Nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học: Cách nào?
Sáng nay (14/5) tại Hà Nội chính thức khai mạc Ngày hội STEM dành cho học sinh trên 6 tuổi. Thông qua các trò chơi khoa học mang tính thực nghiệm, các em sẽ tìm thấy vẻ đẹp riêng biệt kỳ thú của khoa học thay vì chỉ là những ý niệm xa xôi, là tháp ngà khô khan không thể chạm tới. Niềm đam mê với khoa học sẽ được thắp lên và sau đó sẽ tiếp tục được duy trì dài lâu hay không là nhờ sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội qua những hành động cụ thể.
Mô hình nghiên cứu cacbon trong tự nhiên
của học sinh trường THCS Trưng Vương, Hà Nội.
Ươm mầm khoa học từ CLB trong nhà trường
Ngày hội STEM 2016 diễn ra trong 2 ngày 14,15/5 tại 24 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sẽ có 7 phòng học và các khu trình diễn khoa học để các em nhỏ khi đến đây có thể được trải nghiệm qua nhiều phương pháp giáo dục gắn với toán học, vật lý, sinh học, nông nghiệp... Các em sẽ được theo dòng thời gian trải nghiệm từ ngọn lửa, làm cầu đến hàng không đến vi sinh vật hay các vấn đề về nông nghiệp… Ngày hội STEM chia làm 3 luồng khác nhau cho học sinh, cho phụ huynh và các phần show khoa học cho học sinh và cả phụ huynh. |
“Có những hôm 12 giờ đêm, tôi còn nhận được tin nhắn báo cáo thành tích của học sinh khi vừa thực hiện thành công một thí nghiệm khoa học mà các em tâm đắc”. Đó là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Kiêm Tuấn, giáo viên Vật lý của Trường THCS Trưng Vương khi nói về CLB khoa học của trường mà thầy cũng là một thành viên.
Với sự tham gia tự nguyện của gần 300 học sinh ở tất cả các khối lớp trong trường, CLB khoa học của trường Trưng Vương sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần. Trong đó, các em học sinh định kỳ đều có báo cáo với các thầy cô tham gia CLB về tiến độ công việc để nhận được sự sẻ chia, khích lệ và những hướng dẫn từ những người thầy, người cô có kinh nghiệm.
“Không có chuyện bị loãng khi các con tham gia cùng lúc nhiều CLB nếu mọi việc các con làm đều xuất phât từ sự đam mê và yêu thích, hoàn toàn không có sự ép buộc. Bên cạnh đó là sự hậu thuẫn từ gia đình, sự ủng hộ của nhà trường và giáo viên nên không có chuyện vì đam mê khoa học mà các con ảnh hưởng đến học tập. Thậm chí, việc tham gia CLB với những sáng tạo càng kích thích, nâng cao chất lượng học tập của con trẻ lên rất nhiều. Bản thân tôi và nhiều thầy cô giáo khác có những lúc phải “tìm cách” kiềm chế bớt sự đam mê của các con để cân đối với thời gian học tập, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động khác” – thầy giáo Nguyễn Kiêm Tuấn khẳng định.
Trước đó, vào dịp 26/3, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội đã tổ chức Ngày hội khoa học vui là cơ hội để các em học sinh được giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của mình. Có 42 đề tài với hàng trăm sản phẩm thuộc 6 lĩnh vực: sinh học, vật lý, hóa học, công nghệ… do các em học sinh thuộc các câu lạc bộ khoa học của nhà trường nghiên cứu và chế tạo. Trong đó, nhiều sản phẩm đã đạt giải cao trong các cuộc thi cấp thành phố và quốc gia.
Nói về những đứa con tinh thần của các học trò của mình, thầy giáo Nguyễn Kiêm Tuấn cho biết mỗi sản phẩm là một trải nghiệm, một kỷ niệm của cả thầy và trò. Ví dụ có những hôm học sinh và thầy cùng nhau đi đến chợ giời để mua thêm các đồ về làm thí nghiệm từ sáng cho đến 2, 3 giờ chiều “quên” cả ăn trưa như sản phẩm chế tạo máy phát điện từ gió. Hay các con chế tạo máy bay bắn tên lửa nước cũng hăng say làm đến mức các thầy cô trong CLB phải “nhắc nhở”.
Làm sao nuôi dưỡng đam mê?
Điều trăn trở lớn nhất của thầy Tuấn cũng như những người quan tâm đến khoa học là sau khi khơi gợi được niềm đam mê, hứng thú với khoa học ở các em học sinh thì sau đấy, làm sao để nuôi dưỡng được niềm đam mê này ở các cấp học lớn hơn.
Ông Đặng Văn Sơn, Giám đốc Học viện S3 chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên, (ĐHQG Hà Nội), tôi nhận thấy nhiều em sinh viên tham gia chuyên ngành khoa học của trường gần như không biết tại sao mình lại thi vào trường này. Niềm đam mê khoa học bị tắt rất sớm. Bên cạnh đó, đầu vào của trường không cao, đặc biệt là trong thời gian vừa rồi. Vì vậy, bên cạnh việc hướng dẫn cho sinh viên chúng tôi bắt đầu quay trở lại với học sinh với mong muốn để làm sao khi lên Đại học các em vẫn duy trì được niềm đam mê của mình. Trong đó, theo tôi giáo dục STEM rất thiết thực cho Việt Nam hiện tại khi chúng ta có nhiều cuộc thi lý thuyết như giải bài tập trên máy tính nhưng lại ít phần thực hành vốn là phần rất quan trọng”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho rằng trước hết hãy làm việc thắp lửa đam mê khoa học cho các cháu học sinh ngay từ lứa tuổi càng nhỏ càng tốt. Việc tổ chức Ngày hội STEM là một sự chủ động của ngành khoa học và bắt đầu từ những việc có thể làm được. “Việc duy trì niềm đam mê khoa học cho học sinh không chỉ ở cấp 1, cấp 2 mà lên đến Đại học… không phải là chuyện một cá nhân có thể làm được. Cần chủ trương trong nhà trường. Trong đó, việc tích hợp vào hệ thống giáo dục là việc cần thiết. Nhưng hãy làm từ dễ đến khó. Mỗi đơn vị, cá nhân hãy bắt đâu từ những việc mình có thể chủ động giải quyết được. Chúng tôi luôn sẵn sàng trao đổi với các nhà trường về chương trình phát triển các CLB khoa học ở các lứa tuổi khác nhau, cách để duy trì niềm đam mê cho các em một cách thường trực ngay tại cơ sở, trước khi làm được những điều vĩ mô hơn như xây Viện bảo tàng khoa học để các em đến tham quan” – ông Định nhấn mạnh.