Mùa chia cổ tức 2016: Kẻ cười, người im

Thúy Hằng 15/05/2016 14:05

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2016 đang rộn ràng, kèm theo đó là nhiều cảm xúc vui buồn của các cổ đông khi nhận thông báo về cổ tức của năm. Đáng chú ý, năm nay, trong khi khối ngân hàng im ắng thì khối doanh nghiệp ngành thép, hay sữa lại mạnh tay xuống tiền tươi thóc thật.

Nhà đầu tư mong muốn được chia cổ tức.

Ngân hàng lặng thinh

Hơn hai năm trở lại đây, khối ngân hàng không còn mạnh tay chia cổ tức được nữa. Một phần, Ngân hàng Nhà nước từ năm 2015 đã giám sát rất chặt chẽ việc chia lợi nhuận của các ngân hàng, để từ đó đảm bảo các ngân hàng trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, đảm bảo hệ số an toàn vốn...

Nhưng cũng có một phần khác đang diễn ra. Bởi trên thực tế, cổ phiếu ngân hàng trong hơn 5 năm trở lại đây đã chính thức hết nóng. Các ngân hàng hoặc có trả cổ tức, hoặc trả rất thấp, đi ngược với kỳ vọng của cổ đông.

ĐHCĐ của Techcombank mới đây là một ví dụ. Theo báo cáo, kết quả kinh doanh năm 2015 của Techcombank rất khả quan: dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 32 lên 39%, đạt 111.626 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 2,38% xuống 1,67%; huy động vốn đạt 142.240 tỷ đồng, tăng trưởng 8% là mức tăng bền vững. Do chi phí hoạt động giảm mạnh từ 47% xuống 39%, nên lợi nhuận của Techcombank cải thiện tích cực, đạt 2.037 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 44%) và sau thuế là 1.529 tỷ đồng. Tại thời điểm 31-12-2015, lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo tài chính còn lại hơn 2.215 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù lãi cả nghìn tỷ, nhưng HĐQT của Techcombank tiếp tục trình cổ đông chấp thuận giữ lại khoản lợi nhuận không chia cổ tức để dồn nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Điều này đã khiến nhiều cổ đông không đồng tình. Mặc dù lãnh đạo ngân hàng giải thích về nỗ lực tập trung xử lý nợ xấu và trích dự phòng rủi ro, nhất là cần tăng vốn đảm bảo các chỉ số theo chuẩn mực quốc tế Basel II, nhưng xem ra, cổ đông vẫn chưa thỏa mãn.

Tương tự với trường hợp của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Năm 2015 ngân hàng này ghi điểm lợi nhuận trên 3.000 tỷ đồng nhưng ban lãnh đạo VPBank lại vẫn đưa ra đề xuất là không chia cổ tức bằng tiền mà chỉ chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông với tỷ lệ 13,07% trên tổng mệnh giá cổ phần phổ thông, tương đương 1.104 tỷ đồng. Lãnh đạo của VPBank cho rằng việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp VPBank tăng vốn điều lệ, qua đó, cải thiện các chỉ số an toàn vốn theo quy định của NHNN.

Vì đâu nên nỗi

Với bất kỳ cổ đông nào, khi nắm giữ cổ phần, bên cạnh giá trị lên xuống của cổ phiếu, thì cổ tức là mối quan tâm hàng đầu, vì nó không chỉ mang lại hiệu quả đầu tư thiết thực- tiền tươi thóc thật, mà còn là thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp- trực tiếp quyết định sự tăng giảm của cổ phiếu. Rõ ràng, với những thực tế đang diễn ra, cổ đông ngân hàng không khỏi băn khoăn.

Nhưng vì đâu nên nỗi, các ngân hàng thất hứa chia cổ tức? Hiện áp lực tăng vốn chủ sở hữu để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản - CAR) là rất nặng nề. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian qua, tổng tài sản của các ngân hàng tăng lên nhanh chóng khiến hệ số CAR sụt giảm mạnh. Để đối phó với áp lực này, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã xin cổ đông trả một phần cổ tức bằng lợi nhuận để chia cổ phiếu thưởng, nhằm giúp ngân hàng tăng tiềm lực vốn. Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa qua, ông Trần Bắc Hà kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước để lại cổ tức, thặng dư cho chuyển nhượng phần sở hữu của Nhà nước, thặng dư từ các khoản thoái vốn đầu tư làm nguồn tăng vốn cho ngân hàng.

Doanh nghiệp hỉ hả

Trái ngược với khối ngân hàng, nhiều doanh nghiệp có vốn chưa đầy trăm tỷ lại chia cổ tức rất cao. Có thể điểm danh hàng loạt cái tên như Nội Bài Cargo (NCT) chia cổ tức tổng cộng lên đến 106%; Cảng Đình Vũ (DVP) - 70%; Tập đoàn Hoa Sen (HSG) - 70%; XNK thủy sản Bến Tre (ABT) - 52%; Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APF) - 66,2%; Dây cáp điện Việt Nam (CAV) - 30%; công viên nước Đầm Sen (DSN) chia cổ tức tổng cộng 90% (47% bằng tiền và 43% bằng cổ phiếu/cổ phiếu thưởng); Ôtô Trường Long (HTL) chia cổ tức 50% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu. Ngoài ra, Đường Kon Tum (KTS), Dược phẩm Hà Tây (DHT), Cảng Đoạn Xá (DXP), Thành An 96 (TA9) hay Dệt may Huế (HDM) cũng được biết đến là những doanh nghiệp có vốn điều lệ chưa tới 100 tỷ đồng nhưng vốn hóa thị trường rất cao, và tỷ lệ chia cổ tức của các doanh nghiệp này đều từ 30-50%...

Nhưng đáng ghen tỵ, có lẽ là đại gia ngành sữa Vinamilk. Nếu như cổ đông của khối ngân hàng ngậm ngùi, tiếc nuối không nhận được tiền mặt thì nhìn sang doanh nghiệp sữa này, cảm thấy ghen tỵ.Theo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận 2015 của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã CK: VNM), đơn vị này dự kiến sẽ chia cổ tức 2015 cho cổ đông ở mức 60% (6.000 đồng một cổ phiếu). Trước đó, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt I với tỷ lệ 40%, dự kiến chi trả tiếp 20% còn lại bằng tiền mặt vào ngày 16-6 nếu được đại hội thông qua. Danh sách cổ đông sẽ được chốt ngày 6-6. Như vậy, Vinamilk sẽ dành hơn 6.400 tỷ đồng để trả cổ tức, tương đương 82% lợi nhuận sau thuế năm 2015. Đây cũng là lần chia cổ tức cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp. Trước đó trong năm 2014, Vinamilk cũng trả cổ tức với tỷ lệ 40%, 2013 là 48% và 2012 là 38%.

Thúy Hằng