“Hồ sơ Panama”- những điều chưa biết

T.H. 14/05/2016 20:37

Hồ sơ Panama gồm 11,5 triệu tài liệu được một nguồn tin giấu tên cung cấp cho tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung hơn một năm trước. Tờ Süddeutsche Zeitung sau khi nhận được tài liệu đã chia sẻ với Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một tổ chức phi chính phủ, cùng hơn 100 tờ báo và 400 phóng viên tại 80 quốc gia. 

11,5 triệu tài liệu được lấy từ Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama. Công ty này hoạt động tại 42 quốc gia trên toàn thế giới với đội ngũ nhân lực khoảng 600 người. Họ chủ yếu làm việc trong lĩnh vực tài chính, có quan hệ hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như Deutsche Bank, HSBC, Société Générale, Credit Suisse, UBS, Commerzbank và Nordea. Công ty này hiện đã “góp tay” trong hoạt động của 300.000 công ty nhỏ khác, chủ yếu ở các khu vực được ưu đãi thuế.

Theo tiết lộ ICIJ một kết quả kiểm toán năm 2015 cho thấy, Mossack Fonseca nắm danh tính chủ sở hữu thực của 204 trong tổng số 14.086 công ty được thành lập tại Seychelles – một quần đảo thuộc Ấn Độ Dương vốn được hiểu như một “thiên đường thuế
215.000 công ty vỏ bọc nước ngoài và 14.153 khách hàng có mối liên hệ với Mossack Foseca. 143 chính trị gia, trong đó có 12 lãnh đạo chính trị cấp cao, cùng gia đình và phụ tá thân cận của họ, bị cáo buộc dùng các công ty vỏ bọc để trốn thuế, che giấu số tài sản khổng lồ.

Việc đầu tư vào một công ty nước ngoài, thường không phải là việc bất hợp pháp. Dù vậy, cách sử dụng vốn đầu tư có thể bị biến tướng để trốn thuế và rửa tiền.

Và thế nào là “thiên đường thuế”? Tại một số nơi như ví dụ British Virgin Island - BVI, Bahamas, Cayman Islands có mức thuế suất áp vào doanh nghiệp 0%, hay một số nơi khác áp mức thuế rất thấp, chẳng hạn như Qatar chỉ 10%, Singapore 17% hay Hồng Kông 16,5% Việc các nước và vùng lãnh thổ này đặt ra mức thuế rất thấp để hấp dẫn các công ty đến đăng ký là quyền của họ và mình không can thiệp được.

Điều mà người ta quan tâm liên quan đến “Hồ sơ Panama” nói riêng hay việc các cá nhân hoặc công ty nắm các công ty đăng ký ở các thiên đường thuế thường quy về 2 điểm: tiền mà họ đầu tư vào các công ty này đến từ đâu (minh bạch về nguồn tiền); họ có khai báo việc sở hữu các công ty này không, từ đó họ có đóng thuế thu nhập trên nguồn thu từ các công ty này hay không (thực hiện nghĩa vụ thuế).

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam Trần Vinh Dự, báo chí thế giới ồn ào liên quan đến “Hồ sơ Panama” cũng chủ yếu xoay quanh những vấn đề đó. Trong một số trường hợp, nó chỉ ra rằng các quan chức hóa ra có nhiều tiền không khai báo quá - vì họ sở hữu những công ty lớn đăng ký ở các thiên đường thuế. Trong một số trường hợp khác, nó hàm ý những vị quan chức này che giấu các nguồn thu kiếm được từ nước ngoài và vì thế đã trốn việc đóng thuế thu nhập cá nhân trên các nguồn thu này.

Thực ra thì việc có tên trong “Hồ sơ Panama” chưa hẳn đã có tội. Nếu có thì nằm ở 2 vấn đề nêu trên.

T.H.