Tổng thống Brazil bị phế truất vì vi phạm luật ngân sách
Số phận của Tổng thống Brazil trong cơn bĩ cực dường như đã được định đoạt khi Thượng viện nước này hôm 12/5 đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội bà trong một quyết định lịch sử, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong bê bối tham nhũng và suy thoái.
Bà Rousseff bị buộc từ chức để chờ quá trình luận tội (Nguồn: AP).
Khủng hoảng
Và trong lúc Tổng thống Dilma Rousseff bị đình chỉ để chờ quá trình luận tội có liên quan tới việc phá vỡ các điều luật về ngân sách, cấp phó của bà là ông Michel Temer sẽ nhận trách nhiệm tiếp quản một quốc gia lại một lần nữa vướng mắc vào khủng hoảng chính trị và kinh tế sau một thập kỷ thịnh vượng.
Với số phiếu thuận 55/22, hơn 13 năm cầm quyền của Đảng Công nhân Brazil – đảng từng trỗi dậy từ sau phong trào lao động ở nước này và giúp hàng triệu người dân ra khỏi cảnh đói nghèo – đã chấm dứt do tầng lớp lãnh đạo của nó lần lượt đối diện với các cuộc điều tra tham nhũng.
Nhiều màn pháo hoa đã nổ ra tại một số khu dân cư đâu đó tại Brazil sau khi cuộc bỏ phiếu kéo dài 20 giờ ở Thượng viện kết thúc. Cảnh sát có lúc đã đụng độ với những người biểu tình ủng hộ bà Rousseff hôm 11/5, với màn ném gạch đá và bắn đạn hơi cay.
Tiến trình luận tội đã bắt đầu ở Hạ viện nước này từ tháng 12 năm ngoái, và bà Rousseff - nhà kinh tế học 68 tuổi và nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Brazil - gần như không có cách nào thoát được tội trong một phiên tòa có thể kéo dài đến 6 tháng. Để có thể kết tội bà, người ta cần có 2/3 số phiếu thuận trong Thượng viện, nhưng điều này là hoàn toàn có thể trong bối cảnh bà Rousseff chỉ còn rất ít sự ủng hộ.
Về phần mình, Phó Tổng thống Michel Temer, một học giả 75 tuổi đã từng làm việc trong Quốc hội Brazil suốt nhiều thập kỷ qua, giờ cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức khôi phục đà tăng trưởng kinh tế và trấn an người dân trong một thời điểm hỗn loạn mà trong đó người dân đang nghi ngờ về khả năng của ông mang lại sự ổn định.
Ngoài vấn đề thâm hụt ngân sách trầm trọng, tương đương 10% giá trị kinh tế hàng năm, Brazil còn đang có tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, thiếu trầm trọng các khoản đầu tư…
Người dân Brazil thì lo ngại rằng sự chấm dứt cầm quyền của Đảng Công nhân có thể sẽ khiến cho sự nghèo khổ quay trở lại với họ.
Bất định
Trước đó, Chính phủ của bà Rousseff đã đưa ra nỗ lực cuối cùng nhằm tránh khỏi quá trình luận tội bà nhưng cuối cùng đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ trong hôm 11/5. Một cố vấn của bà cho hay, bà Rousseff từng có kế hoạch sa thải hầu hết thành viên Nội các của mình, chỉ trừ Thống đốc Ngân hàng trung ương và Bộ trưởng Thể thao – người đang phải chuẩn bị cho Thế vận hội Rio de Janeiro tổ chức trong tháng 8 tới.
Động thái này là nhằm gây khó khăn cho tiến trình chuyển giao quyền lực cho ông Temer, người mà bà Rousseff cáo buộc là kẻ phản bội do ông này là thủ lĩnh của một đảng từng là đồng minh chính của bà trong Quốc hội.
Về phần mình, ông Temer đã có kế hoạch bổ nhiệm các vị Bộ trưởng mới và cam kết sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ thị trường nhằm đưa thâm hụt ngân sách Brazil trở lại tầm kiểm soát, đối phó với lạm phát và vực dậy đà tăng trưởng kinh tế nước nhà.
Trong khi đó, tình hình Brazil vẫn khá hỗn loạn do căng thẳng giữa những người biểu tình ủng hộ bà Rousseff và những người có tư tưởng ngược lại trên khắp đất nước. Nhưng tình trạng này được dự đoán sẽ sớm kết thúc, khi những người ủng hộ Đảng Công nhân sẽ dần chấp nhận số phận không thể tránh khỏi của bà Rousseff.
Ngược lại với tình hình trong nước ảm đạm, các thị trường ở Brazil trong những tuần qua lại khởi sắc khi các nhà đầu tư đón chờ sự ra đi của một vị Tổng thống mà họ cho là kiềm chế nền kinh tế Brazil.
Việc ông Temer tạm thời lên nắm quyền cũng là một diễn biến đầy bất trắc, do các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra về việc ông này và bà Rousseff mua phiếu bầu trong chiến dịch tái tranh cử năm 2014.
Bà Rouseff, từng giữ vị trí Bộ trưởng Năng lượng trước khi trở thành Tổng thống Brazil năm 2011, từng là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Petrobras và mọi chuyện đấu đá đều bắt đầu từ đây. Bà Rousseff có lẽ sẽ không bao giờ dính vào các cáo buộc nếu như bê bối của bà liên quan tới Petrobras đã cổ vũ các nhà lập pháp đối lập quyết tâm lật đổ bà.
Ông Temer dù không bị cáo buộc trong vụ bê bối trên, nhưng một số đồng minh và thành viên đảng của ông lại bị cáo buộc. Tuy nhiên, rất nhiều nhà lập pháp ở Brazil do quá háo hức với một thời kỳ không có Rousseff nên đã thể hiện rõ mong muốn gia nhập lực lượng của ông để phục hồi lại quốc gia.