Mỹ dùng Trung Âu để bao vây Nga?
Giới chức Mỹ và NATO tuyên bố rằng hệ thống lá chắn tên lửa của họ ở châu Âu, bao gồm trạm phòng thủ Aegis Ashore tại Romania, không nhằm vào Nga, nhưng theo giới phân tích thì chương trình này là một phần trong chiến lược vây hãm Moscow của Washington.
Trạm phòng thủ tên lửa Aegis Ashore đặt tại Romania (Nguồn: AFP).
Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Mateusz Piskorski, Giám đốc Trung tâm Phân tích Địa chính trị châu Âu, nói rằng Mỹ và NATO đang sử dụng hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu để theo đuổi “các mục đích địa chính trị” của họ.
“Các nước Trung Âu chỉ là một phương tiện để Mỹ cô lập Nga khỏi phương Tây. Đương nhiên họ đang sử dụng cả các quốc gia khác dọc biên giới với Nga nữa, nhằm hạn chế các sáng kiến hội nhập khu vực của Nga” - ông Piskorski giải thích.
Ông Piskorski còn nhấn mạnh rằng động thái của Washington là vi phạm luật pháp và các hiệp ước quốc tế, trong đó gồm các hiệp ước từng ký kết hồi những năm 1970 và các cam kết của NATO hồi những năm 1990. Các hiệp ước này “đã bị Mỹ công khai vi phạm”, ông Piskorski nói.
Hôm thứ Năm tuần trước, hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên đất liền do Mỹ chế tạo đã đi vào hoạt động tại một căn cứ quân sự ở Romania. Hệ thống trị giá 800 triệu USD này theo Mỹ là một phần của kế hoạch bảo vệ châu Âu khỏi mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Iran.
Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng Iran không hề gieo mối đe dọa nào tới châu Âu - đặc biệt trong thời điểm thỏa thuận hạt nhân giữa họ với các cường quốc đã được ký kết - bởi vậy mà hệ thống lá chắn tên lửa là không cần thiết. Rất nhiều chuyên gia cũng không bị thuyết phục bởi lý do mà Mỹ và NATO đưa ra về mục đích thực sự đằng sau động thái này.
“Theo giọng điệu của họ thì nó là một chương trình phòng thủ, nhưng chúng tôi thì biết rõ rằng nó là một kiểu phô diễn sức mạnh quân dự để chứng tỏ họ là ông chủ của Trung Âu” - ông Piskorski nói.
Hệ thống lá chắn tên lửa được khởi động ở Romania diễn ra trong một thời điểm mà căng thẳng giữa NATO và Nga đã giảm đến mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Và động thái này dường như lại làm gia tăng căng thẳng trở lại.