Người thể hiện thơ Bác Hồ bằng nghệ thuật thư họa
Nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2007) Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc TP HCM xuất bản tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên tác phẩm văn học lớn - một văn kiện lịch sử vô giá của Đảng ta được các nghệ sỹ thể hiện bằng nghệ thuật thư họa để tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với công lao và sự nghiệp của Bác Hồ và mong muốn toàn Đảng, toàn dân “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Một trong những nghệ sỹ tiên phong trong việc thể hiện thơ Bác Hồ bằng nghệ thuật thư họa là họa sỹ Trương Hán Minh.
Một bức tranh của họa sĩ Trương Hán Minh.
Các nhà thư pháp trong và ngoài nước cũng như đông đảo độc giả đánh giá rất cao các tác phẩm “nghệ thuật thư họa” của họa sỹ Trương Hán Minh thể hiện thơ chữ Hán của Bác Hồ trong tập “Nhật ký trong tù” như các tác phẩm: “Khai quyển” (Mở đầu tập Nhật ký), “Phân thủy” (Chia nước), “Vãng Nam Ninh” (Đi Nam Ninh), “Công kim” (Tiền công), “Anh phỏng Hoa đoàn” (Đoàn đại biểu Anh thăm Trung Hoa), “Lai Tân “, “Đáo Đệ tứ chiến khu Chính trị bộ” (Đến Cục Chính trị chiến khu 4), “Thu cảm”...
Không những thế, Trương Hán Minh là người đi tiên phong và cũng rất thành công khi dùng nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc minh họa thơ Bác Hồ như các tác phẩm: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”, “Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”, “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”,... với lối điểm bút phá mặc, vẽ mây trên núi, khói sương phủ rừng cây rất sinh động.
Các tác phẩm tranh thủy mặc của Trương Hán Minh đã nhiều lần được in vào tuyển tập tranh vẽ mỹ thuật toàn quốc và tuyển tập tranh danh nhân nhiều nước trên thế giới. Tranh Trương Hán Minh đã từng triển lãm cá nhân tại Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Australia, Malaysia, Lào...
Khi đến thăm Nghệ Uyển Lĩnh Nam của họa sỹ ở TP HCM tháng 7/1996 ông Quách Siêu Nhân - Tổng Giám đốc Tân Hoa Xã nhận xét: “Trương Hán Minh là họa sỹ hàng đầu tranh thủy mặc của Việt Nam và thế giới, tài năng của anh được ghi nhận, tấm lòng nhân ái của anh được trân trọng...”
Ngày nay nhiều người biết Trương Hán Minh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; Thường vụ Ban Chấp hành Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam; Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội văn hóa các dân tộc TP HCM; Uỷ viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam...
Nhưng lại không nhiều người biết từ nhiều năm nay anh là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cả 4 cấp từ cơ sở đến Trung ương với rất nhiều cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như các đóng góp nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật một cách khiêm nhường, bền bỉ theo đúng nghĩa “thương người như thể thương thân”.
Cùng tham gia Hội đồng Tư vấn về lĩnh vực Văn hóa UBTƯ MTTQ Việt Nam, tôi có nhiều dịp được trò chuyện cùng họa sỹ trong những dịp đi công tác TP HCM cũng như khi họa sỹ ra Hà Nội họp Hội đồng Tư vấn, họp Ủy ban Trung ương Mặt trận hoặc đi công cán, giao lưu, sáng tác.
Họa sĩ Trương Hán Minh (bên phải) và tác giả bài viết.
Có lần tôi hỏi anh về chuyện “nhắm mắt vẽ tranh”. Anh cho biết báo chí viết về anh khá nhiều, nói chung là chân thực, nhưng cũng có những tác giả có thể vì quá yêu mến hoặc hiểu sai, tiếp nhận thông tin không chính xác nên gây ngộ nhận, hiểu lầm trong công chúng.
Anh cho biết: Hội họa với tôi không phải là nghề gia truyền vì cha mẹ tôi là nhà nông thì truyền cái gì. Gia đình tôi chỉ có ba biết chữ còn má thì không biết chữ. Ba, má tôi sanh ra tôi ở khu Chợ Lớn - Sài Gòn. Đầm Sen, Chợ Lớn là nơi “chôn nhau cắt rốn” của tôi. Lúc đầu ba, má tôi không có nghề nghiệp gì sau bà con bày cho mới biết đi trồng trọt, khai hoang, chặt tre, chặt trúc, nuôi heo, đào ao nuôi cá, qua mười mấy năm mới có ăn và khá giả hơn chút xíu.
