Mùa phim hè 2016: Phim nhập “vùi dập” phim ta
Với tỉ lệ 5 trên tổng số hơn 10 siêu phẩm điện ảnh ngoại, phim hè 2016 của Việt Nam không chỉ lép vế về số lượng mà còn bị áp đảo tuyệt đối về độ hùng hậu, ăn khách mà những bom tấn nhập khẩu rầm rộ đổ bộ vào rạp ta.
Minh Hằng - Quý Bình trong phim “Bao giờ ta yêu nhau” vừa ra rạp.
Vừa một bàn tay
Cho đến thời điểm này, có thể đếm trên đầu ngón tay những phim Việt đã và sẽ ra rạp trong mùa hè này. Đó là “Lật mặt 2”, “Bao giờ có yêu nhau”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Fan cuồng” và “Mặt nạ máu”.
“Lật mặt 2: Phim trường” được đánh giá là một trong những phim hành động “chất” nhất của điện ảnh Việt. Phim “nổ súng” đầu tiên cho mùa phim hè Việt (ra rạp từ 29/4) cũng đã sớm tạo nên những thành công đáng mừng, đó là thu về 15 tỉ sau 3 ngày chiếu rạp. Hiện tại, chưa có những con số thống kê tiếp theo song phim hứa hẹn sẽ không kém cạnh “anh chị” của mình.
Tiếp theo, “Bao giờ có yêu nhau” vừa ra rạp ngày 12/5 làm nên sức hút ngay từ việc đánh dấu sự hợp tác của hai “cặp đôi hoàn hảo” là diễn viên Quý Bình- Minh Hằng và đạo diễn, nhà sản xuất đồng thời là vợ chồng Dustin Nguyễn- Bebe Phạm. Thông tin “phim giả tình thật” giữa Minh Hằng- Quý Bình với màn tỏ tình, cầu hôn ngọt ngào trong buổi ra mắt phim cũng khiến khán giả thêm tò mò.
Ở một “màu sắc” khác, “Mặt nạ máu” (dự kiến ra rạp 24/6) cũng “thật tình cờ, thật bất ngờ” là lại có sự “kiêm nhiệm”. Diễn viên hài Hoài Linh lần đầu tiên hóa thân vào 3 nhân vật trong đó có một vai giả gái. Ở thể loại kinh dị, li kì và hài hước, phim còn có sự góp mặt của các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng như Khởi Mi, Nguyễn Phi Hùng, Dương Cẩm Lynh, Tấn Beo…
“Fan cuồng” (dự kiến ra rạp 15/7) là một sản phẩm đánh dấu sự trở lại của Charlie Nguyễn. Phim kể về nhân vật Thái (Thái Hòa), người hâm mộ cuồng nhiệt của chàng ca sĩ nổi tiếng Gia Nghị (Johnny Trí Nguyễn). Để giúp thần tượng thoát khỏi rắc rối Thái đã quyết định quay ngược thời gian để tìm cách giúp đỡ nhưng không ngờ lại càng khiến mọi chuyện rối tung lên.
Cuối cùng là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (dự kiến ra rạp 19/8). Phim do Ngô Thanh Vân đạo diễn và đóng vai dì ghẻ lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám của Việt Nam. Bộ phim kể về cuộc đối đầu của hai chị em Tấm (Hạ Vi) và Cám (Ninh Dương Lan Ngọc) để giành lấy trái tim của hoàng tử (Issac)…
Vẫn so để thấy người ta... to
Dù 5 phim ra rạp đều có những màu sắc khác nhau song không khỏi lặp lại những gì đã cũ. Không kinh dị thì lại hài hước, chẳng hài hước thì lại lãng mạn, rồi quay ra viễn tưởng, cổ tích… Tất nhiên, phim ảnh trên thế giới cũng chỉ xoay quanh mấy thể loại đó nhưng thường, mỗi phim là một sự mới mẻ về công nghệ, diễn xuất hay sự phát hiện ra những diễn viên mới.
Còn ở Việt Nam, dường như không có mấy sự bứt phá, khiến cho phim nào, mùa nào cũng cứ na ná như nhau, không thể nhìn phim mà gọi ra phong cách hay xu hướng hay sự phát triển, khác biệt của mùa nào, đạo diễn nào, diễn viên nào.
Trò chuyện với một đại diện truyền thông của hãng phim, chị nói đại ý rằng nếu so phim Việt Nam với phim nước ngoài thì chỉ như đứa trẻ mới lẫm chẫm tập đi so với siêu nhân nên đừng so sánh làm gì. Đúng là mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng vẫn phải so để thấy rằng, động lực duy nhất của sự phát triển ấy là sự đổi mới, là sự vượt lên chính mình.
Hơn chục phim “bom tấn” của thị trường phim nước ngoài không biết có đổ bộ hết vào rạp Việt Nam hay không, nhưng cho dù chỉ cần 10 phim so ra cũng là tỉ lệ gấp đôi phim Việt rồi. Trong khi đó, những cái tên đình đám đã từng nổi tiếng ở các phần trước như “Captain America: Civil War”, “X-Men: Apocalypse”, “Kỉ băng hà: Trời sập”, “Đi tìm Nemo”, “Alice ở xứ sở thần tiên”…
Những bộ phim ngoại đã từng hút hồn khán giả sẽ lại tiếp tục “làm mưa làm gió” tại phòng chiếu và khán giả Việt vẫn tiếp tục móc túi mua vé. Số lượng khủng, nội dung hay, tất nhiên sẽ là một sự chênh lệch quá lớn khi quan sát số lượng khán giả ở rạp chiếu phim ta và phim nhập. Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn ấy? Chỉ có thể là vì “quá đỉnh”. Vì thế, dù rằng phim Việt vẫn có lượng khán giả riêng của mình nhưng câu hỏi liệu phim nhập có một lần nữa “vùi dập” phim ta chắc chắn sẽ có câu trả lời ngay từ ban đầu.
Hết mùa, phim về đâu?
Với những phim “bom tấn” của nước ngoài, dù là làm theo mùa nhưng người ta có thể xem đi xem lại ở vài năm, thậm chí hàng chục năm sau. Còn phim Việt thì chỉ hết mùa là hết, thậm chí chỉ sau vài bữa trình chiếu, rạp đã vắng hoe và chẳng ai buồn nhắc đến.
Người làm phim vẫn chạy theo thị hiếu, chạy theo mùa, chỉ canh cánh “mùa này mình làm phim gì” theo kiểu thời vụ, rồi lại chăm lo đến việc sau vài ngày ra rạp, thấy không lỗ, có lãi, thế là yên tâm thu xếp dự án lại, để triển khai ngay dự án tiếp theo thì bao giờ khán giả Việt mới hết mong mỏi được xem những phim có chất lượng?
Trong khi đó, một dự án siêu phẩm điện ảnh của nước ngoài phải chuẩn bị trong vài năm với hàng trăm con người làm việc chuyên nghiệp để cho ra một sản phẩm mà thế giới phải ngóng đợi, trầm trồ và muốn xem lại. Tương quan lực lượng, chất lượng đã có ngay trước mắt, sao các nhà làm phim ta vẫn dửng dưng, ngó lơ mà không tư duy bứt phá?