Nghệ thuật đô thị khác với may đồng phục
Quan tâm đến tuyến phố kiểu mẫu thí điểm của Thủ đô, họa sĩ Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL)- cho rằng dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc mà chính quyền sở tại đang làm mới dừng lại ở qui hoạch biển quảng cáo. Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, ông cho rằng hiện chúng ta đang thiếu vai trò của một kiến trúc sư trưởng trong việc tham vấn, điều hành, điều tiết thẩm mỹ chung của thành phố Hà Nội về nghệ thuật thiết kế đô thị.
Tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, Hà Nội. (Ảnh: Âu Phương Thảo).
PV: Thưa ông, dư luận đang quan tâm đến câu chuyện tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (Hà Nội). Dưới góc độ một họa sĩ, một nhà nghiên cứu về mỹ thuật, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
![]() |
Ông Vi Kiến Thành: Quan điểm của tôi là về chủ trương chung muốn tạo ra một môi trường thẩm mỹ có sự ngăn nắp, qui hoạch, sắp xếp ở một tuyến phố mới thì việc thực hiện ở tuyến phố Lê Trọng Tấn vừa qua là tốt. Nhưng để tạo ra một bộ mặt thẩm mỹ đô thị thì việc thực hiện vừa qua còn rất nhiều vấn đề. Ở đây, khi tiến hành thí điểm ở tuyến phố Lê Trọng Tấn, nhà quản lý chỉ mới dừng ở việc qui hoạch biển quảng cáo, công việc mới chỉ dừng lại ở mức độ đồng bộ về khuôn khổ, giống nhau về màu sắc, thống nhất ở vị trí treo tấm biển. Theo tôi, cách làm này của Hà Nội chỉ mới đúng một nửa.
Tôi cho rằng, về màu sắc, nội dung, bố cục, kiểu chữ… của biển quảng cáo thì cần phải để cho các hộ kinh doanh được quyền quyết định, chứ không được can thiệp tùy ý như vậy. Bởi các biển quảng cáo phù hợp, sáng tạo mới có thể tiếp cận đến người tiêu dùng trong việc nhận diện thương hiệu, sản phẩm. Còn chỉ với 2 màu xanh và đỏ như hiện nay đã tạo nên sự cứng nhắc.
Theo ông việc đồng nhất chất liệu thiết kế biển hiệu quảng cáo tại phố Lê Trọng Tấn như hiện nay đã ổn chưa?
- Theo tôi, vấn đề chất liệu cũng không nên qui định cụ thể, cứng nhắc. Chất liệu phải để cho mọi người tự do sáng tạo bởi quảng cáo là một ngành đòi hỏi sự hiệu quả trong việc quảng bá các sản phẩm.Trong đó sự khác nhau về chất liệu, màu sắc, kiểu chữ, chi tiết, logo… đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đây là cả một vấn đề về maketing chứ không phải chuyện may đồng phục cho một ngành. Từ câu chuyện tại đường Lê Trọng Tấn có thế thấy những người thực hiện hiểu vấn đề quá đơn giản và không đúng.
Vậy ông nghĩ sao nếu nhân rộng mô hình tuyến phố Lê Trọng Tấn ra nhiều tuyến phố khác tại Thủ đô?
- Tôi nghĩ công việc này đã được xác định ban đầu là làm thí điểm để lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, dư luận xã hội. Do đó, trước mắt cần phải xem tính hiệu quả của mô hình thí điểm ra sao rồi mới nhân ra diện rộng. Ngay lập tức thì chưa thể được. Nếu họ muốn làm một tuyến phố thí điểm như tuyến phố Lê Trọng Tấn thì nên làm đồng bộ hơn, không chỉ ở vấn đề quảng cáo mà còn cả vấn đề thẩm mỹ kiến trúc, thẩm mỹ mặt phố của từng ngôi nhà. Ở đây khi qui hoạch tuyến phố Thủ đô là phải tạo cho ra nét kiến trúc của từng khu phố riêng.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử… cho rằng, họ sẵn sàng đóng góp ý kiến cho nghệ thuật thiết kế đô thị nói riêng và trong việc qui hoạch phố phường Hà Nội nói chung. Ngặt nỗi, lâu nay họ không hề được hỏi ý kiến, hoặc nếu có góp ý thì cũng chưa được nhà quản lý lắng nghe.