Hồi nhỏ tôi học hết lớp tư phải nghỉ 2, 3 năm để giúp nhà trồng trọt sau gia đình khá giả mới học tiếp được, nên học thức của tôi đâu có cao, chỉ học hết lớp 10/10. Hồi đó học Đại học phải đi nước ngoài mà mình đâu có khả năng. Sau đó mình tự học nhưng không dám công khai.
Hồi tôi 17 tuổi vừa học vẽ vừa làm cơ khí, sản xuất dây thun (chun), các ngón chân tôi đều bị thương hết do nước ăn chân khổ cực lắm không ai biết đâu. Ngay từ lúc học phổ thông tôi đã vừa học vừa làm. Hội họa là học lén chứ cha mẹ đâu có cho học. Ba tôi không đồng tình việc học vẽ vì cho rằng họa sĩ nghèo nên mình phải học lén từ bé nên bị đánh hoài vào tay.
Tôi học văn hoá không khá nhưng vẽ thì lần nào cũng được khen. Tôi phải mất trên mười lăm năm vất vả làm kinh tế, vừa học vẽ, vừa làm thuê. Sau này sản xuất phát triển có thuê thêm công nhân nhưng mình cũng kiêm luôn các việc vừa là giám đốc, thủ quỹ, người giao hàng... làm vất lắm nên bị dau dạ dày từ sớm. Mấy chục năm vừa “cầm búa” vừa “cầm cọ” (bút vẽ) cho đến bây giờ vừa “cầm cọ” vừa làm công tác Mặt trận và làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo.
Nói về tranh thủy mặc, anh tâm sự: Mỗi bức vẽ đều phải có thần, có khi luyện mấy chục năm mới thành được. Mỗi bức vẽ đều là “độc nhất, vô nhị”. Vẫn người đó vẽ bức thứ hai đã không hoàn toàn giống bức đầu nữa. Nói về bút pháp, ngày xưa tôi học thầy Lương Thiếu Hằng thuộc họa phái Lĩnh Nam ở Nghệ uyển Đông phương. Thầy dạy tôi chỉ có “tứ quân tử” (mai, lan, trúc, cúc) mà tôi tập mất 3 năm.
Mình tập rồi mới biết tại sao như vậy. Thành ra trong đó nó có nguyên tắc, biết được thì rất dễ dàng. Ban đầu thầy dạy chỉ có mấy nét phất qua, phất lại cũng thành cành trúc rất là đẹp, rất mạnh mẽ. Nhưng tất cả cũng từ mấy nét phất qua, phất lại đó bao gồm đủ thứ hết.
Qua thực tế mấy tháng khổ luyện mình mới vẽ được thân trúc. Rồi qua mấy tháng nữa mới vẽ được cái lá trúc... Ban đầu mình không biết cả chùm lá trúc phải xử lý thế nào, vẽ nét nào trước, nét nào sau. Sau đó mình tìm ra phương pháp, nhìn ra cấu tạo giống như bàn tay mình, mình vẽ như bàn tay xen kẽ, đưa trước, đưa sau, đắp qua đắp lại như những chữ nhân, chữ cái 3 nét chồng vô, thấy hơi mỏng lại chồng vô tiếp chữ nhân ở dưới.
Có thể bên cạnh thấy còn thiếu lại chồng thêm chữ nhân, tạo ra chùm lá rất đẹp. Trong bố cục chồng chữ cái, với chữ giới thành chữ phân rồi từ đó mình có 3 chữ cái mình mới chồng lên có tầng cao tầng thấp, cành thì thêm chút lá cây vô có chỗ trống không cần vẽ bút không tới mà ý tới rồi.
