Ứng phó với hạn mặn tại ĐBSCL: Không thể chậm trễ
“Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hiện trạng và giải pháp” là tiêu đề buổi tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia phối hợp Trung tâm Nghiên cứu biển và đảo tổ chức mới đây tại TP HCM, đã chỉ ra một thực tế hạn mặn đang “bao vây” khu vực ĐBSCL và cần sớm có giải pháp ứng phó.
Hạn mặn ở ĐBSCL thời gian qua gây thiệt hại nặng nề.
Nghiên cứu của GS. Chung Hoàng Chương (Thành viên thuộc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế) chỉ ra rằng: các sông ngòi tại khu vực ĐBSCL thời gian qua đã mất đi khoảng 4,7 tỉ m3 nước để đẩy mặn. Tuy nhiên, với tình trạng khô hạn, kèm theo xâm nhập mặt tại nhiều tỉnh ven biển của khu vực này thì khả năng tình trạng hạn mặn càng trở nên căng thẳng hơn. Đó là việc xây dựng hàng loạt đập thuỷ điện của các nước thuộc khu vực thượng nguồn sông Mekong đã và đang đẩy hạn mặn ở ĐBSCL lên mức ngày càng trầm trọng.
GS. Chương gợi ý, các địa phương ĐBSCL nên nghiên cứu ngay giải pháp, nhất là cần có mô hình nông nghiệp khôn ngoan và hoàn thiện trong công tác quản lý nước để cân bằng được 3 yếu tố môi trường sống, lúa và nước.
Trong đó, nhà nghiên cứu này đề xuất giải pháp trồng các loại cây chống nhiễm mặn, vốn là các cây đặc trưng của vùng, như: bần, đước và cây mắm. Cùng với giải pháp cân bằng sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu thì GS.Chương cũng cho rằng: Nhà nước nên có chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu trong nước, và tạo diễn đàn cho các nhà khoa học thường xuyên trao đổi, đối thoại, xem xét, đánh giá hiện trạng hạn mặn để có giải pháp phù hợp kịp thời. Cùng ý kiến như GS.Chương, TS. Nguyễn Nhã còn đề nghị thành lập một trung tâm kết hợp với các tỉnh ở ĐBSCL để tìm các giải pháp thích hợp nhất cho vấn đề xử lý hạn mặn ở khu vực này.
Các ý kiến cũng đề nghị các địa phương nên tính đến giải pháp như nuôi tôm hoặc trồng lúa chịu mặn…Chẳng hạn như vừa qua Trung tâm giống Nông nghiệp - Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang có ứng dụng hai giống lúa (OM 5451 và OM 6976) có khả năng thích ứng với khu vực sản xuất nhiễm mặn.
Bước đầu, hai giống lúa được trồng thí điểm ở huyện cù lao Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang – nơi có điều kiện canh tác trên đất nhiễm mặn, thường xuyên hạn hán. Kết quả so sánh cho thấy, hai giống lúa này cho năng suất cao hơn các giống lúa đối chứng tại địa phương này từ 29-36% và có khả năng sinh trưởng tốt.
Bà Lương Bạch Vân (Ủy viên Ủy Ban Trung ương MTTQVN và TS.Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia) cùng cho rằng, ĐBSCL nằm trong khu vực hạn mặn, nhất là vùng tâm điểm tiểu vùng sông Mekong. Đáng chú ý, nắng nóng kéo dài khiến hạn mặn càng trở nên khắc nghiệt.
Và, người dân, nhất là những người trồng lúa không thể chờ đợi thêm được nữa. TS.Nguyên gợi ý, cùng với các giải pháp được các nhà khoa học đưa ra thì các địa phương cũng cần có các kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện những mô hình thí điểm, sau đó nếu đạt hiệu quả thì nhân rộng ra để cải thiện trực tiếp cho các khó khăn mà người dân ĐBSCL đang phải gánh chịu.
“Điều các nhà khoa học trong nước hiện nay rất trăn trở chính là việc phải làm sao để chính quyền các cấp, nhất là các địa phương ở ĐBSCL nhận thấy rằng nếu chậm trễ trong việc giảm thiệt hại và thích ứng với hạn mặn thì hàng triệu nông dân ở khu vực này sẽ bị nghèo hóa. Ngoài ra, còn dẫn đến các hệ quả về di cư, mất cân bằng sinh thái và xáo trộn văn hóa” - PGS.TS Phan Thị Yến Tuyết (Khoa Việt Nam học - Trường ĐH KHXH&NV TP HCM) cảnh báo.
GS. Chung Hoàng Chương cũng nhấn mạnh, việc tìm cách ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được nhiều quốc gia quan tâm. Chẳng hạn, Sri Lanka giúp người dân giữ nước mưa; Bali sử dụng mô hình “subak” làm chậm dòng chảy, cho nước chảy từ từ trên thượng nguồn xuống hạ nguồn; Ấn Độ dùng các hồ chứa nước ngọt có màn che để tránh bốc hơi, hay như Hà Lan làm hệ thống đê chống mặn xâm nhập;… “Chính vì vậy, chúng ta làm được cái gì thì làm, đến đâu hay đến đó chứ không thể ngồi chờ chính sách. Trước mắt là nghiên cứu liên kết 3 nhà (nông dân - nhà khoa học - doanh nghiệp) để cùng tìm hướng giải pháp trước mắt cải thiện hạn mặn cho khu vực.
Bến Tre: Chi 100 tỷ đồng xây hồ chống hạn Sở NN&PTNT Bến Tre vừa quyết định xây hồ chứa nước ngọt có dung tích khoảng 1 triệu m3 ở địa bàn huyện Ba Tri. Theo đó, hồ chứa nước ngọt này được hình thành bằng cách xây đập ở 2 đầu của kênh Lấp (huyện Ba Tri, dài khoảng 15km). Đây là tuyến kênh nhân tạo, nối liền 2 con sông là Ba Lai và Hàm Luông nhưng từ lâu đã bị bỏ hoang. Ngoài việc xây cống lấp 2 đầu, việc cải tạo và đắp đê, nạo vét bùn đất để chứa nước là giai đoạn quan trọng nhất. Khi hoàn thành, nước ở kênh này sẽ được giữ lại vào mùa mưa và xả ra khi mùa khô, dùng làm nước tưới tiêu cho hàng trăm ngàn hộ dân trong vùng. Với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, dự án xây hồ nước ngọt này có thể bắt đầu hoàn thành và khai thác vào đầu năm 2017. Đoàn Xá |