Đây cũng là tình trạng chung ở ta. Ý kiến của các nhà chuyên môn mấy khi được các nhà quản lý hỏi đến.
Ngoài việc quan tâm đến nghệ thuật thiết kế đô thị ở tuyến phố Lê Trọng Tấn, người dân còn có một băn khoăn khác là sự “đồng bộ hóa” ở tuyến phố kiểu mẫu, nếu chỉ là sự đồng bộ về biển hiệu quảng cáo theo ông đã đầy đủ chưa?
- Vấn đề thẩm mỹ kiến trúc đô thị hiện nay của Việt Nam đang còn rất nhiều vấn đề, chứ không phải riêng vấn đề biển quảng cáo. Tuy nhiên để giải quyết hết những bất cập chúng ta nên làm từng vấn đề một, chứ không thể làm cùng một lúc bởi nó không đơn giản và liên quan đến nhiều khía cạnh.
Đặc biệt, vấn đề kiến trúc của mặt phố đang là câu chuyện cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá trong việc sắp xếp có qui hoạch và ý đồ về mặt thẩm mỹ một cách chính xác và thấu đáo. Trước đây, Hà Nội cũng đã từng nghĩ đến vai trò của Kiến trúc sư trưởng thành phố, đây là kiến nghị rất tốt và có cơ sở. Thế nhưng sau đó cũng có thể Kiến trúc sư trưởng thành phố chưa làm được đúng như vai trò của mình hoặc do lãnh đạo thành phố thấy không cần thiết nên đã “giải tán” chức danh này.
Có một thực tế là hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay, bất cứ thành phố lớn nào cũng đều có một Kiến trúc sư trưởng. Những người này chịu trách nhiệm vô cùng quan trọng trong việc điều hành, điều tiết thẩm mỹ chung của thành phố về mặt kiến trúc. Họ còn phải chịu trách nhiệm kể các những vấn đề tưởng như rất nhỏ là mặt phố, tường nhà… Tôi được biết hiện nay Hà Nội đã xóa bỏ Văn phòng Kiến trúc sư trưởng. Do đó, trước mắt cũng cần phải có những động thái, dư luận, ý kiến để TP. Hà Nội phải xem xét lại vấn đề này. Vì đây không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn phải thực hiện về lâu dài.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trên cổng thông tin điện tử ngày 13/5, UBND quận Thanh Xuân cho hay: Để tạo sự chuyển biến đồng bộ về trật tự mỹ quan đô thị, tạo ra một diện mạo đô thị văn minh, hiện đại theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thành phố; quan điểm của quận Thanh Xuân là cần có sự đồng bộ, hài hòa về màu sắc của hệ thống biển hiệu dọc tuyến đường Lê Trọng Tấn với màu sơn của nhà dân (màu vàng nhạt và ghi xám), hệ thống cây xanh hai bên đường, hệ thống đèn led chiếu sáng; phù hợp với đặc điểm thời tiết khí hậu, thuận tiện cho việc kinh doanh của các hộ dân; đặc biệt là gắn liền với đặc trưng của Thủ đô Hà Nội- trái tim của Tổ quốc, Thành phố Hòa bình nên đã thiết kế và hoàn thành lắp đặt hệ thống biển hiệu tạo nên vẻ đẹp thống nhất trên toàn tuyến đường… Sau khi đưa vào sử dụng tuyến đường Lê Trọng Tấn, Quận sẽ ban hành quy định quản lý, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc hai bên tuyến đường, xây dựng mô hình quản lý nhân dân tự quản, giao cho phường Khương Mai tiếp tục quản lý duy tu vận hành và đảm bảo an ninh trật tự lòng đường vỉa hè. Từ thực tế việc triển khai chỉnh trang tuyến đường Lê Trọng Tấn, Thành phố và quận Thanh Xuân sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm tiếp thu ý kiến của nhân dân, báo chí… để tiếp tục nhân rộng trên một số tuyến đường khác của Quận, tạo diện mạo đô thị khang trang trên địa bàn quận và Thủ đô. |