Xét tuyển lớp 6: Chọn trò giỏi bằng ... tiêu chí phụ
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Đại - Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: “Tuỳ theo từng trường đề ra các tiêu chí khác nhau để chọn học sinh. Nhưng dù là tiêu chí nào cũng phải dựa trên kết quả học tập của học sinh ở bậc tiểu học và cộng thêm những tiêu chí khác. Năm ngoái khó hơn nhiều chúng ta đã làm thành công. Năm nay chúng ta có sự chuẩn bị trước, có kinh nghiệm và có cả sự hướng dẫn thì cớ gì mà không thành công?”
Ảnh minh họa.
Đây là năm thứ 2 Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới bất cứ hình thức nào. Nếu chỉ căn cứ vào học bạ thì các hồ sơ đạt điểm tuyệt đối 100/100 đăng ký vào các trường top trên như Trường THCS Hà Nội – Amsterdam, THCS Cầu Giấy, trường Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu, Marie Curie… luôn cao gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh.
Vì thế, bên cạnh tiêu chí học lực bậc tiểu học, một trong những cách được nhiều trường lựa chọn là xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên cho những học sinh đạt giải trong các cuộc thi văn hóa, thể thao từ cấp quận trở lên, các cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng và cả những học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ…
Đại diện Trường THCS Nguyễn Tất Thành, một trong những điểm nóng về tuyển sinh vào lớp 6 ở Hà Nội các năm qua, cho biết sẽ xét tuyển thẳng những học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích trong các cuộc thi: Giải Toán qua mạng Internet, Tiếng Anh qua mạng Internet, Olympic Tiếng Anh, Tin học trẻ từ cấp Quận, Huyện trở lên.
Tương tự, Trường Marie Curie cũng dành vé vào thẳng cho các học sinh đạt giải Ba cấp Quận trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lớp 5 (ViOlympic, Olympic Tiếng Anh, IOE...); học sinh đạt loại giỏi, xuất sắc trong kỳ thi IMAS và Kangaroo…
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie lý giải nguyên nhân nhà trường đưa tiêu chí cộng điểm cho những học sinh đạt giải trong các kỳ thi: “Hiện điểm số của học sinh học cấp tiểu học gần như giống nhau. Đi mua trứng tôi không thích chọn những quả trứng giống nhau, nên phải đưa ra các tiêu chí để chọn những quả trứng nổi trội hơn”.
Theo ông Đại, các trường chỉ được phép xét tuyển giải thưởng của những cuộc thi do ngành GD-ĐT tổ chức hoặc tham gia phối hợp tổ chức. Nhưng để đạt giải ở những cuộc thi cấp quốc gia này không hề đơn giản.
ViOlympic là cuộc thi cấp Quốc gia về Toán học (Giải toán bằng tiếng Việt và Giải toán bằng tiếng Anh) của Bộ GD&ĐT và FPT dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc. Theo Ban tổ chức cuộc thi, năm học 2014 – 2015, cuộc thi ViOlympic thu hút sự tham gia của gần 500.000 học sinh trên toàn quốc, tăng gần gấp 3 lần so với năm trước đó và cũng là con số kỷ lục trong lịch sử 7 năm tổ chức cuộc thi Giải toán qua Internet. Đến năm học 2015-2016, cuộc thi tiếp tục xác lập kỷ lục mới khi có tới 800.000 học sinh đến từ hơn 700 quận/huyện thuộc 62 tỉnh/thành trên toàn quốc tham gia vòng quận/huyện.
Tuy chưa có một thống kê cụ thể nào về số học sinh cuối cấp 1, cấp 2 tham gia cuộc thi này, song nhìn vào những kỷ lục về số lượng học sinh tham gia liên tiếp được xác lập qua 2 năm Sở GD&ĐT Hà Nội có hướng dẫn không thi tuyển vào lớp 6, dư luận không khỏi băn khoăn về việc có bao nhiêu học sinh tham gia với áp lực phải đạt giải.
Bà Nguyễn Thị Ngọc- Trưởng Dự án ViOlympic đã xác nhận thực trạng các thí sinh lập rất nhiều tài khoản hoặc do thầy cô giáo, bố mẹ đăng ký hộ nên thường xảy ra tình trạng quên mật khẩu hoặc ID.
Đó cũng là thực trạng của nhiều cuộc thi qua mạng khi số tài khoản ảo so với lượng thí sinh dự thi thật chênh nhau khá nhiều. Bi hài kịch xảy ra là đến khi vào phòng thi chính thức, các em không nhớ nổi mật khẩu tài khoản của mình vì sở hữu đến hàng chục tài khoản, mật khẩu khác nhau. Thậm chí, có những phụ huynh còn “xung phong” hỗ trợ con giải bài ở nhà để đến khi được vào vòng trong, con trẻ khóc lóc nói không muốn thi khiến thầy cô vô cùng khó xử.
Điều đáng nói, để được giải ở một cuộc thi giải toán qua internet như ViOlympic, học sinh không chỉ phải thi tài cùng rất nhiều bè bạn khác mà còn phải trải qua 19 vòng thi (với cuộc thi Toán bằng tiếng Việt) và 11 vòng thi (Toán Tiếng Anh). Bao nhiêu công sức bỏ ra cũng là ngần ấy áp lực các em phải đối mặt nếu muốn có tên trên bảng vàng.
Tất nhiên, nếu các em đến với cuộc thi bằng đam mê, muốn thử sức thì rất đáng hoan nghênh nhưng thành tích lại liên quan đến tấm vé vào trường THCS, THPT với những học sinh cuối cấp thì rõ ràng, áp lực là không tránh khỏi.
Với việc không thi tuyển dù là Toán, Ngữ văn… hay trắc nghiệm IQ, EQ thì học sinh tránh được áp lực luyện thi các môn này nhưng một học bạ đẹp hoàn hảo chưa đủ để các em chắc chắn đỗ vào trường THCS mơ ước. Việc tham gia các cuộc thi trên mạng nhằm kiếm điểm cộng ưu tiên cũng không kém phần áp lực. Nhất là khi hiện nay có vô số các cuộc thi và tâm lý phụ huynh là “thua keo này ta bày keo khác”, con chưa được giải cuộc thi này sẽ tiếp tục thi cuộc khác đến khi đoạt giải mới thôi.
Câu hỏi đặt ra là, những sân chơi được giới thiệu là thú vị, bổ ích liệu có làm học sinh gia tăng áp lực bởi những kỳ vọng của phụ huynh?