Chuyện mới ở Sà Phìn

Phương Nguyên 14/05/2016 08:00

Đồng Văn mà cụ thể là miền đất Sà Phìn trên vùng biên viễn Hà Giang vốn được coi là “rốn ma túy” của Cao nguyên Đá. Nghiện ngập, trộm cắp là ẩn họa hãi hùng bủa vây Sà Phìn một thời. Ngỡ tưởng Sà Phìn sẽ tê liệt, nhưng bằng sự vào cuộc của các cấp ngành, đất này đã vươn dậy và hồi sinh.

Thung lũng Xà Phìn ngày một đẹp hơn khi người dân từ bỏ cây thuốc phiện và tình trạng nghiện ngập.

Kí ức buồn

150 km đường dốc đá lên với thủ phủ của Cao nguyên đá Đồng Văn, qua ngã ba đường rẽ vào Phó Bảng, Sà Phìn hiện hữu trước mắt mọi người, dưới một thung lũng hết sức mộng mơ và hùng vĩ. Trước đây, do địa thế đẹp, lại là nơi được mệnh danh là “rốn thuốc phiện” nên một vị từng được coi là Vua người Mông đã lựa chọn đất này để xây dựng hành dinh. Ngoài vị trí đắc địa thì nơi đây còn là yết hầu để gieo trồng, quản lý các luồng ma túy ngược xuôi. Từ đây, thuốc phiện “chảy” về Hà Giang, xuôi các thị tứ và qua biên giới để đến các nơi khác như Ma Cao hay Myanmar.

Những ngày thịnh trị của loài cây nha phiến này, người Sà Phìn được coi là nhàn nhã nhất. Thuốc phiện ở đâu là có người tìm đến gạ mua. Rượu này, thịt này, muối này… kể cả những đồng bạc trắng hoa xòe, một trong những thứ kim ngân nổi tiếng của người Mông nếu cần cũng có hết. Ngày ấy, nhờ thứ “đặc sản” này mà người Sà Phìn được đưa lên những đỉnh cao của sự cưng chiều, không phải vất vả chân trần mà lội đá xuống chợ để mua bán và trao đổi như một số vùng miền khác.

Cuộc sống và sự trái phải hai mặt; tàn dư và hậu họa cũng bắt đầu đến gõ cửa vùng đất này. Tự hào chưa được bao lâu thì chính những “dòng nhựa nâu” chết người ấy đã đem những hệ lụy đến cho miền đất này.

Cao điểm nhất về tàn dư ma túy ở nơi đây, theo thống kê, cả thung lũng Sà Phìn bé nhỏ đã có tới 44 người “ăn khói”. Nghiện ngập đã đến với từng mảnh đời, từ sắp “ngấp nghé cửa lỗ” đến trẻ trung phơi phới. Chính trong thời kì cao điểm này, Sà Phìn đã được gọi với tên “xã vắng bóng đàn ông”; bởi vì lực lượng đàn ông trong xã đều bị thuốc phiện đeo bám, đành phải chấp nhận cảnh “chân co, chân duỗi” vì nghiện ngập ở các xó bếp và bậu cửa.

Nụ cười ngày mới.

Hiệu quả từ mô hình mới

Thuốc phiện và nghiện ngập đã đưa cánh thanh niên trai tráng của Sà Phìn vào những thảm cảnh “mộng mơ” không hồi thoát. Nhưng không thể để miền đất, những người dân nơi phên dậu này ngập ngụa và chìm đắm trong những cơn say bất tận, chương trình tuyên chiến với ma túy đã được phát động và đưa ra với miền đất Sà Phìn này. Mới đầu tưởng dễ, nhưng quả thực khi bắt tay vào việc mới thấy nó khó. Vì thuốc phiện và tàn dư của nó đã ăn quá sâu vào gốc rễ và ý thức của người dân rồi.

