Các tập đoàn lớn và cuộc chiến công nghệ chống IS
Ngoài việc tấn công tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên các mặt trên Iraq và Syria, chính quyền Mỹ hiện còn đang phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn chống lại các chương trình tuyên truyền của chúng trên mạng, dù chưa biết liệu nó sẽ mang lại hiệu quả ra sao.
IS thường sử dụng các mạng xã hội và ứng dụng WahtsApp để tuyển mộ chiến binh (Nguồn: Huffpost).
IS từ lâu đã sử dụng mạng Internet cụ thể là các mạng xã hội như một công cụ đắc lực để tuyên mộ chiến binh cho cái mà chúng gọi là nhà nước kiểu “Caliphate” ở Syria và Iraq, đồng thời kêu gọi những kẻ cực đoan trên khắp thế giới thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Ngoài ra, IS còn liên tục tung ra các đoạn video tuyên truyền, trong đó chiếu cảnh các chiến binh của chúng trên chiến trường hoặc đang sát hại con tin.
Và để ngăn chặn những hoạt động ngầm này, những “người khổng lồ” trong làng công nghệ như Twitter hay Facebook hiện đang làm việc cấp tập để đánh sập các tài khoản của chiến binh thánh chiến, dù cho những kẻ này sau đó lại lập ra các tài khoản dưới cái tên mới.
“Twitter mới đây công bố rằng họ đã đánh sập tới 200.000 tài khoản kiểu này. Nhưng sự thực là số lượng tài khoản mà họ đánh sập thậm chí còn cao hơn nhiều” - ông Richard Stengel, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về quan hệ ngoại giao, cho hay.
Ông Stengel cũng cho biết thêm, Youtube đến nay cũng đã gỡ bỏ hàng triệu đoạn video tuyên truyền của IS trên website của họ. Trong khi Facebook đã giao cho một nhóm nhân viên gồm hàng trăm người, làm việc 24/7, để gỡ bỏ các nội dung độc hại mà IS tung lên các hệ thống của họ.
Cùng thời điểm, các nỗ lực của chính phủ Mỹ cũng đang được thực hiện mà dẫn đầu là cựu quan chức hải quân Michael Lumpkin, thuộc Trung tâm Liên kết Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao.
Trung tâm này không tập trung vào đưa ra các thông điệp của chính phủ Mỹ, mà thay vào đó có nhiệm vụ cảnh báo cộng đồng và khơi dậy sự chung tay ủng hộ của cộng đồng trong việc chống lại các chiêu trò tuyên truyền của những kẻ cực đoan. Bộ tư lệnh Trung ương quân đội Mỹ, cơ quan phụ trách các hoạt động quân sự ở Trung Đông, hiện cũng đang tích cực chống lại IS trên các mạng xã hội.
“Bộ tư lệnh đang triển khai một chương trình trực tuyến hữu hiệu, trong đó tập trung trí lực của các chuyên gia và thành viên quân đội cùng các nhà thầu” - Người phát ngôn Lầu năm góc, Đại tá Adrian Rankine-Galloway, cho hay.
Được biết nhiệm vụ của họ là cung cấp các thông tin chân thực cho cộng đồng mạng để họ nhận diện được những lời dối trá và thông tin sai lệch mà IS tung ra.
Theo ông Stengel, các hoạt động của chính phủ Mỹ và các tập đoàn lớn đến nay đã gặt hái được thành công lớn, trong đó tăng số lượng thông điệp chống IS lớn gấp 5 lần các thông điệp tuyên truyền ủng hộ chúng. Phần lớn các thông điệp điều được viết bằng tiếng Ả rập.
JM Berger, một chuyên gia nghiên cứu về IS và từng có nhiều bài viết chuyên sâu về việc lợi dụng mạng xã hội Twitter để tuyên truyền của chúng, nói rằng tổ chức phiến quân này đang gánh chịu sức ép lớn.
“Không còn nghi ngờ gì việc những kẻ ủng hộ IS trên Twitter và các mạng xã hội khác đang chịu sức ép lớn chưa từng có và chúng đang hoạt động chậm lại rất nhiều nếu so với năm ngoái và đầu năm nay” - ông Berger nói.
Will McCants, một chuyên gia nghiên cứu về thánh chiến tại Viện Brookings, thì nói rằng sức ép từ phía chính quyền Mỹ và các tập đoàn công nghệ trên Twitter và Facebook đã khiến những kẻ ủng hộ IS phải thu hẹp phạm vi hoạt động trên những mạng xã hội nhỏ hơn như Telegram. Tuy nhiên, chúng vẫn duy trì sự hiện diện của mình trên các mạng xã hội lớn để tuyên mộ thêm chiến binh.
Trong khi đó, cũng có một số chuyên gia đánh giá điều ngược lại. Rita Katz, đồng sáng lập Công ty tình báo tư nhân SITE, nói rằng các chương trình tuyên truyền của IS đã tăng ít nhất là gấp đôi trong năm 2015, thậm chí có thể còn hơn. Và theo như các báo cáo ngày mà họ nhận được, trong năm ngoái, IS còn tăng thêm việc tung ra các ấn bản tuyên truyền, và còn tung thêm ấn bản mới - các tạp chí điện tử tiếng Thổ và tiếng Nga.
“Các tổ chức và cá nhân khủng bố vẫn trực tuyến và chúng vẫn đang tuyển mộ chiến binh” - bà Katz nói.
Cùng lúc, Giám đốc FBI James Comey cũng từng cảnh báo rằng, dù số lượng người tới Syria và Iraq để gia nhập hàng ngũ IS đã giảm, nhưng tổ chức này vẫn có đủ khả năng để kêu gọi những “linh hồn lạc lối” thực hiện các kế hoạch tấn công khủng bố của chúng.