NM điện hạt nhân Ninh Thuận an toàn hơn Fukushima
Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất cho Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân khi có sự cố. Điều đặc biệt là công nghệ đó có giải pháp nhốt chặt phóng xạ nếu xảy ra sự cố thông qua một bộ phận gọi là hấp thụ và nhốt chặt phóng xạ, an toàn hơn Fukushima.
Mô hình Nhà máy điện hạt nhân Nịnh Thuận.
Trình Dự án trong năm 2016
Theo điều chỉnh quy hoạch điện VII mới được Chính phủ thông qua tháng 3/2016, tổ máy đầu tiên nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ vận hành vào năm 2028.
Trước đó, năm 2009 khi Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ được vận hành vào năm 2020. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý còn thiếu, cộng thêm tác động từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi động đất. Do đó Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã phải lùi thời gian vận hành vào năm 2028.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Giám đốc Ban Quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận, cho đến nay, để đạt được tiến độ theo đúng quy hoạch điều chỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các cơ quan liên quan đang triển khai Dự án đào tạo nguồn nhân lực; Dự án đầu tư hạ tầng phục vụ thi công cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 bao gồm đường giao thông, cấp nước, cấp điện…
Đồng thời, sau một thời gian dài khảo sát, tháng 9/2015 các cơ quan này đã trình hồ sơ nhà máy 1 cho hội đồng thẩm định. Đối với nhà máy 2, các cơ quan này yêu cầu đơn vị tư vấn khảo sát, bổ sung và đã hoàn thành vào tháng 2/2016. Hiện các cơ quan chức năng đang thẩm định nội bộ và sẽ trình Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Hội đồng thẩm định nhà nước trong năm 2016.
Theo TS Hoàng Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, điện hạt nhân không đơn giản như điện truyền thống. Bởi điện hạt nhân liên quan đến an toàn quốc gia, luật pháp quốc tế và liên quan đến các nước láng giềng. Do đó, để xây dựng thành công một dự án điện hạt nhân và bảo đảm an toàn quốc gia, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã quy định phải hoàn chỉnh 3 bước và 19 yếu tố. Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn 2: giai đoạn hoàn tất các hồ sơ phê duyệt địa điểm, chuẩn bị ký hồ sơ thầu với nhà đầu tư Nga.
Đào tạo chuyên gia
Liên quan đến tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân bao gồm 19 yếu tố và được chia thành 3 yếu tố cơ bản: Khuôn khổ pháp lý, công nghệ lò phản ứng và nguồn nhân lực. Việt Nam cũng không nằm ngoài thông lệ đó. “Đây chính là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt đối với Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”- ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng chia sẻ, sau một loạt sự cố về điện hạt nhân như Chernobyl, Fukushima… cho thấy, yếu tố con người là yếu tố then chốt. Theo ông Tuấn, mọi vấn đề an toàn đều xuất phát từ con người, từ định hướng thiết kế, xây dựng, chế tạo và vận hành. Trước đó, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt Dự án đào tạo nguồn nhân lực lần đầu tiên vào năm 2013. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt kế hoạch đào tạo nhân lực điện hạt nhân, coi đây là công tác rất quan trọng.
Theo kế hoạch này, năm 2015 kinh phí đào tạo dành cho chuyên gia 10 tỷ đồng; năm 2016 lên tới 15 tỷ đồng. Tính đến năm 2015, đã có gần 400 sinh viên, cán bộ Việt Nam được cử đi học các chuyên ngành điện hạt nhân ở Nga và các nước có nền khoa học-công nghệ hạt nhân phát triển.
Liên quan đến vấn đề an toàn hạt nhân và để đáp ứng 19 yếu tố do IAEA đưa ra, Bộ Khoa học & Công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã quyết định lựa chọn công nghệ hiện đại nhất để khắc phục được những nhược điểm như nhà máy Fukushima đã từng gặp sự cố.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện Việt Nam lựa chọn công nghệ AS 2016 phiên bản 491, đây là công nghệ tiên tiến của Nga cho Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và đã được kiểm chứng xây dựng trên 3 dự án: Dự án Leningrad 2, Dự án Bantích (Nga) và Dự án Belarus.
Những công nghệ này hoạt động theo nguyên tắc an toàn chủ động và thụ động; đồng thời bảo vệ theo nguyên tắc 5 lớp. Điều đặc biệt là có giải pháp nhốt chặt phóng xạ nếu xảy ra sự cố thông qua một bộ phận gọi là hấp thụ và nhốt chặt phóng xạ, an toàn hơn Fukushima. Đây là phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhà máy điện hạt nhân.Còn đối với Dự án nhà máy 2 sẽ lựa chọn công nghệ Nhật Bản và do Nhật giúp đỡ.
Theo lãnh đạo Cục Năng lượng nguyên tử, nếu chỉ đơn thuần về kỹ thuật thì đến năm 2025 có thể đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành. Tuy nhiên Việt Nam chưa có kinh nghiệm nên cần chuẩn bị kỹ hơn về cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, công nghệ, đào tạo nhân lực…do đó, việc vận hành tổ máy đầu tiên sẽ dự kiến vào năm 2028.