Theo ông Vàng Mí Lía, cán bộ xã Sà Phìn thì ngày đầu tuyên chiến, với kinh nghiệm là vận động và đưa đi cai nghiện cứ nghĩ sẽ dễ thực hiện với người dân Sà Phìn. Nhưng khi bắt tay vào mới thấy nó hết sức khó khăn. Nhiều gia đình người nghiện, khi cán bộ đến đã tỏ ra hết sức “cứng đầu”. Tình trạng nói không nghe, nhắc không chuyển, thậm chí khi vận động đi cai nhiều người đã thẳng thừng: Nhà tao ở tao không đi đâu hết. Thuốc tao hút là do tao trồng, do tao bỏ tiền ra mua, có ảnh hưởng đến ai đâu…

Gặp những khó khăn này, rất nhiều người đã nản. Nhưng chủ trương cứu lấy đất Sà Phìn, cứu lấy người Sà Phìn vẫn được quán triệt. Không thể dùng biện pháp cứng để thuyết phục, trong cái khó đã có cái khôn được ló ra. Sau rất nhiều ngày trăn trở, sau nhiều đêm chong đèn, chụm đầu trên đá núi để bàn bạc, một phương án “2 trong 1” đã được đưa ra để tuyên chiến với tình trạng ma túy của Sà Phìn.

Theo phương án này, cứ với mỗi con nghiện ở đây bao giờ cũng được bố trí 2 người, 1 người là cán bộ xã, 1 người là chiến sỹ công an hay biên phòng giúp đỡ. Theo ký ức của Phó Chủ tịch xã Lý Thị Kia thì ma túy và hậu họa của nó với Sà Phìn là hết sức khiếp đảm. Sinh năm 1980, bước vào tuổi biết chạy nhảy trên đá cũng là lúc Kia chứng kiến thời cao điểm nhất của hậu họa ma túy với quê hương mình.

Ngày tuyên chiến này, Kia đã là một cán bộ phụ nữ của xã. Kia nhớ lại, ngày ấy, theo phương án “2 trong 1” này, Kia đã nhận việc với một chiến sĩ biên phòng ở đây giúp đỡ một đối tượng nghiện hút có thâm niên. Nhận nhiệm vụ, cắt cử công việc gia đình, Kia đã dành thời gian để tìm đến cảm hóa đối tượng. Mới đầu sự bất hợp tác cũng đã đến với chị. Thế nhưng mặc, với công việc được giao, chị vẫn lăn xả vào.

Giúp việc nhà, thậm chí cả đi nương, chị cần mẫn và dành thời gian để tác động khuyên nhủ. Như câu nói người Mông, “nói phải củ cải cũng nghe”, cứ cần mẫn tác động và đem những câu chuyện về hậu họa ma túy ra kể, cuối cùng “thắng lợi” về sự cảm hóa cũng đến với chị. Người nghiện có thâm niên đã bắt đầu nghe và quyết định cùng chị khăn gói quần áo ra trung tâm để thực hiện việc cai nghiện cho mình.

Việc triển khai phương án “2 trong 1” này đã giúp ông Vàng Chá Sèo, một con nghiện có thâm niên và có tuổi nhất ở Sà Phìn đã dứt đi được “căn bệnh” vật vã vì khói thuốc cho mình. Từ một nhà nghèo khó do tàn dư của ma túy, giờ đây năm nào ông cũng trồng được 1,5ha ngô. Cùng với đó là lợn gà được chăn thả và tới thời điểm này ông đã trở thành một trong những hộ có kinh tế khá ở xã.

Là xã một thời được coi là trọng điểm về hậu họa của ma túy, nay 11 thôn, bản của Sà Phìn đã mang một bộ mặt mới khác xưa. Tiêu biểu như Lũng Hòa A và Sà Phìn, nơi được coi là “rốn ma túy” một thời nay tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm 7%, thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người. Trong niềm vui khi đất mình hết hậu họa, Sùng Xía Chá, Bí thư Chi bộ thôn Thành Ma Tủng vui vẻ cho biết: Cả thôn có tôi có 55 hộ thì nay hầu hết không còn ai nghiện ma túy, 100% các hộ trong thôn đều mua được xe máy, ti vi để dùng!

Phương Nguyên