Lúc mình dạy học sinh vẽ cái cành thì mình nhấn thêm vài nét lá thành chữ nhân cứ chéo qua chéo lại thành ra nét bút có chỗ đậm có chỗ nhạt có chỗ dày, có chỗ thưa nên bố cục nó mới tinh tuý, chứ đều quá thì không được. Mình tự học và nghiên cứu mất 3 năm, đúc rút tổng kết lại để giải thích cho học sinh có 1 tiếng đồng hồ các em hiểu, để trong 3 tháng luyện tập có thể vẽ được. Cái đó gọi là phương pháp sư phạm. Ngày xưa thầy dạy mình đâu có sư phạm như vậy. Mình phải tự tìm ra cái sư phạm để dạy học sinh.
Anh đã dạy nhiều năm và đã tìm ra phương pháp dạy thành công, cho tới bây giờ anh đã dạy ở Trường Đại học Mỹ thuật Huế, dạy Đại học Sư phạm và Đại học Mỹ thuật Quảng Tây, Trung Quốc.
Anh dẫn tôi đi thăm và giới thiệu các phòng vẽ, phòng trưng bày tranh thuỷ mặc ở Nghệ uyển Hán Minh, Nghệ uyển Lĩnh Nam và tư gia. Trả lời nhận xét của tôi anh nói: Tranh thuỷ mặc chú trọng cả ba thứ: hình, thần và ý. Hình là cái cốt để gửi ý. Thần là cái chủ yếu làm cho tranh sống động. Thuỷ mặc gửi cái thần và cái ý dưới các hình thức phong cảnh, tre trúc, hoa lá, điểu ngư... nhằm biểu đạt niềm vui và nỗi buồn của con người qua tác phẩm. Tranh thuỷ mặc của mình vẫn giữ cái truyền thống nhưng phát triển thêm cái hiện đại.
Có truyền thống mà không theo kịp thời đại thì sẽ bị lạc hậu, lạc hậu thì chỉ những người thích cái cũ cái truyền thống họ thích thôi. Nên phải kết hợp giữa cái cũ và mới nên tranh của mình kết hợp vừa cổ vừa kim. Vừa học hỏi, vừa sáng tạo, từ cái một biến thành cái mười, từ cái mười biến thành cái trăm, vì thế càng ngày càng phong phú rộng rãi hơn. Vì thế, tranh của mình vẽ đủ thứ hết không chỉ là hoa lá, chim muông đâu mà cả thú vật, động vật...
Như khi đi Sa Pa mình chỉ để ý tìm chất riêng của phong cảnh miền Bắc và mình lấy phong cảnh sơn thuỷ truyền thống đưa vào rồi mình biến lại, trang điểm lại một chút hiện đại nhưng nhìn không thể biết. Thành ra mình đi thực tế để từ cái cũ người xưa để lại, rồi mình thêm cái mới vô và lấy cái truyền thống làm nền tảng, lấy cái của mình mới khám phá tới thành cái của mình, nên cái họ có mình cũng có và cái họ không có mình cũng có.
Thực ra, người dân thành phố và các tỉnh biết đến anh, gọi anh là con người của công chúng không phải vì anh là họa sỹ vẽ “tranh thủy mặc” hàng đầu Việt Nam mà vì họ thường thấy anh xuất hiện trong các buổi từ thiện để quyên góp, giúp đỡ người nghèo, ủng hộ đồng bào bị bão lụt thiên tai, ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ “đền ơn đáp nghĩa”... với số tiền hàng tỷ đồng mà anh không thể nhớ hết và cũng không muốn kể với ai.
Có điều anh rất tự hào khẳng định là họa sỹ duy nhất ở Việt Nam tham gia Ủy ban Mặt trận ở cả 4 cấp: cấp phường, cấp quận, cấp thành phố và cấp Trung ương. Anh bảo: Khi mình làm công tác Mặt trận các cấp (từ năm 1982) càng được gần dân, sống với dân và sống vì dân... nó vơi đi nhiều nỗi buồn.
Tại tư gia của anh tôi đã thấy xếp hàng chồng các loại bằng khen, bằng chứng nhận giải thưởng của các tỉnh, thành, các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương vì những thành tích và công lao đóng góp của Anh với cộng đồng, với đất nước, với nhân dân. Anh đã tham gia 5 khóa Mặt trận Trung ương và hiện nay vẫn đang là Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam khoá VIII. Anh vẫn tiếp tục cống hiến trí tuệ, sức lực, của cải vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó cũng là cách anh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách thiết thực, giản dị và đáng trân trọng biết bao.