt động mại dâm. Hỗ trợ tư pháp ở đây kể cả về hồ sơ lí lịch nhân thân, quyền công dân, quyền con người trong hiến pháp.

Và mô hình nữa mong muốn huy động xã hội hoá của cộng đồng vào nhóm đồng đẳng, tổ chức phi chính phủ, CLB cùng cảnh ngộ. Cách và phương pháp tiếp cận tôi hi vọng sẽ huy động được cả cộng đồng, cả nguồn lực xã hội vào công tác này trong thời gian tới. Với 3 quan điểm như vậy và cách tiếp cận mở hơn hi vọng sẽ nhận được nhiều nguồn lực từ xã hội, mọi con người tham gia. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn này công tác phòng chống mại dâm sẽ có bước tiến triển hơn.

Hiện nay một số tỉnh, thành đang xây dựng phần mềm quản lý gái mại dâm, ông đánh giá như thế nào về việc áp dụng này?

- Việc từng địa phương đưa ra những phần mềm để quản lý hoạt động, xây dựng các cơ chế, thể chế, hay cơ sở dữ liệu ở địa phương nhằm giúp chính quyền địa phương, các ban ngành địa phương quản lý tốt công tác của mình trên địa bàn thì chúng tôi rất hoan nghênh.

Bộ LĐ,TB&XH, cũng như Chính phủ cũng chỉ đạo từng ngành, từng cấp phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Và nếu có cơ sở dữ liệu chuẩn thì khi chúng ta nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách chuẩn hơn.

Nếu ta làm chính sách mà không có cơ sở dữ liệu thì cũng có băn khoăn không thể sát với thực tế được. Các tỉnh, thành phố để nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu bất kể trên mục đích gì để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và công tác chuyện môn nghiệp vụ ở địa phương thì chúng tôi rất hoan nghênh, đồng tình.

Còn công tác dạy nghề, đào tạo việc làm cho những người tham gia hoạt động mại dâm, ông đánh giá như thế nào?

- Công tác dạy nghề, đào tạo việc làm cho những người tham gia hoạt động mại dâm trong thời gian vừa qua là rất tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 29 là tạo điều kiện về vay vốn, giúp cho một số nhóm đối tượng vay vốn trong đó có những người hoạt động mại dâm về dạy nghề, đào tạo việc làm ổn định công việc. Đó là quyết định của Chính phủ nhưng chỉ thí điểm ở 15 tỉnh.

Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành phố khác có nguồn lực cũng đã có những mô hình làm rất tốt, ví dụ như Khánh Hòa có mô hình chuyển đổi cho những người hoạt động mại dâm, sau cai nghiện ma tuý, nhóm yếu thế…

Thì tôi nghĩ các tỉnh, thành phố không cần thí điểm, họ cũng có cách và phương pháp tiếp cận để cho công dân của địa phương có công ăn việc làm. Việc dạy nghề, tạo việc làm và nguồn lực của xã hội tạo ra cho những nhóm yếu thế có công ăn việc làm, để có một nền xã hội an sinh bền vững thì rất hoan nghênh.

Về cơ chế giám sát những người sau khi đào tạo việc làm như thế nào, thưa ông?

- Công tác này nằm trong chương trình kiểm tra, giám sát, đều có cơ quan thanh tra và kiểm tra, có cơ quan ngành dọc thực hiện. Tỷ lệ bao nhiêu phần trăm số người sau đào tạo có việc làm ổn định cũng vậy.

Ông vừa nói trong giai đoạn mới sẽ có cách tiếp cận phù hợp hơn. Vậy thì trong cách tiếp cận mới đó, liệu có coi mại dâm là một nghề hay không?

- Tôi cũng nhắc lại rằng, quan điểm cách tiếp cận mới là làm sao đảm bảo quyền công dân, quyền con người được quy định trong hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ví dụ như quyền về chính trị, kinh tế, văn hoá, sức khoẻ thì được quy định trong pháp luật và được bảo vệ bằng pháp luật.

Còn có coi là nghề hay không, tôi với tư cách là Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, tôi không bao giờ muốn có nghề mại dâm ở Việt Nam. Mà có thể học tập các quốc gia, các dân tộc châu Á hoặc châu Âu để chúng ta cố gắng làm sao phi hình sự hoá về mại dâm, tiếp cận để bảo vệ quyền công dân, quyền con người.

Chương trình dạy nghề, cấp độ nghề như thế nào nếu chúng ta coi là nghề, vì trong luật nghề nghiệp của Việt Nam là không có. Cho nên cách và phương pháp tiếp cận làm sao tôn trọng hiến pháp, pháp luật, tôn trọng quyền công dân, quyền con người.

Nếu có cách tiếp cận tiến bộ thì chúng ta phi hình sự hóa về công tác mại dâm. Đây là tiến bộ vượt bậc mà chúng tôi đang mong muốn các tổ chức cơ quan từ trung ương đến địa phương hướng tới. Bởi vì đó là cách tiếp cận nhân văn, thực tế hơn trong kiến tạo và phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thủy Anh (thực hiện)